Nông thôn mới

Nông dân Quảng Trị thích ứng với chuyển đổi số trong nông nghiệp

Minh Anh - 16:40 06/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, Quảng Trị đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Nhân viên Công ty Thương mại Quảng Trị đang dùng máy bay không người lái phun chất dinh dưỡng cho lúa hữu cơ trên cánh đồng tại Cam Hiếu (Cam Lộ) 

Dành kinh phí đầu tư chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp

Tỉnh Quảng Trị xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực. Do đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp được tỉnh chú trọng quan tâm, hàng năm từ nguồn vốn chương trình sự nghiệp, kinh phí nghiên cứu khoa học, nguồn Nông thôn mới, các chương trình dự án… được dùng vào nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh bước đầu đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng, sạch để cung cấp cho thị trường.

Một số mô hình ứng dụng chuyển đổi số đã áp dụng vào trong sản xuất chăn nuôi, trồng trọt như:  Các mô hình ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa tự động; ứng dụng hệ thống cảm biến trong điều khiển, theo dõi, giám sát từ xa quá trình chăm sóc cây nông nghiệp; mô hình nhà kính hiện đại phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất một số loại cây trồng có giá trị cao; ứng dụng thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc BVTV cho gần 1000ha lúa; ứng dụng tem QR Code trên một số sản phẩm như: dưa hấu, cây ăn quả, cà phê, hồ tiêu...; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (Biofloc); mô hình ứng dụng công nghệ giống keo nuôi cấy mô trong trồng rừng lâm nghiệp…

Trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản thủy sản, địa phương đã áp dụng các ứng dụng như: Ứng dụng máy bắn màu tự động; sử dụng dây chuyển bán tự động trong sơ chế bóc vỏ, chẽ hạt điều; dây chuyền chiết rót tự động cao dược liệu; ứng dụng hệ thống sấy lạnh sản phẩm nông sản, dược liệu; ứng dụng chuyển đổi số vào truy xuất nguồn gốc, kinh doanh...

Ông Phan Văn Phước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung rà soát, ứng dụng các công nghệ số phù hợp vào quy trình quản lý nhà nước, từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất đối với các thành phần kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng số hóa, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, từ đó tạo động lực cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.

Để chuyển đổi số trong nông nghiệp phát triển thuận lợi, Quảng Trị đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nông thôn về hạ tầng mạng viễn thông, mạng cáp quang, trạm thông tin di động tương đối hoàn thiện, công nghệ hiện đại, độ phủ cao. Hiện tỷ lệ phủ sóng hạ tầng internet băng rộng cố định đã đến 100%  thôn, bản, khu phố đạt 86%. Tỷ lệ phủ sóng hạ tầng mạng viễn thông di động đến 100% thôn, bản, khu phố đạt 97%. Tỷ lệ hộ gia đình có địa chỉ số 100%; có trên 63% THT/HTX được trang bị máy tính, tỷ lệ máy tính được kết nối mạng Internet ước đạt trên 95,8%; 75,8% số hộ sản xuất nông nghiệp có điện thoại thông minh, trong đó 65,5 % số hộ có điện thoại, máy tính kết nối internet, 84,8% số hộ sử dụng thành thạo điện thoại thông minh/máy tính.

Nhờ hạ tầng viễn thông được đầu tư, toàn tỉnh hiện có 737 doanh nghiệp công nghệ số với 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có triển khai nền tảng hóa đơn điện tử. Ngoài sàn thương mại điện tử của tỉnh, Quảng Trị hiện có 3.757 sản phẩm được đưa lên các sàn thương mại điện tử Voso và Postmart (đứng thứ 6/19 tỉnh thành trong khu vực), với 16.000 giao dịch thương mại điện tử được thực hiện trên các sàn thương mại điện tử này; có 113.335 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử đạt 55% (xếp thứ 4/19 tỉnh thành trong khu vực).

Hội Nông dân hướng dẫn, hỗ trợ hội viên tham gia chuyển đổi số

 Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã có nhiều hoạt động cùng với chính quyền địa phương, các cấp, các ngành tham gia công cuộc chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hội xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập của nông dân. Do vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng chuyển đổi số được các cấp hội nông dân trong tỉnh chú trọng thực hiện.

Chị Trần Thị Vân, ở thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị mỗi năm có thu nhập 1 tỷ đồng từ trang trại nuôi gà

Trong tháng 6 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2023 – 2028. Hai bên thống nhất các nội dung của thỏa thuận hợp tác bao gồm: phối hợp khảo sát, xây dựng giải pháp tổng thể về số hoá và chuyển đổi số các hoạt động công tác chỉ đạo, hướng dẫn của Hội Nông dân tỉnh; phối hợp triển khai giải pháp chuyển đổi số cho Hội Nông dân tỉnh và các đơn vị trực thuộc, bao gồm các hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý điều hành thông suốt từ tỉnh tới địa phương; phối hợp triển khai các giải pháp xã hội số, kinh tế số phát triển và hỗ trợ hội viên như: các ưu đãi qua sim nông dân, đường truyền internet cáp quang, thanh toán không tiền mặt; ưu đãi hệ thống phần mềm, thiết kế mẫu và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phối hợp hỗ trợ, tổ chức đánh giá, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; hỗ trợ nông dân khởi nghiệp; tổ chức, tài trợ triển khai các hoạt động khác phù hợp với nhu cầu của Hội Nông dân tỉnh trong từng giai đoạn cụ thể và lĩnh vực ưu tiên của ngành Bưu điện Quảng Trị.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh đã thu thập thông tin của 35.420 hộ sản xuất nông nghiệp đưa lên sàn thương mại điện tử Quangtri.Postmart với 60 gian hàng của các cơ sở sản xuất thiết lập và 350 sản phẩm nông nghiệp, chủ yếu là hàng nông sản, sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hội tổ chức cho nông dân tham gia các hội chợ nông nghiệp do Trung ương Hội tổ chức và 106 đợt trưng bày nông sản an toàn tại các sự kiện ở địa phương giúp nông dân quảng bá sản phẩm.

Hiện đã có 31 sản phẩm được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ đăng ký, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Trong đó huyện Hải Lăng có 4 sản phẩm gồm ném hạt Hải Dương, sen Hải Sơn, bánh tét mặt trăng Hải Thượng, cam K4 Hải Phú. Hyện Cam Lộ có các sản phẩm gà Cùa, ổi Cam Lộ, sắn dây Cam Chính. Huyện Đakrông có 5 sản phẩm gồm dưa hấu Mò Ó, rượu men lá Ba Nang, rượu cần Hướng Hiệp, lạc, đậu xanh Ba Lòng. Huyện Triệu Phong có số lượng sản phẩm được hỗ trợ nhiều nhất gồm đông trùng hạ thảo Triệu Độ, gạo huyết rồng Triệu Phước, bưởi thanh trà, bưởi da xanh Triệu Thượng, nem chả, bánh kẹo Triệu Thành, miến ngũ sắc, bột tía tô Triệu Tài. Huyện Vĩnh Linh có gà sạch Vĩnh Chấp, thanh long ruột đỏ Vĩnh Thủy, dưa hấu Vĩnh Tú. Huyện Gio Linh có dưa hấu Phong Bình, rau xà lách xoong, tinh bột nghệ Gio An; huyện Hướng Hóa có chuối Tân Long, măng sấy khô Hướng Phùng, cà phê Khe Sanh...

Để giúp nông dân nâng cao năng lực chuyển đổi số, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp rà soát, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn; kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Quangtri.Postmart và hệ thống điểm bán hàng của hai bên. Hai bên tăng cường phát triển cộng tác viên, đại lý bán hàng, triển khai các chương trình truyền thông về chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn lồng ghép vào các hội nghị, tập huấn, đào tạo hoặc sự kiện của Hội Nông dân tỉnh tổ chức.

Ông Trần Văn Bến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị cho biết: Hội sẽ hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, phấn đấu mỗi cơ sở hội hướng dẫn, hỗ trợ được ít nhất 1 sản phẩm lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị. Phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, internet và thương mại điện tử cho cán bộ, hội viên, nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác, HTX trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Ông Bến cũng khẳng định, bên cạnh nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghệ số cũng giúp nông dân thuận tiện hơn trong học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu thị trường, liên kết hợp tác sản xuất. Sự thay đổi này không chỉ xuất hiện ở những doanh nghiệp quy mô lớn, mà ngay cả những chi, tổ hội nghề nghiệp, HTX, tổ hợp tác... cũng đã từng bước áp dụng phù hợp. Những hoạt động này góp phần triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác