OCOP "thổi luồng gió mới" vào nông nghiệp, nông thôn Nghệ An
Khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp tại các địa phương
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, nỗ lực của các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) tỉnh Nghệ An đã đạt kết quả tích cực, đáng khích lệ; trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn.
Có thể thấy, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng tầm thương hiệu đặc sản của địa phương. Đồng thời, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn đã được người tiêu dùng trong cả nước đánh giá cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu…
Chương trình OCOP cũng đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; đặc biệt là phát huy vai trò phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương.
Đồng thời, Chương trình này đã và đang góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, được xem là đòn bẩy hữu hiệu trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh và được Trung ương đánh giá cao.
Tính đến thời điểm này, Nghệ An đã có 422 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao trở lên, trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao là đèn lồng của Công ty Đức Phong (thành phố Vinh); 41 sản phẩm đạt 4 sao và 380 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận, chỉ sau Hà Nội.
Thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ cho các chủ thể thuê đất để sản xuất, xây dựng nhà xưởng, qua đó, đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng để gia tăng giá trị sản phẩm. Nghệ An đã đưa các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai và gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, văn hóa của từng địa phương để phát triển sản phẩm OCOP như: Trồng sen ở huyện Nam Đàn; dược liệu Pù Mát ở huyện Con Cuông, chè, đào, mận, gừng ở huyện Kỳ Sơn; lạc ở huyện Diễn Châu; chè hoa vàng ở huyện Quế Phong; thủy, hải sản ở TX. Cửa Lò, các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu; gạo, miến, tương, du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An… Nhiều sản phẩm nổi bật đã có chỗ đứng trên thương trường.
Ngoài ra, Chương trình đã tận dụng được thế mạnh về nguồn nhân lực để khai thác các văn hóa bản địa, liên kết sản xuất, đảm bảo môi trường và an sinh xã hội, quản lý, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền về chương trình OCOP cho cán bộ các cấp, các chủ thể.
Hiện nay, nhiều chủ thể đã từng bước xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh, đầu tư bao bì, nhãn mác, phát triển sản phẩm dựa vào nguồn lao động tại các địa phương, vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân, bảo tồn cảnh quan, văn hóa truyền thống, đặc biệt là vùng miền núi, khó khăn. Một số chủ thể đã có chiến lược nâng cao giá trị sản phẩm, qua đó, đã tạo ra được một nguồn nhân lực thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao.
Nỗ lực quảng bá và tìm kiếm thị trường, nâng cao gía trị sản phẩm
Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết: Ngay từ đầu thực hiện Chương trình, các ngành, các cấp, các địa phương đã xác định công tác quảng bá và tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm OCOP là chìa khóa thành công của chương trình. Bởi sản xuất hàng hóa phải đến được người tiêu dùng, phải bán được hàng mới là hiệu quả thật sự. Các hoạt động xúc tiến thương mại đã được ngành Nông nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch Nghệ An, Sở Công Thương quan tâm, triển khai đa dạng với nhiều hình thức, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử.
Đến nay, tỉnh Nghệ An đã ký kết chương trình hợp tác, tiêu thụ với rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành có thị trường tiêu thụ lớn, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng..., ký kết tiêu thụ nông sản tỉnh Nghệ An với các tập đoàn, nhà phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi, như: WinCommerce, Winmart+, Mega Markit, BigC, Lotte, SiBA food,...
Từ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã tiêu thụ ổn định tại thị trường các tỉnh và các chuỗi tiêu thụ thực phẩm này. Tổ chức tham gia các hội chợ, giới thiệu sản phẩm nông sản tại các thị trường trong nước, như: Tuần lễ giới thiệu quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Nghệ An tại các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội, với hàng chục gian hàng trưng bày được người dân rất quan tâm; tổ chức cho các cơ sở sản xuất, chế biến tham gia các hội chợ tại các tỉnh, thành phố tổ chức như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế...
Các chủ thể đã được tham gia trưng bày sản phẩm tại hơn 70 hội chợ; 50 hội nghị kết nối cung- cầu và trưng bày trong một số hội nghị chuyên ngành; toàn tỉnh đã xây dựng được 17 điểm bán hàng OCOP ở các địa phương…
Trong năm 2022, đã tổ chức, tham gia 12 hội chợ, với sự tham gia của 128 lượt cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Tháng 5/2023 vừa rồi, tỉnh đã tổ chức thành công Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng, miền cả nước tại Nghệ An.
Năm qua, sàn giao dịch TMĐT Nghệ An (nghean37.com.vn) của Sở Công Thương đã hỗ trợ 21 huyện, thành, thị mở các gian hàng cấp huyện, với hơn 300 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP… được đăng tải. Hỗ trợ được hơn 470 doanh nghiệp và thương nhân đăng ký thành viên tham gia và thiết lập gian hàng; thu hút trên 9,2 triệu lượt truy cập; giới thiệu và chào bán 3.723 các sản phẩm và dịch vụ…
Qua các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An đã từng bước đến tay người tiêu dùng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh cũng như quốc tế biết đến và sử dụng. Hiện đã có trên 20 cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã thực hiện ký kết nguyên tắc đưa sản phẩm vào một số hệ thống phân phối hàng hóa lớn, 268 sản phẩm OCOP được đưa vào các siêu thị, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream).
Thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị, hướng đến xuất khẩu.