Cách sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn để chăn nuôi lợn hữu cơ
Mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ đã và đang có những đóng góp tích cực trong việc giải bài toán môi trường ở khu vực nông thôn, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi. Đây cũng là một trong những bài giảng được Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam cho triển khai mở lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân ở các địa phương.
Môi trường chăn nuôi bền vững, thân thiện
Tại mô hình chăn nuôi lợn nhà ông Hà Đức Hoàng thôn Chanh, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được triển khai từ năm 2022. Khi bắt đầu triển khai với 20 lợn đen bản địa và 10 lợn lai (Đực PiDu và nái Landrace). Hai loại lợn trên được nuôi trên dãy chuồng 2 mái có diện tích 40m2 chi phí làm chuồng hết 10 triệu.
Theo ông Hoàng, trước đây gia đình ông chăn nuôi lợn không sử dụng đệm lót sinh học nên mất rất nhiều công dọn chuồng, không những vậy mùi chất thải trong quá trình chăn nuôi ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người chăn nuôi và môi trường xung quanh, giá bán thấp và phụ thuộc vào thương lái. Thức ăn chăn nuôi hoàn toàn mua của các công ty chế biến sẵn. Từ khi thực hiện nuôi lợn theo hướng hữu cơ gia đình đã được tiếp cận với phương thức chăn nuôi mới, chăn nuôi trên đệm lót sinh học, mùi hôi chuồng trại không còn, đặc biệt không tốn công dọn chuồng, lợn ăn ngủ tốt, không dịch bệnh. Thức ăn có thể tự phối trộn từ các nguyên liệu có tại địa phương nên giá thành rẻ, ngoài ra còn tận dụng được nguồn thức ăn thô xanh như thân cây chuối, khoai, sắn, bã sắn, bã dong riềng, rau, củ, quả, cỏ,… cho chăn nuôi mà trước đây bỏ hoang gây ô nhiễm môi trường. Giá bán lợn hơi cao gấp hai lần giá thị trường, nuôi đến đâu có khách đặt hàng đến đó.
“Sau 1 năm triển khai mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ do cô giáo Mai Hương hướng dẫn, gia đình tôi và những hộ xung quanh nhận thấy lợi ích rõ rệt mang lại: Chi phí làm chuồng rẻ, đàn lợn không dịch bệnh, không dùng thuốc kháng sinh, không dùng nước rửa chuồng, không mùi hôi chất thải, tiết kiệm điện, nước, nhân công lao động; Chất lượng thịt lợn mùi thơm, bì giòn, nạc mền, vị ngon ngọt, được người tiêu dùng ưa thích; Tận dụng được nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao đưa sang trồng trọt. Đặc biệt là hiệu quả kinh tế tăng cao và bền vững. Chính vì vậy, đến nay gia đình mở rộng quy mô với 500 lợn thịt, 15 nái. Tổng diện tích chuồng nuôi 600m2, 2.000m2 bãi chăn thả. Rất nhiều đoàn đến thăm quan học tập và mua con giống, xin chuyển giao quy trình chăn nuôi nên chúng tôi đang tiến tới thành lập Hợp tác xã chăn nuôi lợn hướng hữu cơ”, ông Hoàng nói.
Quy trình chăn nuôi lợn hữu cơ
Để thấy rõ hiệu quả từ mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, giảng viên Mai Hương hướng dẫn lập bảng hoạch toán trong quá trình chăn nuôi, được lấy ví dụ từ mô hình chăn nuôi của ông Hoàng như sau:
Cô Mai Hương lưu ý người nuôi cần ghi chép lại toàn bộ hoạt động trong quá trình chăn nuôi, việc ghi chép này giúp người chăn nuôi hạch toán được hiệu quả kinh tế và có cơ sở để rút kinh nghiệm cho lứa nuôi tiếp theo hiệu quả hơn.
Về kỹ thuật làm chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi cần nuôi lợn theo phương thức bán chăn thả, có diện tích chuồng nuôi và khu vực vận động ngoài trời phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN-11041-3-2017) chăn nuôi hữu cơ.
Dụng cụ bao gồm máng ăn, máng uống, đèn sưởi, rèm che (mùa lạnh cho lợn con), chuồng nuôi, khu vực vận động ngoài trời,… được vệ sinh khử trùng theo Quy trình thực hành tốt cho chăn nuôi lợn an toàn tại Việt Nam (VietGAHP).
Đệm lót sinh học được làm từ các nguyên liệu mùn cưa, muối ăn, chế phẩm sinh học được pha loãng với nước sạch tỷ lệ 10%;
Đệm lót sau khi trộn cần đảm bảo độ ẩm 25-30%; được dàn đều trên nền chuồng độ dầy từ 20-30cm.
Ví dụ, với diện tích chuồng rộng 40m2 nền chuồng cần: 8m3 mùn cưa, 15 lít chế phẩm vi sinh hữu ích, 6kg muối và 120 lít nước sạch (cách làm này đảm bảo độ ẩm nền chuồng 25-30%, để không tạo ra bụi).
Trong quá trình thực hiện để phát huy tối đa hiệu quả của đệm lót sinh học, người chăn nuôi cần lưu ý một số điểm như: Bước 1: Pha nước sạch với chế phẩm vi sinh hữu ích; Bước 2: Khuấy đều chế phẩm và nước; Bước 3: Rải đều mùn cưa ra nền; Bước 4: Rắc đều muối lên mùn cưa; Bước 5: Tưới chế phẩm đã pha lên mùn cưa đã rải.
Tác dụng khi sử dụng vi sinh trong đệm lót chuồng là tiết kiệm công lao động, giảm mùi hôi, tiêu diệt mầm bệnh; Hút ẩm từ phân, nước tiểu, làm giảm mức đậm đặc của phân; Diệt khuẩn nhờ quá trình lên men ở mức thấp; Điều hoà ẩm độ và nhiệt độ môi trường; Lớp đệm chuồng phải tơi xốp và có khả năng hút ẩm tốt; Chỉ đưa vi sinh vào đệm lót khi đệm lót có phân và nước tiểu của lợn. Đảm bảo được mật độ vi sinh hữu ích trong đệm lót chuồng; Tránh ánh nắng trực tiếp, tránh mưa tạt; Tránh phun thuốc khử trùng trực tiếp trên nền đệm lót sinh học; Định kỳ đảo đệm lót 3-5 ngày/lần bằng cào 3 răng, phun bổ sung vi sinh và nước vào đệm lót khi độ ẩm thấp hơn 25-30% thêm nước có bổ sung vi sinh (Kiểm tra bằng cách tay đeo găng lấy 1 nắm đệm lót và nắm thật chặt, mở tay ra tơi hết là bị khô, có ẩm ở tay là ướt quá, độ ẩm vừa là nó thành hình nắm tay và gạt ra sẽ tơi).
Nếu đệm lót bị ướt: hót hết phần ướt ra ngoài, san đệm lót cũ rồi bổ sung đệm lót mới. Sau mỗi lứa nuôi không thay hết đệm lót để tiết kiệm vật tư, công lao động và tận dụng các vi sinh vật có ích sẵn có trong đệm lót (thường sau 2-3 lứa hoặc 1 năm mới thay đệm lót 1 lần).
Thức ăn có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng và được bổ sung chế phẩm vi sinh hữu ích bản địa trước khi cho ăn
Tận dụng tối đa nguồn thức ăn cho lợn sẵn có tại địa phương, không sử dụng ngô, đỗ tương biến đổi gen; không dùng ngô, đỗ tương xử lý bằng phương pháp chiếu xạ. Thức ăn đảm bảo dinh dưỡng phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của lợn, có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng ; đặc biệt, thức ăn không chứa phụ gia và các chất chế biến, bảo quản; thức ăn không có Nitơ và phi Nitơ phi Protein tổng hợp; hạn chế thức ăn có nguồn gốc động vật.
Thức ăn phối trộn từ đỗ tương, ngô, khoai, sắn, chuối, rau, củ, quả,… có nguồn gốc hữu cơ càng nhiều càng tốt. Sử dụng chế phẩm vi sinh hữu ích bản địa để trộn vào thức ăn và nước uống thường xuyên.
Giai đoạn 2 tháng tuổi đến trước xuất bán 1 tháng cho lợn ăn 3 bữa/ngày. Giai đoạn trước xuất bán 1 tháng cho lợn ăn 2 lần/ngày thức ăn chủ yếu từ ngũ cốc và ngô, khoai, cám gạo, rau xanh, củ quả, không sử dụng thức ăn có bột cá hay thức ăn có nguồn gốc động vật, thời gian còn lại cho vận động ngoài bãi thả.
Lợn được nuôi trong điều kiện đầy đủ ánh sáng, không khí trong lành, có bãi thả, nền khô ráo, chuồng thoáng mùa Hè, ấm mùa Đông, sạch sẽ, lợn được vận động tự do. Chú ý định kỳ 2 tuần 1 lần phun chế phẩm vi sinh pha tỷ lệ 0,5%, trong chuồng nuôi và khu vực ngoài trời để khử tối đa mùi hôi trong chuồng nuôi và khu vực xung quanh; Thực hiện nghiêm quy trình phòng bệnh bằng vắc xin theo quy định của thú y.
Hàng ngày quan sát đàn lợn phát hiện những dấu hiệu bất thường như: bỏ ăn, khó thở, phân có mầu khác thường, hoặc phân loãng... thì sử dụng chế phẩm vi sinh hữu ích dược liệu (gừng, tỏi, các lá cây thuốc nam...) bổ sung vào thức ăn, nước uống hoặc cho uống trực tiếp.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi