Thảo luận

Nông nghiệp hộ gia đình: Hướng vào giá trị dựa trên liên kết đa chủ thể

Hoàng Trọng Thủy - 07:03 24/04/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong cấu trúc của các chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp thì hộ nông dân vẫn là những đơn vị cơ sở có sức sống lâu bền, có sự tín nhiệm sử dụng lao động trong gia đình hợp lý, có hiệu quả ở những quy mô, trình độ sản xuất, kinh doanh khác nhau về: Đất đai, lao động, tiền vốn và cách thức tiêu dùng. Nhưng để phát triển nhanh, bền vững thì nông nghiệp hộ gia đình phải liên kết, hợp tác với đa chủ thể theo chuỗi giá trị; nông sản làm ra phải có giá trị kinh tế, xã hội, môi trường...
Nông dân huyện Núi Thành, Quảng Nam thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh minh hoạ

Trong 36 năm thực hiện công cuộc Đổi mới và Hội nhập kinh tế thế giới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn về an ninh lương thực, sự tăng trưởng ngoạn mục về xuất khẩu nông sản; Mục tiêu Quốc gia về xóa đói, giảm nghèo về đích trước thời gian; thu nhập của người nông dân (2020) đã tăng 9,5 lần so với năm 1988; nông thôn mới đã trở thành hiện thực. Song, nhìn thẳng vào vấn đề thì nông dân còn thu nhập thấp, nông nghiệp, nông thôn phát triển chậm và thiếu bền vững. Trong 3 mục tiêu Nghị quyết 26 ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đề ra: Phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn mới văn minh, người nông dân là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới” thì mục tiêu “Người nông dân là chủ thể” kết quả còn mờ nhạt. 

Cùng lượng thời gian này, các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) đã thành công trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn; thu nhập và mức sống của nông dân gần ngang bằng thu nhập của cư dân đô thị. Biết rằng, “mọi sự so sánh đều là khập khiễng”, nhưng lấy các quốc gia trong khu vực có nét tương đồng và đi lên bằng sự thành công của phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn làm tham chiếu… thì chúng ta sẽ rút ra được những kinh nghiệm quý để định vị rõ hơn, đổi mới chính sách mạnh mẽ hơn, xác lập đúng hơn mô hình tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”(1)

Bài viết này, không đi sâu vào thực trạng kinh tế, việc làm, thu nhập, sinh kế… của nông dân mà hướng góp thêm lời bàn về hộ gia đình có vai trò, vị trí trong giai đoạn mới, có gì khác trước đây? Và làm gì để phát huy đầy đủ vai trò của hộ gia đình trong phát triển nông nghiệp, nông thôn?         

Quá trình đổi mới của đất nước đã tạo ra sự vận động tích cực của hộ gia đình nông thôn, phát triển đa dạng, đa quy mô về hình thức sản xuất, kinh doanh: Với 8,5 triệu hộ phi nông nghiệp; 9,108 triệu hộ trực tiếp sản xuất nông, lâm, thủy sản trên 90% diện tích đất nông nghiệp. Nhóm hộ có quy mô sản xuất nhỏ nhất dưới 0,5ha đất nông nghiệp, chiếm trên 70%; nhóm có quy mô canh tác 2ha trở lên, chiếm 6%(2). Tại thời điểm 1-7-2020, cả nước có 20.611 trang trại; bao gồm: 5.910 trang trại trồng trọt, chiếm 28,67% tổng số trang trại; 11.688 trang trại chăn nuôi, chiếm 56,71%; 2.782 trang trại nuôi trồng thủy sản, chiếm 13,50%; 139 trang trại lâm nghiệp, chiếm 0,67% và 53 trang trại tổng hợp, chiếm 0,26%. Ngoài ra còn có 39 trang trại sản xuất muối, chiếm 0,19%(3)

Xét về trình độ sản xuất, nông nghiệp hộ gia đình hiện nay có cấu trúc “hình nón”, cụ thể là:

(i)Tầng đáy: Là hộ nông dân sản xuất thuần nông quy mô nhỏ, phân tán, tự cung tự cấp hoàn toàn và hầu như không có sự đối thoại với thị trường. Nếu có sự đối thoại với thị trường thì cũng chỉ là do nhu cầu bức thiết phải bán bớt sản phẩm tất yếu để đổi lấy các nhu yếu phẩm khác mà cuộc sống buộc phải có.

(ii) Tầng trung: Gồm 2 loại hộ nông dân sản xuất, kinh doanh hàng hoá nhỏ và hộ nông dân sản xuất hàng hoá là chủ yếu. Đối với hộ nông dân sản xuất hàng hóa nhỏ, tính tự cung tự cấp vẫn chiếm ưu thế. Phần rất lớn các hộ này sản xuất lương thực để đảm bảo cho gia đình; các loại nông sản hàng hóa có được thường chỉ bán ra thị trường địa phương, với giá phổ thông. Hộ nông dân sản xuất hàng hoá là chủ yếu, đã hướng mục tiêu sản xuất ra thị trường. Đặc trưng cơ bản của loại hộ nông dân này, là mối quan hệ giữa hộ với thị trường khá thường xuyên và có sự điều chỉnh cung - cầu. Vì sản xuất theo tín hiệu của thị trường nên các yếu tố đầu vào, đầu ra của nông sản được tính toán trong sản xuất, kinh doanh. Đây là một nấc thang phát triển quan trọng của quan hệ lao động, ruộng đất trong kinh tế hộ gia đình.

(iii) Tầng đỉnh: Là hộ nông dân sản xuất hàng hóa hoàn toàn, có ứng dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ mới, có thuê lao động; sản xuất hoàn toàn hướng theo nhu cầu của thị trường và thông qua thị trường. Quy mô sản xuất do thị trường điều tiết. Các hộ gia đình tồn tại độc lập tương đối trong quan hệ thị trường. 

Ứng dụng công nghệ sinh học của Israel trong trồng dưa lưới của hộ gia đình ông Lương Văn Phượng (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: N.Q

Biến đổi cơ cấu, chức năng hộ gia đình trong nền kinh tế nông nghiệp 

10 năm gần đây, cơ cấu hộ gia đình có hai điểm mới: Thứ nhất, công nghiệp hóa phát triển nhanh, hút nhân lực trẻ trong nông nghiệp vào lao động tại các khu công nghiệp, chế biến. Khi doanh nghiệp thay đổi công nghệ hoặc người lao động tuổi cao, thao tác chậm - họ bị mất việc, không ít người đã phải rút tiền bảo hiểm để làm vốn sản xuất, kinh doanh. Khi dịch Covid - 19 năm 2020 - 2021 làm giãn việc, mất việc - một lượng không nhỏ quay về nông thôn, gia nhập vào lớp hộ gia đình tự cung, tự cấp. Người ta gọi lớp nông dân này là “tứ nông”. Thứ hai, những hộ nông dân có vốn, có sự hỗ trợ tài chính của con em trong gia đình. Khi bước vào tuổi trung niên, số đông các hộ này chuyển sang kinh doanh tổng hợp và làm dịch vụ nông nghiệp. Vì vậy, hộ phi nông nghiệp tăng nhanh từ 1,45 triệu hộ (năm 2011) lên 8,5 triệu hộ (năm 2020)(3). Lớp hộ nông dân này, hình thành mạng lưới thương mại, dịch vụ ở nông thôn, giúp cho người nông dân thuận tiện trong giao dịch mua vật tư đầu vào của sản xuất, bán sản phẩm đầu ra và sử dụng các sản phẩm dịch vụ khác ở nông thôn.

Những nhận thức trên tựu chung lại, được nhóm thành 2 khuynh hướng chủ yếu:
Một là, “nông nghiệp làm giàu” và muốn trao quyền làm giàu đó cho doanh nghiệp, cho kinh tế tư nhân. Do vậy, cần tích tụ đất đai, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thực hành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rộng rãi trong sản xuất nông sản hàng hóa xuất khẩu, làm cánh kéo cho trục nông sản vùng miền và địa phương phát triển. Nông nghiệp hộ gia đình, các tổ hợp tác, HTX đóng vai trò “vệ tinh” cho doanh nghiệp, hoặc tham gia cổ phần hóa bằng hình thức góp đất; hoặc làm thuê cho doanh nghiệp ở một khâu, một công đoạn sản xuất, hoặc làm trọn gói đến thành phẩm, giao hàng theo quy trình, tiêu chuẩn đã định sẵn.

Hai là, “nông nghiệp trực canh” trong nền nông nghiêp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn… phát triển bền vững; nông dân là chủ nhân trên đồng ruộng, quê hương của mình. Hộ nông dân trực canh trong bước đi tuần tự, tiến tới no đủ - làm giàu và khi có cơ hội sẽ tìm khâu đột phá. Vấn đề lớn cho kinh tế hộ gia đình phát triển là: Tập hợp nông dân vào hợp tác xã, nâng cao chất lượng hoạt động HTX thực sự là một tác nhân trong chuỗi giá trị. Vì vậy, tập trung đất đai, hình thành vùng sản xuất lớn gắn với một thị trường, cụm thị trường để tổ chức lại sản xuất từ cung ứng vật tư đầu vào đến đầu ra nông sản và đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn.

Những vấn đề trên, được phân cấp triệt để cho địa phương. Nhà nước, Chính phủ cần tập trung làm chính sách; quy chuẩn hàng hóa nông sản quốc gia, hỗ trợ nguồn lực cho địa phương xây dựng hạ tầng, phát triển công nghiệp chế biến, hậu cần golictis.

Mặc dù, không phải là một khuynh hướng, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay có 2 mâu thuẫn: Sản xuất nhỏ>< thị trường lớn; đầu tư thấp >< rủi ro cao và 5 điểm nghẽn là đất đai, công nghệ, môi trường, hạ tầng kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực. Trong khi, chưa đủ điều kiện, nguồn lực để tháo gỡ hết mâu thuẫn và điểm nghẽn nêu trên, thì chúng ta cần “bắc những nhịp cầu trung gian”.

Do vậy, vai trò, chức năng nông nghiệp, nông dân/hộ nông dân trong giai đoạn trước mắt là: Bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi điều kiện; khôi phục và bảo vệ tốt môi trường tự nhiên; hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới; đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn, an sinh xã hội ở nông thôn - là nền tảng cho nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.  

Hộ gia đình là những đơn vị cơ sở, có sức sống lâu bền, có sự tín nhiệm sử dụng lao động trong gia đình hợp lý, có hiệu quả ở những quy mô, trình độ sản xuất, kinh doanh khác nhau về đất đai, lao động, tiền vốn và cách thức tiêu dùng. Nhưng để phát triển nhanh, bền vững thì nông nghiệp hộ gia đình phải liên kết, hợp tác với nhiều chủ thể. Tuy nhiên, do sự khác nhau về vốn, đất đai, lao động, nhu cầu và cách thức tiêu dùng nên hộ gia đình sẽ lựa chọn liên kết, hợp tác khác nhau: có hộ gia đình độc lập, có hộ gia đình là thành viên của HTX, có hộ là thành viên của nhiều HTX hoặc tổ chức kinh tế của nông dân ở một địa bàn hoặc nhiều địa bàn khác nhau. Có hộ tham gia vào chuỗi giá trị ngắn, có hộ tham gia chuỗi giá trị khép kín.

Từ thực tế khách quan ấy sẽ dẫn đến vai trò, chức năng của hộ gia đình cũng thay đổi theo nghề nghiệp, theo chuỗi giá trị dựa trên liên kết đa chủ thể (hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư và khoa học kỹ thuật…) và được chia thành các loại:

Hộ gia đình thuần nông, hộ sản xuất nhỏ và vừa, sẽ tìm cách tạo việc làm, tăng thu nhập thông qua liên kết nhóm, tổ hợp tác sản xuất nông sản an toàn, hữu cơ; trong đó, tập trung vào cây con đặc sản, sản phẩm OCOP. Họ hợp tác với thương lái, HTX chuyên ngành để tiêu thụ nông sản. Một số hộ/nhóm hộ có vốn, có điều kiện tự nhiên thuận lợi sẽ liên kết làm nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch nông thôn. Với hình thức, quy mô sản xuất quy mô nhỏ lẻ - nên vai trò, chức năng của hộ gia đình thuần nông, hộ sản xuất vừa và nhỏ vẫn ở vị trí thấp, phụ thuộc nhiều vào các chủ thể trung gian và dường như không có quyền định giá, đàm phán hợp đồng. 

Hộ gia đình ở vùng sản xuất nông sản chủ lực, nông sản hàng hóa vùng miền và nông sản xuất khẩu tham gia ngày một nhiều hơn, mạnh mẽ hơn trong mô hình liên kết đa chủ thể, cùng tồn tại với các hình thức khác nhau, như: 

Hộ riêng lẻ, hộ sản xuất theo mô hình gia trại, nông trại có thể hoạt động độc lập hoặc tham gia vào chuỗi ngắn trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. 

Hộ gia đình nông nghiệp, hộ vừa làm nông nghiệp vừa làm dịch vụ liên kết cùng nhau thành tổ hợp tác, HTX sản xuất, chế biến chỉ làm một công đoạn trong chuỗi ngắn theo hợp đồng, đơn hàng được đặt sẵn; hoặc trong một chuỗi khép kín từ đầu vào sản xuất, chế biến đến thành phẩm đóng gói, giao hàng…theo một quy trình, tiêu chuẩn bắt buộc trong hợp đồng. 

Hộ gia đình phi nông nghiệp sẽ phát triển nhanh, hình thành nên mạng thương mại, dịch vụ kinh tế, kỹ thuật, liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, làm nhiệm vụ hậu cần cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Hộ gia đình sản xuất nông trại, trang trại… liên kết với các HTX và doanh nghiệp hình thành cơ sở sản xuất hàng hóa. Trong liên kết này, nông dân gia đình trở thành nông dân chuyên nghiệp - họ là “hình mẫu” trên địa bàn dân cư cho hộ nông dân khác học tập và làm theo. Họ tự trả lương cho mình và trả lương cho người khác - đây là bước tiến lớn của hộ gia đình trong phát triển kinh tế, là tác nhân có vị thế quan trọng trong đàm phán hợp đồng.

Nuôi cá lồng trên sông tại xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ảnh: T.N

Nông nghiệp hộ gia đình hướng vào giá trị dựa trên liên kết đa chủ thể 

Hướng đi của hộ gia đình trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hướng vào giá trị, dựa trên liên kết, hợp tác đa chủ thể giúp cho thành viên HTX, hộ nông dân hạn chế và thay đổi những điểm yếu vốn có trong sản xuất nhỏ lẻ, quy trình canh tác tự do, thiếu hợp tác và hoàn thiện sản phẩm đến khâu cuối cùng. Khi liên kết sản xuất theo chuỗi thành công, nông dân đóng vai trò then chốt, thực hiện đúng trách nhiệm hợp đồng và cũng chính nông dân là người được hưởng giá trị gia tăng nhiều nhất trong chuỗi.

Đối với HTX, nâng cao được khả năng quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp, tăng khả năng hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho hộ nông dân, tăng lợi nhuận cho HTX. Đối với doanh nghiệp, tổ chức được vùng nguyên liệu ổn định, quy mô sản xuất tăng, chất lượng sản phẩm đồng đều, tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp trên thị trường.

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, liên kết đa chủ thể, thì hộ gia đình không còn là đơn vị kinh tế cơ sở bền vững khép kín mà luôn vận động theo sự phát triển kinh tế, xã hội và kinh tế thị trường để tạo ra mô hình hộ gia đình mới thay cho hộ gia đình truyền thống. Cùng với đó, là cơ cấu hộ gia đình cũng dịch chuyển từ “hình nón” sang “hình thang”, với:

Tầng đáy lớn là lớp hộ gia đình sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản hàng hóa xuất khẩu theo mô hình trang trại, nông trại, doanh nghiệp có đủ nguồn lực vật chất, năng lực quản lý, quản trị sản xuất, kinh doanh có giá trị sinh lời cao. Hướng vào giá trị, sự liên kết hợp tác của các hộ gia đình là liên kết dài (chuỗi kín) từ khâu sản xuất theo một quy trình, tiêu chuẩn nông sản đã định sẵn đến liên kết với doanh nghiệp chế biến thành phẩm, đóng gói và thanh khoản sau bán hàng. Trong chuỗi dài này, người nông dân, HTX… chủ động trong sản xuất, mua vật tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiêu thụ nông sản và là một “chủ thể” trong định giá, đàm phán hợp đồng.

Tầng trung, gồm các hộ gia đình sản xuất, hộ kinh doanh kiểu doanh nghiệp vừa và nhỏ làm chức năng dịch vụ, thương mại, hoặc là thành viên của các HTX kiểu mới - Họ liên kết theo chuỗi ngắn (chuỗi hở) hoặc thực hiện từng công đoạn trong sản xuất, kinh doanh một sản phẩm, một vài mặt hàng nhất định. Hộ gia đình chủ động một phần và quyết định việc mua bán về giá cả, phân loại… HTX đóng vai trò trung gian trong hỗ trợ pháp lý, phân loại chất lượng, cung cấp dịch vụ kho bãi, vận chuyển… Trong liên kết theo chuỗi này, HTX chỉ thể hiện được một phần vai trò là “đại diện thành viên và bảo vệ lợi ích thành viên”, vì HTX làm dịch vụ, hưởng phí dịch vụ và hưởng hoa hồng từ người mua.

Tầng trên là hộ gia đình thuần nông. Có hộ là thành viên, có hộ không là thành viên tổ/nhóm hợp tác, HTX. Do sản xuất nhỏ lẻ, số lượng sản phẩm thấp, chất lượng không đồng đều - nên hộ gia đình đứng “bên lề” của chuỗi giá trị. Tiêu thụ nông sản chủ yếu là thỏa thuận bằng miệng, tại thời điểm thu hoạch; thông thường thì giá bán do người mua quyết định. Nên vậy, hộ gia đình ở tầng này, thiếu thông tin thị trường, lợi nhuận bấp bênh và không có khả năng đàm phán với khách hàng. 

Là một đơn vị cơ sở trong cấu trúc các chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp - hộ gia đình nông thôn cần có động lực mới với những giải pháp lớn:

Một là, đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp gắn với đổi mới thể chế nông nghiệp và thiết lập thị trường nông sản làm cơ sở, điều kiện cho đổi mới chính sách, cấu trúc lại ngành Nông nghiệp và đổi mới tổ chức sản xuất để tạo ra được sức mạnh bên trong của ngành Nông nghiệp. Thúc đẩy hộ nông dân liên kết với hộ nông dân thành HTX; hợp tác xã liên kết với HTX thành liên minh HTX; liên minh HTX liên kết với hiệp hội ngành hàng, tập đoàn kinh tế lớn thành chuỗi giá trị dài, khép kín để trở thành động lực, bệ đỡ phát triển kinh tế hộ gia đình.

Hai là, phân bổ tài nguyên dựa trên năng lực và lợi thế phát triển vùng và liên kết vùng, với 3 vấn đề lớn:

Quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu gắn với 1 thị trường, cụm thị trường, tạo động lực cho các tổ chức kinh tế của nông dân, HTX, doanh nghiệp… lựa chọn sản phẩm, ngành hàng, xác định quy mô sản xuất, lựa chọn khoa học kỹ thật - công nghệ tiên tiến, phù hợp với vòng đời của sản phẩm và tối ưu hóa sản phẩm đến khâu cuối cùng nhằm gia tăng giá trị sinh lời của các chủ thể trong chuỗi giá trị. 

Liên kết phát triển hạ tầng giao thông đường thủy, đường bộ, cảng biển... kết nối giao thông vùng với các khu công nghiệp, chế biến, kỹ thuật cao; giữa nông thôn với đô thị. Có chính sách đầu tư phát triển hậu cần logictis, kho chứa bảo quản nông sản. Hệ thống hậu cần này, kinh doanh đa chức năng: lưu giữ độ ổn định chất lượng nông sản phục vụ cho chế biến; hỗ trợ hộ nông dân gửi hàng khi rớt giá, bán ra khi được giá, góp phần điều tiết thị trường và hạn chế thương lái lợi dụng nâng giá. 

Liên kết bảo vệ môi trường, hệ sinh thái nông nghiệp, nông thôn toàn vùng làm điều kiện và đảm bảo cho phát triển bền vững. Đồng thời, tránh được sự phát triển của địa phương làm ảnh hưởng hoặc gây tác hại môi trường trong toàn vùng.

Ba là, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ trong nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số… để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa. Nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề cho người nông dân gắn liền với nâng cao kiến thức thị trường, kỷ luật lao động của người/ hộ nông dân và tăng hiệu quả liên kết theo chuỗi giá trị nông sản trong HTX, các tổ chức kinh tế của nông dân, làm đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. 

Bốn là, xây dựng kết cấu các giai tầng nông dân, xây dựng hệ giá trị văn hóa và vai trò chủ thể của người nông dân trên nền tảng kinh tế hợp tác và tổ chức Hội Nông dân Việt Nam, trong đó, HTX nông nghiệp đảm nhiệm cung ứng vật tư đầu vào, lo tiêu thụ đầu ra nông sản, chuyển giao khoa học kỹ thuật - công nghệ; cung cấp dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất, dịch vụ phục vụ đời sống, an sinh của nông dân; Hội Nông dân làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nông dân và xây dựng giai cấp Nông dân vững mạnh. 

Khi nông dân được tổ chức lại, vững tin vào tổ chức thì cư dân nông thôn “ly nông bất ly hương”. Xã hội nông thôn không xáo trộn, môi trường nông nghiệp xanh, sạch, cảnh quan nông thôn đẹp. 

*Nguyên TBT Tạp chí Nông thôn mới
(1,2) Thông cáo báo chí về Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020, Tổng cục Thống kê, https://www.gso.gov.vn, ngày 15-3-2022
(3) Thông cáo báo chí về Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020, Tổng cục Thống kê, https://www.gso.gov.vn, ngày 15-3-2022

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác