Nuôi vịt ứng dụng chế phẩm vi sinh, nông dân Phú Thọ kỳ vọng thu nhập cao
Nông dân phấn khởi lần đầu chăn nuôi vịt an toàn sinh học
Nông dân ở xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) bao đời nay vẫn chăn nuôi vịt theo phương pháp truyền thống, dù có lãi nhưng hiệu quả kinh tế không cao, hay xảy ra dịch bệnh và thị trường tiêu thụ vịt thương phẩm bấp bênh hoặc bị ép giá.
Nhằm khuyến khích nông dân phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ngày 27/8/2024, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học.
Tham gia mô hình, 8 hộ chăn nuôi ở xã Phùng Nguyên được hỗ trợ hơn 2.100 con vịt giống, trên 18 tấn thức ăn và chế phẩm sinh học. Tổng kinh phí thực hiện dự án mô hình là gần 400 triệu đồng, từ nguồn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Trước đó, Trung ương Hội Nông dân phối hợp Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vịt thương phẩm ứng dụng chế phẩm vi sinh cho các hộ nông dân xã Phùng Nguyên.
Là 1 trong 8 hộ tham gia mô hình, ông Nguyễn Đình Tưởng (hội viên nông dân xã Phùng Nguyên) phấn khởi cho biết, gia đình ông đã có nhiều năm phát triển chăn nuôi vịt thương phẩm. Mỗi năm ông nuôi và xuất bán 3-4 lứa vịt thịt, tuy nhiên việc chăn nuôi theo phương pháp truyền thống chăn thả tự nhiên, quy mô nhỏ; tỷ lệ vịt chết vẫn cao, giá vịt thành phẩm xuất bán bấp bênh, có vụ giá bán giảm rất thấp, buộc phải bán cả đàn theo đầu con, chỉ khoảng 50.000 - 70.000 đồng/con.
“Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia mô hình chăn nuôi hiện đại, với quy trình an toàn, khép kín. Điều rất bổ ích, thiết thực là chúng tôi được hỗ trợ vịt giống, chế phẩm vi sinh và hướng dẫn kỹ thuật nuôi vịt an toàn sinh học… nên rất yên tâm, phấn khởi. Vịt giống rất đẹp và khoẻ mạnh. Với việc bà con nông dân chủ động áp dụng đúng phương pháp chăn nuôi được tập huấn, tôi tin rằng, chỉ khoảng hơn 1 tuần nuôi sẽ thấy đàn vịt lớn nhanh, lông mượt đẹp, tỷ lệ sống gần như tuyệt đối. Đặc biệt, nhờ dùng chế phẩm vi sinh xử lý chất thải nên môi trường sẽ sạch sẽ, không có mùi hôi. Được hỗ trợ từ Trung ương Hội Nông dân, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ có lứa vịt hiệu quả và có thu nhập cao” - ông Tưởng tự tin.
Duy trì, nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học
Bà Lê Thị Quỳnh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đánh giá, ngay từ đầu, việc kiểm tra, triển khai mô hình tại cơ sở từ khâu chọn điểm, chọn hộ đến khâu tổ chức cấp phát vật tư hỗ trợ, tổ chức các hội nghị tập huấn được thực hiện kỹ lưỡng. Các tiến bộ kỹ thuật từ chọn giống, ứng dụng chế phẩm sinh học trong thức ăn, nước uống và xử lý môi trường cho đến liên kết tiêu thụ sản phẩm được lên kế hoạch thực hiện khoa học, phù hợp với nhu cầu của người chăn nuôi.
“Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật được lựa chọn để hướng dẫn kỹ thuật của mô hình có kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng mô hình khuyến nông, có kiến thức kỹ thuật tốt, có tay nghề và nghiệp vụ giỏi, đảm bảo đáp ứng với việc hướng dẫn kỹ thuật của mô hình... nên kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các hoạt động này đã có tác động lớn, làm chuyển biến nhận thức của nông dân về ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học” - bà Quỳnh nói.
Vịt giống hỗ trợ mô hình nông dân ở xã Phùng Nguyên được chọn tuyển kiểm soát tốt từ việc nhập giống đến quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trị bệnh đảm bảo chất lượng.
Theo đánh giá ban đầu, kết quả chăn nuôi sẽ cho tỷ lệ vịt nuôi sống đến xuất chuồng cao, đạt trên 95%; khối lượng tăng trọng, tiêu tốn thức ăn phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật của giống, khối lượng vịt khi xuất chuồng đạt hơn 3kg/con, hiệu quả kinh tế ước tăng 25%.
Nhiều người nuôi vịt tham gia buổi tập huấn cho biết, trước khi tham gia mô hình, hầu hết các hộ chăn nuôi theo kinh nghiệm và phương thức truyền thống, thực hiện chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn sinh học, chưa chú trọng công tác chọn giống. Sau khi tham gia buổi tập huấn này, các hộ nông dân được giảng viên hướng dẫn đầy đủ, chi tiết quy trình kỹ thuật chăn nuôi, khép kín, sử dụng thức ăn hoàn chỉnh đảm bảo chất lượng từng giai đoạn nuôi.
Theo đánh giá từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ, mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học triển khai ở xã Phùng Nguyên áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi an toàn, khép kín, thức ăn đảm bảo chất lượng từng giai đoạn nuôi, khối lượng tăng trọng nhanh, tỷ lệ nuôi sống cao, tiêu tốn thức ăn thấp. Mặt khác, mô hình được chú trọng công tác tiêm phòng vaccine, sử dụng chế phẩm vi sinh bổ sung thức ăn và làm đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học, thảo dược bổ sung thức ăn, nước uống thay thế kháng sinh phòng trị bệnh, nên chi phí thuốc thú y thấp hơn so với chăn nuôi thông thường...
“Thông qua mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học ở xã Phùng Nguyên hướng đến mở rộng phương thức sản xuất theo hướng chăn nuôi an toàn và bền vững; bảo vệ sức khỏe con người, môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh” - bà Lê Thị Quỳnh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh.
“Mô hình đã tập huấn, trang bị các kiến thức về chăn nuôi cho đội ngũ cán bộ cơ sở và người chăn nuôi, hiệu quả của mô hình sẽ giúp nâng cao mức thu nhập của các hộ, đóng góp tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế nông thôn”.
Bà Lê Thị Quỳnh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ