Công tác Hội

Trao đổi kiến thức xử lý rác thải thân thiện với môi trường tại tỉnh Nghệ An

Bùi Ánh - Tuấn Anh - 14:57 16/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 16/11/2024, BQLDA xử lý rác thải thân thiện với môi trường HND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức cho cán bộ, hội viên và hộ mô hình tiêu biểu của 3 huyện Quảng Xương, Yên Định, Thiêu Hóa đi thăm quan, học tập kinh nghiệm tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
TIN LIÊN QUAN

Trong chuyến đi này Đoàn đã đến thăm các mô hình tiêu biểu tại tỉnh Nghệ An như: Nuôi gà trên nền đệm lót sinh học dày, nuôi sâu can xi và trùn quế theo chu trình vòng tuần hoàn khép kín.

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” (XLRT), được Trung ương HND Việt Nam triển khai từ năm 2022 đến nay. HND tỉnh Thanh Hóa là 1 trong 15 tỉnh, thành phố được tiếp nhận. Sau hơn 2 năm, 11 xã tại 3 huyện đã tổ chức nhiều hoạt động về các khâu kỹ thuật, thực hành và xây dựng mô hình. Những kiến thức cơ bản về phương pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường đã được truyền tải đến cán bộ, hội viên nông dân tham gia.

Các hộ tham gia Dự án huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã giới thiệu về nuôi trùn quế, nuôi sâu can xi và xử lý rác thải tại hộ gia đình, khu dân cư trên địa bàn cho Đoàn đến tham quan

Đến nay, Ban quản lý Dự án XLRT HND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đủ 5 khâu kỹ thuật với 660 mô hình, gần 1.000 hộ nông dân tham gia. Ngoài ra, Dự án còn tổ chức các hội nghị truyền thông rộng rãi đến 9 huyện ngoài Dự án cho trên 5.000 lượt người. Một trong những hoạt động cuối là tổ chức học tập, rút kinh nghiệm chéo tại các đơn vị tham gia và cả những địa phương có các mô hình tương đồng trong và ngoài tỉnh. Không chỉ trực tiếp hướng dẫn nông dân các bước về xử lý rác thái thân thiện với môi trường, Dự án đã tổ chức đào tạo giảng viên nguồn (TOT) cho cán bộ chủ chốt HND 11 xã và cán bộ cấp huyện. Đây là đội ngũ tuyên truyền viên, kỹ thuật viên trực tiếp làm việc, tiếp cận cơ sở nên thường xuyên gần giũ nông dân trong sản xuất và đời sống. Cán bộ HND xã, giảng viên TOT là chỗ dựa giúp giải đáp những kỹ thuật mà nông dân còn băn khoăn khi thực hiện nhân rộng tại cơ sở.

HND tỉnh Nghệ An được tiếp nhận và thực hiện Dự án ở 11 xã của 3 huyện. Các mô hình đã xây dựng đều thành công và là điểm học tập kinh nghiệm của nông dân trong và ngoài tỉnh. Trong đợt thực tế này, các hộ tham gia Dự án huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã giới thiệu về nuôi trùn quế, nuôi sâu can xi và xử lý rác thải tại hộ gia đình, khu dân cư trên địa bàn.

Chuyến thực tế này sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức trong xử lý rác, bảo vệ môi trường

Đợt học tập, chia sẻ kinh nghiệm lần này sẽ mở ra cơ hội kết nối trong công tác bảo vệ môi trường giữa các địa phương với nhau. Hơn nữa, người tham gia sẽ nắm bắt cụ thể các yếu tố vùng miền trong việc áp dụng sản xuất tuần hoàn; Tìm hiểu về cách phát triển nhân giống trùn quế, cách kích thích sâu can xi đẻ trứng, xử lý ấu trùng, khai thác thương phẩm  loại côn trùng này vì 2 địa phương Thanh hóa và Nghệ An có vùng khí hậu tương đối giống nhau.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác