Nông nghiệp Điện Biên:
Phát huy tiềm năng lợi thế bằng cây công nghiệp dài ngày
Quy hoạch cụ thể từng vùng trồng để phát triển
Tỉnh Điện Biên có tổng diện tích tự nhiên lớn, với gần 1 triệu hecta trong đó, đất đang sử dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm 75,89% diện tích đất tự nhiên của tỉnh (đất sử dụng vào sản xuất nông nghiệp là 120.359ha, chiếm 12,58% diện tích đất tự nhiên; đất lâm nghiệp là 590.031ha, chiếm 61,7% diện tích đất tự nhiên…). Bên cạnh đó, diện tích đất nông lâm nghiệp chưa sử dụng có 225.594ha và cùng với khoảng 189.000ha đất lâm nghiệp chưa có rừng. Diện tích đất hầu hết là đất dốc thích hợp trồng cây lâm nghiệp dài ngày và được tỉnh Điện Biên coi là nguồn tài nguyên quý để phát triển sản xuất.
Ký thỏa thuận hợp tác trong phát triển cây Mắc ca ở Tuần Giáo.
Cùng với đó, tỉnh Điện Biên có khí hậu và thổ nhưỡng khá phong phú, đa dạng, đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển các nhiều loại cây trồng khác nhau và có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là các cây công nghiệp dài ngày.
Phát huy những tiềm năng và lợi thế đó, những năm qua tỉnh Điện Biên đã tập trung nghiên cứu, trồng thử nghiệm và đưa nhiều giống cây mới vào trồng, trong đó có một số loại cây công nghiệp dài ngày có hiệu quả kinh tế cao như: Cà phê, mắc ca, cao su, quế, chè… Việc thực hiện đa dạng hóa các cây công nghiệp dài ngày đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân trên địa bàn.
Tỉnh Điện Biên đã xây dựng, quy hoạch các vùng kinh tế để phát triển, dựa trên lợi thế của các địa phương: Vùng kinh tế I (vùng kinh tế động lực - bao gồm TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông phát triển đa dạng các lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ…). Vùng kinh tế II (bao gồm huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo và huyện Mường Ảng, là vùng tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp và công nghiệp chế biến, du lịch). Vùng kinh tế III (bao gồm huyện Mường Nhé, huyện Nậm Pồ, huyện Mường Chà và thị xã Mường Lay, là vùng tập trung phát triển nông lâm nghiệp và thuỷ sản, du lịch thương mại dịch vụ). Theo đó ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên đã tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án để phát triển ngành Nông nghiệp, trong đó có phát triển các cây công nghiệp dài ngày.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã hình thành một số vùng trồng cây công nghiệp dài ngày như: Vùng cà phê ở các huyện Mường Ảng, Điện Biên; vùng cao su ở các huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé; vùng chè ở các huyện Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Điện Biên; vùng mắc ca ở TP. Điện Biên Phủ, các huyện Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Nhé, Mường Ảng và Điện Biên Đông; vùng quế ở các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ…
Liên kết tạo chuỗi sản xuất bền vững
Cùng với việc chính sách hỗ trợ phát triển các cây lâm nghiệp dài ngày, tỉnh Điện Biên cũng luôn xác định phải có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhằm tạo chuỗi liên kết sản xuất bền vững. Từ đó trong quá trình trồng, chăm sóc đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm mới được thuận lợi, tạo giá trị kinh tế cao.
Tại huyện Mường Ảng, nếu như trước đây việc phát triển cây cà phê của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ sản phẩm, thì đến nay đã có nhiều thuận lợi hơn từ khi có các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết. Ông Cà Văn Bi ở xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) cho hay: Gia đình tôi hiện có 3ha đều trồng cà phê, từ khi có doanh nghiệp vào liên kết để trồng và tiêu thụ cà phê, kinh tế gia đình đã có sự khởi sắc rõ rệt.
Gia đình ông Bi là một trong hàng nghìn hộ gia đình trên địa bàn huyện Mường Ảng đã có cuộc sống đổi thay từ cây cà phê, khi có các doanh nghiệp vào liên kết. Được biết trên địa bàn huyện Mường Ảng đang có 5 cơ sở, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao giá trị cho cây cà phê. Các công ty đã hỗ trợ người dân về giống, phân bón và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm…
Cũng như cây cà phê ở huyện Mường Ảng, tại huyện Tuần Giáo là trồng cây mắc ca, đến nay trên địa bàn đã thành lập được 155 tổ hợp tác ở 18 xã tham gia trồng cây mắc ca theo liên kết chuỗi giá trị thông qua nhà đầu tư. Mới đây, huyện Tuần Giáo đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty CP Tập đoàn TH về cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả mắc ca trong 50 năm, với đơn giá theo giá thị trường Australia. Gần đây nhất, UBND huyện Tuần Giáo và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2050, chính vì vậy toàn bộ sản phẩm quả mắc ca trồng tại Tuần Giáo sẽ được thu mua theo giá thị trường, nhưng tối thiểu không thấp hơn 85% giá mắc ca trên thị trường thế giới.
Doanh nghiệp liên kết trồng và chế biến nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê Mường Ảng.
Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có trên 30 đơn vị, doanh nghiệp tập trung đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ nông nghiệp từ đó giá trị ngành Nông nghiệp ngày một nâng cao.
Trong bức tranh kinh tế chung của tỉnh Điện Biên năm 2023, ngành Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tổng giá trị sản phẩm ước đạt 2.432 tỷ đồng trong đó các cây công nghiệp dài ngày đóng góp quan trọng, sản lượng cà phê nhân gần 4.400 tấn; sản lượng chè búp tươi 164 tấn; sản lượng mủ cao su 5.144 tấn; Mắc ca cho gần 807 tấn…
Có thể thấy được rằng, việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày trên địa bàn tỉnh Điện Biên thời gian qua đã và đang được thực hiện quyết liệt và đúng hướng, đảm bảo theo quy hoạch. Song song với việc giữ ổn định diện tích cây trồng, trong thời gian tới các cấp, ngành tỉnh Điện Biên cần tiếp tục đẩy mạnh việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, nhất là chế biến sâu nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; mở rộng thị trường xuất khẩu để tạo thuận lợi cho đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm.