Được học nghề, nhiều nông dân Tuyên Quang vươn lên khá giả
Bưởi Phúc Ninh ngày một ngọt hơn
Ông Vũ Ngọc Đình ở thôn Lục Mùn (xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn) cho biết: Gia đình tôi vốn có truyền thống trồng cây ăn quả có mùi từ nhiều năm trước, nhưng thường canh tác theo kiểu tự phát nên năng suất và chất lượng không đảm bảo. Nhưng từ năm 2017, sau khi được tham gia lớp học nghề dạy trồng trọt của Hội Nông dân huyện Yên Sơn tổ chức, tôi đã mạnh dạn áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật trong việc nhân giống, cấy ghép, chiết cành… vào vườn bưởi của gia đình, chính vì vậy mà sản lượng, chất lượng của vườn bưởi đã cao hơn hẳn.
Hiện nay với diện tích vườn nhà rộng với 3,5ha ông Đình đã mạnh dạn chuyển toàn bộ sang trồng 1.200 cây bưởi các loại (bưởi ngọt, bưởi da xanh, bưởi đường). Học đúng theo quy trình sản xuất sạch ở lớp dạy nghề, giờ đây ông Đình đã canh tác vườn theo hướng hữu cơ, sử dụng 100% phân bón là phân chuồng, phân xanh ủ hoai mục; không phun thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật…
Chính vì vậy chất lượng vườn bưởi của gia đình ông Đình luôn ổn định, quả ngọt, vỏ mỏng, mã đẹp… từ đó các thương lái đã tìm đến tận vườn nhà để đặt mua hàng. Doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân mỗi năm thu nhập khoảng 600-700 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân gia đình mà ông Đình còn là người luôn tích cực tham gia hỗ trợ cho các hộ gia đình khác về chuyển giao giống, kỹ thuật, cách chăm sóc cây ăn quả cho bà con nông dân khác trong vùng để cùng nhau làm giàu.
Ông Nguyễn Đức Quân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Ninh cho biết: Thấy gia đình nhà ông Đình có đời sống khá giả từ việc trồng bưởi, bà con nhân dân quanh vùng đã thường xuyên đến để mua giống và học hỏi kinh nghiệm. Nhờ đó mà hiện nay, 100% hộ dân trong thôn Lục Mùn đều trồng bưởi và chọn cây trồng này là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế gia đình. Nhà ít cũng vài chục cây đến nhà nhiều 2-3ha bưởi. Hiện tổng diện tích bưởi của thôn Lục Mùn đạt gần 50 ha bưởi, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm từ cây bưởi. Nhiều hội viên nông dân đã trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ cây bưởi.
Nông dân Bình An tự tin với nghề nấm
Tháng 10/2021, Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Ban Di dân tái định cư huyện Lâm Bình tổ chức rà soát nhu cầu và tuyên truyền, vận động các hộ dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang tại địa bàn hai xã Bình An và Thổ Bình để tổ chức mở 03 lớp dạy nghề trồng nấm cho bà con.
Mỗi lớp học với 35 học viên chủ yếu là chị em phụ nữ thuộc các hộ gia đình di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Tham gia lớp học, các học viên đã được trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng, chăm sóc hai loại nấm chính là nấm sò và nấm linh chi.
Đây là một mô hình mới được đánh giá là rất phù hợp với điều kiện của bà con địa phương vì nguồn nguyên liệu chính là rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp luôn có sẵn trong các hộ gia đình. Từ đó bà con có thể trồng quanh năm để làm thức ăn phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt gia đình và cung cấp cho thị trường.
Để học viên nắm rõ quy trình sản xuất nấm, trong quá trình học Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã chia lớp học thành từng nhóm để thực hành trồng nấm ngay tại các nhóm hộ gia đình. Chỉ sau hơn một tháng tham gia học tập và thực hiện mô hình trồng nấm tại cơ sở, đã có những sản phẩm nấm bắt đầu cho thu hoạch.
Mỗi mô hình học nghề trồng nấm với 1.000 bầu nấm, cho thu hoạch 10-15 kg/ngày, giá bán 40.000 đồng/1 kg đã cho thấy hiệu quả cao đối với người nông dân nơi đây.
Tham gia vào dự án trồng nấm, chị Giàng Thị Lên ở thôn Nà Coóc (xã Bình An, huyện Lâm Bình) cho biết: Tôi thấy mô hình trồng nấm nay rất hay, vốn đầu tư không nhiều lại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với những kiến thức đã được học và từ thực tiễn các mô hình trong quá trình học nghề, giờ đây chúng tôi đã có thể tự tin trồng nấm sạch và cung cấp cho thị trường.
Ông Lê Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân (Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang) cho biết: Mô hình trồng nấm ở Bình An, Thổ Bình đã thành công, các học viên đã nắm bắt cơ bản được quy trình trồng nấm, áp dụng vào cuộc sống. Có được thành công đó bởi trước khi mở lớp dạy nghề, Hội Nông dân đã làm rất tốt công tác phối hợp với chính quyền và người dân để nắm bắt nhu cầu tình hình tại cơ sở và xây dựng lớp học đúng theo nhu cầu của người học.
Bên cạnh đó để hỗ trợ tiêu thụ nấm cho hội viên nông dân, Hội Nông dân huyện Yên Sơn và UBND các xã Bình An, Thổ Bình còn chủ động liên kết với các nhà hàng và các bếp ăn tập thể ở các đơn vị, trường học trên địa bàn để giới tiệu và tiêu thụ sản phẩm nấm cho bà con nông dân.