Nông dân Thanh Hóa được Hội hướng dẫn "biến" rơm rạ thành phân hữu cơ
Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Quỹ BRACE tài trợ, Trung ương HND Việt Nam chủ trì thực hiện. Thanh Hóa là 1 trong 15 tỉnh, thành phố trên cả nước được Trung ương HND Việt Nam lựa chọn tham gia Dự án. Dự án được HND tỉnh Thanh Hóa triển khai từ năm 2022 tại 11 xã, thị trấn của 3 huyện Quảng Xương, Thiệu Hóa, Yên Định với nhiều hoạt động như: Khởi động Dự án, tập huấn các kỹ thuật, tổ chức các sự kiện truyền thông.
Tại lớp tập huấn, các hộ sản xuất được trang bị những kiến thức cơ bản về rơm rạ, tác hại của việc xử lý rơm rạ không đúng cách; hạn chế việc đốt rơm, rạ trên đồng ruộng; giảm khói bụi, sự nóng lên của khí quyển, giúp giảm phát thải khí nhà kính. Rơm rạ được phân huỷ bằng men vi sinh sẽ giúp bổ trợ cho đất nguồn hữu cơ, giúp đất khoẻ hơn, người nông dân sẽ giảm chi phí của việc giảm phân bón lót. Bên cạnh đó, các hộ còn được hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ làm phân bón cho lúa; được hỗ trợ 1.265 gói chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
Trong chương trình tập huấn, cán bộ kỹ thuật của Dự án cũng đã trực tiếp hướng dẫn các hộ thực hành phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm rạ tại ruộng. Trước đó, các hộ tham gia dự án cũng đã được hướng dẫn việc áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải trong khuôn khổ Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" thông qua các khâu kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế. Đây là những kỹ thuật khá đơn giản, dễ làm, thân thiện với môi trường.
Thông qua hoạt động này góp phần thay đổi hành vi, thói quen của hội viên, nông dân trong canh tác lúa và sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất nông nghiệp đối với môi trường.
Được biết, Ban Quản lý Dự án Xử lý rác thải HND tỉnh đã tổ chức 55 lớp tập huấn cho 2.750 cán bộ, hội viên, nông dân tham gia; tập huấn thuyết trình trên hội trường, thực hành các kỹ thuật ngay tại hộ gia đình. Triển khai thực hiện 495 mô hình; thành lập các tổ thu gom rác và tổ tuyên truyền dự án; hỗ trợ mỗi xã 01 máy băm phụ phẩm nông nghiệp; tổ chức các hoạt động truyền thông của dự án; góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường nông thôn.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi