Bàn giải pháp phát huy vai trò của Hội trong hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn
Đồng chủ trị hội thảo có ông Vũ Quốc Huy, Trưởng Ban Xã hội (Trung ương Hội NDVN); ông HoàngTùng, Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế (Trung ương Hội NDVN).
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Bộ Y tế, Bộ Công thương; đại diện lãnh đạo Hội ND của 10 tỉnh, thành phố; tổ biên tập đề án.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội NDVN cho hay, an toàn thực phẩm là một vấn đề quan trọng không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn ở cấp độ toàn cầu. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng mà còn góp phần vào việc phát triển kinh tế và xã hội đây là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và coi đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, sức khoẻ cộng động, bảo vệ môi trường và có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam. Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Hội NDVN đã tham gia lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội thực hiện công tác an toàn thực phầm (ATTP) đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP ở nước ta nói chung và của Hội NDVN nói riêng còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng ngộ độc thực phẩm thường xuyên diễn ra ở nhiều nơi và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ cộng đồng. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở nước ta cơ bản vẫn là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên việc kiểm soát an toàn vệ sinh còn chưa được triệt để, trong khi đó ngành Nông nghiệp nước ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN nhấn mạnh, nhằm đảm bảo ATTP ngay từ giai đoạn sản xuất ban đầu phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu ra các thị trường quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp trong bối cảnh mới. Để đạt được điều này, cần tiếp tục phát huy các thành tựu đã đạt được, đồng thời tập trung khắc phục những tồn tại và hạn chế hiện tại, vượt qua các thách thức trong quá trình triển khai thực hiện. Việc này đòi hỏi nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động, và hướng dẫn nông dân về sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản đảm bảo ATTP, với cách tiếp cận đổi mới và chuẩn hóa phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp. Điều này sẽ hỗ trợ quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NDVN là rất quan trọng. Nghị quyết này giao nhiệm vụ cho Hội NDVN phối hợp với Bộ NNPTNT cùng với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2024-2030” trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024.
Chính vì vậy, Phó Chủ tịch Hội NDVN mong muốn tại hội thảo, Ban Tổ chức sẽ nhận được các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, Hội ND của một tỉnh, thành phố làm rõ hơn phạm trù chủ thể của Hội Nông dân trong trong chủ đề này, nhìn nhận đúng thực trạng với những động thái của nó, tìm ra giải pháp khả thi tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của Hội NDVN trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng. Từ các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Ban Tổ chức có thêm kiến thức, thông tin, kinh nghiệm để tổng hợp, hoàn thiện xây dựng đề án trình Chính phủ.
Phó Chủ tịch cũng gợi ý các đại biểu tập trung vào thảo luận các giải pháp phát huy vai trò của Hội NDVN trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về sản xuất, kinh doanh ATTP
Tham gia tham luận tại hội thảo ông Lã Thái Bình, Phó trưởng Phòng Giám sát ngộ độc và thông tin truyền thông- Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã nhận định công tác quản lý về An toàn thực phẩm (ATTP) tại Việt Nam đã có nghị định, chính sách quy định cơ bản đầy đủ như Luật ATTP, Nghị định số 15 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về một số điều về ATTP… Các văn bản này đã quy định rõ sự phân cấp rõ trách nhiệm về ATTP cho 3 bộ (Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NNPTNT), cũng như UBND tại các địa phương về quản lý ATTP. Trên cơ sở đó Bộ Công thương quản lý 8 nhóm ngành hàng, Bộ Y tế quản lý 6 nhóm ngành hàng Bộ NNTPNT quản lý 19 nhóm ngành hàng.
Về phía Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới; Chỉ thị số 38/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Hàng năm, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch đảm bảo ATTP, chương trình tháng hành động ATTP và các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm ATTP trong dịp cao điểm như Tết cổ truyền, Lễ hội Xuân, Trung thu, mùa mưa bão…
Đóng góp ý kiến vào đề án “Phát huy vai trò của Hội NDVN trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân SXKD nông sản, thực phẩm vì sức khoẻ cộng đồng”, Bộ Y tế mong muốn Hội NDVN nâng cao vai trò của ND trong sản xuất nông nghiệp bảo đảm ATTP. Hội cần tham gia vào công tác giám sát xã hội nhằm bảo đảm an ninh, ATTP. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân về vai trò và tầm quan trọng của ATTP trong sản xuất nông sản. Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình tiên tiến, mô hình sản xuất nông sản sạch và phát triển các kênh tiêu thụ nông sản an toàn…
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho hay, Bộ NNPTNT và Hội NDVN đã có chương trình phối hợp về sản xuất nông sản an toàn. Hai bên đã ký chương trình phối hợp hoạt động tuyên truyền, vận động, phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ cho bà con nông dân gia tăng sản xuất cũng như xây dựng nông thôn mới. Với ý kiến đóng góp cho đề án của Hội ND, Bộ NNPTNT mong Hội ND nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, đặc biệt là hỗ trợ như thế nào để nông dân sản xuất hiệu quả và an toàn hơn.
Ông Chinh cho rằng vai trò của người nông dân là rất quan trọng trong việc thay đổi nhận thức vì họ chính là người trực tiếp sản xuất. Do đó để tuyên truyền, vận động người nông dân thì ngoài tổ chức Hội ND ra cần có sự phối hợp huy động các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, nghề nghiệp cùng chung tay giám sát.
Ông Chinh cũng đề cập đến thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, nhận diện thương hiệu từ cửa hàng nông sản an toàn màu xanh khi ra thị trường đã được người tiêu dùng tin tưởng mua sản phẩm. Đặc biệt hiện nay đã có APP hệ thống thương mại điện tử đang được người tiêu dùng rất tin tưởng mua hàng trên APP này, họ nhận được sản phẩm rất tươi ngon, đảm bảo ATTP đến tận nhà.
Chuyên gia kinh tế, Nguyễn Thị Thành Thực, CEO Cty CP công nghệ phần mềm AUTOAGRI nêu quan điểm cần giúp người nông dân tham gia sâu vào chuyển đổi số, liên kết sản xuất.
Bà Thực đã đưa ra dẫn chứng nông nghiệp Trung Quốc ứng dụng công nghệ số vào năm 2023 giúp tiết giảm chi phí, tăng sự kết nối. Hiện các nền tảng bán hàng của Trung Quốc phát triển rất mạnh, họ có thể bán hàng xuyên biên giới nên các trung tâm thương mại nông sản tại các tỉnh của Trung Quốc đã đóng cửa 70%, nên vai trò của các nhà sản xuất được đẩy lên cao.
Bà Thực cũng đưa ra bất cập đó là các doanh nghiệp nông nghiệp chịu nhiều quy định của nhà nước, người nông dân là người sản xuất trực tiếp nhưng lại chưa được cấp chứng nhận ATVSTP. Do đó, người nông dân khó có thể bán trực tiếp cho doanh nghiệp, người tiêu dùng (các bếp ăn, nhà hàng với số lượng lớn) mà vẫn đang phải qua khâu tổ chức trung gian.
Để làm thế nào giúp nguời nông dân cắt được khâu trung gian này, bà Thực mong Hội ND quan tâm đến các điều luật, tham mưu lên Chính phủ để giúp người nông dân có chứng nhận về ATTP, có thể bán trực tiếp sản phẩm nông sản của mình.
Vai trò của Hội ND tham gia vận động, hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản ATTP
Một trong những mô hình điểm của Hội NDVN làm tốt về ATTP đó là Hội ND Ninh Bình. Ông Nguyễn Văn Lộc - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình cho biết, từ năm 2016, Hội ND Ninh Bình đã triển khai Nghị quyết số 27-NQ/HNDTW ngày 29/6/2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN về“ Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn”, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Đề án “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn giai đoạn 2016 – 2020”. Nội dung chính của Đề án là tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên nông dân và nhân dân trong tỉnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm và là chủ thể trong đảm bảo ATTP, xây dựng và nhân rộng các mô hình nông dân nói không với thực phẩm bẩn.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã đưa nội dung đảm bảo ATTP vào chỉ tiêu thi đua của các cấp Hội hàng năm, đồng thời, tăng cường tuyên truyền pháp luật về an toàn thực phẩm tới toàn thể cán bộ, hội viên nông dân; phối hợp với Báo Ninh Bình xây dựng mỗi tuần 1 chuyên mục “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn”, với Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh xây dựng các phóng sự, tin bài phản ánh các hoạt động của tổ chức Hội và hội viên nông dân trong việc tham gia đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đến nay, tỉnh Ninh Bình có 896 mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, trong đó: Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng 113 mô hình cấp tỉnh, Hội Nông dân các huyện, thành phố xây dựng được 78 mô hình, Hội Nông dân các cơ sở xây dựng được 705 mô hình. Các hộ nông dân tham gia mô hình được tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, được Hội Nông dân và cơ quan chức năng tư vấn, hướng dẫn thủ tục để công nhận đủ điều kiện ATTP, được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm, công bố sản phẩm phù hợp quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ vay vốn. Các mô hình cấp tỉnh còn được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ một phần nguyên liệu, vật tư, máy móc.
Bên cạnh những mặt đạt được trong quá trình triển khai vận động, hỗ trợ nông dân thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản an toàn thông qua hệ thống các cửa hàng giới thiệu, tiêu thụ nông sản an toàn mang thương hiệu Hội Nông dân. Đến nay, tỉnh Ninh Bình có 38/38 cửa hàng nông sản an toàn do Hội Nông dân quản lý đều chấp hành tốt quy định của các ngành chức năng, tiêu thụ nông sản an toàn của nông dân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã phối hợp Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trong cả nước giới thiệu và bán nông sản an toàn của các địa phương như: An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai... Chuỗi cửa hàng nông sản an toàn của Hội Nông dân là địa chỉ quen thuộc của nông dân, các THT, HTX và người nội trợ.
Cùng với việc xây dựng các mô hình, Hội Nông dân các cấp Hội ND tỉnh Ninh Bình vận động thành lập 96 HTX và 405 Tổ hợp tác chuyên ngành sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, Các cấp Hội đã phát động hội viên, nông dân chủ động phát hiện, đấu tranh với những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Đề án “Tuyên truyền, vận động nông dân hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần giai đoạn 2020 – 2024” trực tiếp tổ chức gắn biển “Điểm bán hàng hạn chế túi nilon và đồ nhựa dùng một lần” tại 03 cửa hàng nông sản an toàn Sông Vân, cửa hàng nông sản an toàn Hồng Sơn và cửa hàng Tam Cốc mini max, Hội Nông dân các huyện, thành phố gắn biển điểm bán hàng hạn chế sử dụng túi nilon tại 23 cửa hàng nông sản an toàn, nhằm vận động người tiêu dùng hạn chế túi nilon và đồ nhựa một lần trong sinh hoạt hằng ngày.
Tham gia thảo luận tại hội thảo, Hội ND Ninh Bình đề nghị Trung ương Hội NDVN phối hợp hỗ trợ cấp chứng nhận cơ sở sản xuất an toàn và xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; Phân bổ vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cho các cửa hàng nông sản an toàn, các mô hình nông dân nói không với thực phẩm bẩn mở rộng sản xuất, kinh doanh…
"Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của an toàn thực phẩm đối với đời sống của cộng đồng xã hội, trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân thành phố Hà Nội luôn chú trọng công tác phát triển vùng và chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm an toàn; phối hợp quản lý tốt an toàn thực phẩm trong sản xuất ban đầu". Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Thanh- Phó Chủ tịch Hội ND TP. Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Xuân Thanh cho hay, từ năm 2020 đến nay, các cấp Hội đã duy trì và xây dựng 1.659 mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm. Hội Nông dân các huyện, thị xã xây dựng 63 cửa hàng giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bản an toàn thực phẩm trong sản xuất tại thành phố Hà Nội thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP mới tập trung chủ yếu ở các cơ sở trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, số lượng cơ sở chăn nuôi còn ít. Đa số người sản xuất vẫn còn mang nặng phương thức truyền thống, canh tác theo thói quen, chưa thực sự quan tâm tới quá trình sản xuất an toàn...
Do đó, Hội Nông dân thành phố Hà Nội rất mong đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn đã được quy hoạch. Đồng thời khuyến khích tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có kiểm soát. Từ đó tập trung xây dựng và mở rộng các chuỗi thực phẩm an toàn, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để có các sản phẩm chất lượng, an toàn. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức, trình độ nông dân về sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội NDVN đánh giá cao các ý kiến tham luận tại hội thảo.
“Trong một buổi sáng đã có 8 tham luận tham gia phát biểu các các nhà quản lý, chuyên gia, Hội ND một số tỉnh, thành phố. Các ý kiến tham luận đóng góp ý kiến đều có chất lượng, có nhiều ý kiến có gợi mở mới”, Phó Chủ tịch Hội NDVN nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hội NDVN chỉ đạo sau hội thảo mong Hội ND tỉnh, thành phố tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến về vai trò của Hội ND phát huy trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng gửi về Ban Tổ chức. Các ý kiến đóng góp sát thực tế sẽ giúp cho đề án triển khai hiệu quả…
- Cơ hội mới cho trái cây Việt Nam khi áp dụng canh tác theo tiêu chuẩn Châu Âu
- Hội Nông dân tỉnh Bình Dương: Hàng loạt chương trình phối hợp, hợp tác được ký kết
- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công bố quyết định về công tác cán bộ
- Xây dựng 3 chương trình công tác, 6 đề án; nhiều văn bản, kế hoạch cụ thể hóa các Nghị quyết