Diễn đàn

Nuôi tôm “thắng lớn” nhờ đầu tư công nghệ cao

Chiến Hưng - 07:14 16/03/2022 GMT+7
Ô nhiễm môi trường cùng với dịch bệnh là mối lo của những người nuôi tôm tỉnh Nam Định. Tuy nhiên nhờ ứng dụng công nghệ cao, nhiều hộ đã xây dựng thành công mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Nhờ áp dụng mô hình này, tôm sống khỏe, phát triển tốt, cho lợi nhuận cao.
Công nhân thường xuyên kiểm tra sự phát triển của tôm tại trang trại.

Dành cả tuổi thanh xuân để nuôi tôm

Sinh ra ở làng quê ven biển xã Hải Triều (huyện Hải Hậu) ngay từ nhỏ anh Thiện đã được tiếp cận nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản. Nhờ vậy, “máu” làm nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi thủy sản trỗi dậy khi anh đã hùn đủ vốn. Lúc đó anh Thiện ngoài 40 tuổi.

Tôm thẻ chân trắng là loài thủy sản được anh Thiện chọn để khởi nghiệp. Thời gian đầu, mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thử thách, không ít lần thất bại, trắng tay nhưng anh Thiện vẫn kiên trì bám mô hình. Năm 2015, anh bắt đầu chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm theo hướng thâm canh công nghệ cao, áp dụng các tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất. Qua đó, hạn chế được dịch bệnh lây lan, đảm bảo nguồn ra cho thị trường.

Theo anh Thiện, nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi nông dân phải thay đổi mạnh mẽ tư duy, cách làm. Khác với cách nuôi thông thường chỉ có 1 giai đoạn (con giống mua về được thả thẳng xuống ao nuôi), phương thức nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao của anh Thiện gồm 2 giai đoạn là giai đoạn ương và giai đoạn nuôi thương phẩm. 

Để triển khai mô hình, anh Thiện đã đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật trang thiết bị như thiết kế hệ thống ao nuôi phù hợp gồm các ao ương giai đoạn 1, ao nuôi thương phẩm giai đoạn 2; hệ thống xử lý nước đầu vào; xử lý chất thải, nước thải và hệ thống tạo ô-xy cho các ao cũng được thiết kế bài bản. Ao ương giai đoạn 1 là ao xi măng được chia nhỏ, đặt trong nhà màng để đảm bảo kiểm soát tối đa các yếu tố tác động đến con nuôi. 

Ao nuôi thương phẩm giai đoạn 2 là dạng ao nổi, thành ao bằng bê tông, đáy cát được lót bạt, giữa đáy ao có thiết kế rốn ao dạng hình phễu để thu gom thức ăn thừa, phân tôm ra ngoài xử lý. Anh Thiện cho biết: Việc nuôi tôm chia thành từng giai đoạn dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước giúp tôm sinh trưởng, phát triển đồng đều, trọng lượng lớn hơn.

Đến nay, anh Hoàng Đức Thiện đã mở rộng quy mô nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp của trang trại lên 10ha, được phân thành 3 khu sản xuất. Trong đó khu A và khu C nuôi ngoài trời với gần 20 ao, diện tích mỗi ao từ 600-1.400m2. Cuối năm 2019, anh Thiện đầu tư gần 9 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo khu B thành hệ thống nuôi khép kín gồm 18 ao tròn nổi trong nhà màng, mỗi ao có diện tích 140m2; được bố trí hoàn toàn riêng biệt cả từ đường cấp, thoát nước cho đến hệ thống sủi ô xy.

Anh Thiện cho biết, nuôi tôm trong ao tròn nhà màng nổi có nhiều ưu điểm như: Môi trường ít biến động, nhiệt độ ổn định hơn, mùa hè có thể dùng lưới đen che để giảm cường độ ánh sáng, mùa đông dùng nilon phủ kín đến chân ao để giữa ấm cho tôm. Từng ao riêng biệt có thể hạn chế mầm bệnh lây lan khi chẳng may nhiễm. Mặt khác, diện tích ao tròn nhỏ nên tiện lợi cho người nuôi trong khâu chăm sóc, quản lý nguồn nước. Nhờ vậy nuôi tôm trong ao tròn nhà màng rút ngắn thời gian sinh trưởng của tôm từ 20-30 ngày.

Anh Hoàng Văn Bình, quản lý kỹ thuật của trang trại cho biết: Cũng như cấy lúa, yếu tố quan trọng nhất để vụ tôm bội thu đó là “nước” và “giống”. Nguồn nước khi được cấp vào ao nuôi sẽ được đưa vào ao lắng để xử lý bằng Chlorine trong 10 ngày hoặc với thuốc tím là 7 ngày để diệt khuẩn, đảm bảo an toàn cho tôm nuôi.

Tôm giống phải được mua ở các hãng uy tín, có thương hiệu. Trang trại thường nhập tôm cỡ P11 đến P14 (11 đến 14 ngày tuổi ) có chiều dài từ 9-11mm và được thả vào ao ương với mật độ cao từ 1.800-2.000 con/m2. Ở giai đoạn “gièo” này, tôm được ăn 6 bữa/ngày, mỗi bữa cách nhau 3 tiếng và kết thúc cho ăn trước 9 giờ tối. 7 ngày đầu “gièo” tôm là quan trọng nhất, quyết định đến cả vụ tôm nên người nuôi phải thường xuyên quan sát tình hình sinh trưởng, phát triển của tôm để “quyết” nuôi 2 hay 3 giai đoạn. 

Nếu tôm giống khỏe mạnh, phát triển bình thường, sau 20-24 ngày chuyển sang ao nuôi thương phẩm với mật độ 250-300 con/m2 cho đến khi thu hoạch. Nếu tôm “còi”, chậm lớn sẽ phải chuyển sang nuôi tôm 3 giai đoạn, kéo giãn mật độ nuôi trong ao ương, đồng thời bổ sung dinh dưỡng cho tôm để nuôi giai đoạn 2 thêm 30 ngày trước khi đưa ra ao thương phẩm nuôi giai đoạn 3. 

Trang trại được chia làm 3 khu sản xuất với tổng diện tích hơn 10ha.

Thu lãi hàng tỷ đồng từ tôm

Sau 6 năm nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, điều chỉnh phù hợp các điều kiện thực tế tại địa phương, giờ đây trang trại nuôi tôm siêu thâm canh của anh Thiện đã hoàn toàn làm chủ công nghệ cao và liên tục thắng lợi ở mỗi vụ nuôi. Với việc áp dụng các công nghệ cao đã giúp anh Thiện thực hiện nuôi quay vòng, gối vụ liên tục, ao này tôm chưa lên thì ao kia tôm đã xuống giống.

Trong suốt quá trình nuôi cần phải thường xuyên quan sát nhằm kịp thời phát hiện các bệnh đốm trắng, hoại tử, đỏ thân để xử lý ngay, tránh lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên quan trọng nhất “phòng bệnh là trên hết” ngay từ khâu chuẩn bị vụ nuôi; sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi, cho thức ăn “đúng” và “đủ” theo kích thước, độ tuổi sinh trưởng của tôm, hạn chế lượng thức ăn dư thừa trong ao nuôi để tạo môi trường đảm bảo an toàn cho tôm. Chú ý được các yếu tố này, vụ tôm sẽ “có ăn”. Trong 3,5-4,5 tháng tùy thuộc vào thời tiết, phương thức nuôi, tôm sẽ đạt kích cỡ 35-50 con/kg và cho thu hoạch. 

“Mỗi vụ tôm kéo dài từ 3,5 - 4,5 tháng là cho thu hoạch; tùy thuộc vào thời tiết, phương thức nuôi, tôm sẽ đạt kích cỡ 35 - 50 con/kg. Sau khi thu hoạch xong phải vệ sinh ao nuôi, phơi ao khoảng 15 ngày để đảm bảo đúng kĩ thuật nuôi” anh Hoàng Văn Bình cho biết thêm.

Bằng cách này, không những giảm bớt áp lực về đầu ra mà còn thường xuyên có tôm xuất bán ra thị trường vào mọi thời điểm theo nhu cầu của khách mua. Năm 2019, trang trại nuôi tôm của anh Hoàng Đức Thiện đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) cấp giấy chứng nhận VietGAP. Đây cũng là điểm tham quan, học tập thường xuyên của nông dân địa phương và trong vùng.

Với việc áp dụng các công nghệ cao đã giúp trang trại thực hiện nuôi quay vòng, gối vụ liên tục, ao này tôm chưa lên thì ao tôm kia đã xuống giống. Bằng cách này, không những giảm bớt áp lực về đầu ra mà còn thường xuyên có tôm xuất bán ra thị trường vào mọi thời điểm theo nhu cầu của khách mua.

Anh Bình thông tin, bình quân mỗi năm trang trại xuất bán ra thị trường 150 - 200 tấn tôm thẻ chân trắng, doanh thu đạt 15 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 4 - 5 tỉ đồng. Song, năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên đã tác động lớn đến hoạt động, sản xuất, kinh doanh của trang trại. Tuy nhiên nhờ kiểm soát được dịch bệnh và chất lượng tôm đảm bảo nên vẫn tiêu thu ổn định và có lãi. 

Mỗi vụ tôm kéo dài từ 3,5 - 4,5 tháng là cho thu hoạch; tùy thuộc vào thời tiết, phương thức nuôi, tôm sẽ đạt kích cỡ 35 - 50 con/kg. Sau khi thu hoạch xong phải vệ sinh ao nuôi, phơi ao khoảng 15 ngày để đảm bảo đúng kỹ thuật nuôi.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác