Xã hội

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Mở lại trường học là yêu cầu bức thiết"

16:16 17/02/2022 GMT+7
Theo kế hoạch từ ngày 21/2, 59/63 tỉnh, thành phố cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp; 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh Tiểu học; THCS, THPT đi học trực tiếp. Các địa phương thống nhất chủ trương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Bộ GD-ĐT đề nghị điều chỉnh xử trí F1 trong trường học

Từ ngày 1-15/2, cả nước ghi nhận khoảng 329.000 ca mắc COVID-19, trong đó, số ca mắc từ 5-18 tuổi là 28.314 ca, chiếm khoảng 8,6%; trẻ dưới 5 tuổi mắc COVID-19 khoảng 15.800 trường hợp, chiếm khoảng 4,8%. Bộ Y tế đã có hướng dẫn điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19, quy định thời gian điều trị, cách ly, xét nghiệm đối với ca nhiễm, trường hợp F1.

Học sinh đi học trở lại.

Theo kế hoạch đưa học sinh trở lại trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch nhất quán việc đưa trẻ đến trường đảm bảo an toàn; quan tâm, đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp. 

Tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố sáng 17/2 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì về mở cửa trường học của các địa phương, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Một thách thức nhất lúc này là đưa học sinh quay trở lại trường học đúng thời điểm sau Tết Âm lịch đúng thời điểm dịch bùng phát, số ca mắc của giáo viên, học sinh tăng mạnh khiến phụ huynh và xã hội lo lắng. Một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô đưa học sinh đi học trực tiếp”.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1 là giáo viên, học sinh; sớm ban hành hướng dẫn và thống nhất với các địa phương về việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp; đẩy mạnh việc tập huấn, hướng dẫn trong điều trị, thuốc chữa bệnh cho trẻ mắc COVID-19; ban hành Sổ tay hướng dẫn cho nhà trường và phụ huynh việc chăm sóc trẻ em F0 tại nhà để tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn về chăm sóc, thuốc điều trị cho học sinh mắc COVID-19 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội.

“Đề nghị lãnh đạo các địa phương, Sở Y tế cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo không quy định các học sinh phải sàng lọc trước khi đến trường. Chỉ xét nghiệm với những trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm hoặc dấu hiệu dịch tễ tiếp xúc với F0”, ông Sơn nói.

Mở lại trường học là yêu cầu bức thiết

Tại cuộc họp, các ý kiến thống nhất tinh thần tổ chức linh hoạt, phù hợp, đảm bảo cho học sinh đi học trực tiếp trở lại; đồng thời đề nghị các địa phương ưu tiên đầu tư các trang thiết bị phòng, chống dịch trong trường học, rà soát định kỳ tình hình lây nhiễm, số lượng ca nhiễm tại từng trường học để tư vấn, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp… 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố sáng 17/2 về mở cửa trường học của các địa phương.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc mở cửa trường học là yêu cầu bức thiết của xã hội, liên quan trực tiếp đến vấn đề bảo đảm nhân lực, lao động trong phục hồi, phát triển kinh tế. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng để sớm cho các trẻ đến trường an toàn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không áp đặt cứng nhắc, nhưng không để tình trạng mạnh ai nấy làm. 

Cụ thể, Phó Thủ tướng lưu ý tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiểm soát tốc độ lây nhiễm trong trường học, có phương án xử lý ca mắc, trường hợp F1 hợp lý, nhất là liên tục cập nhật hướng dẫn điều trị… Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn vấn đề xét nghiệm trong trường học; theo dõi sức khoẻ trẻ em bị bệnh nền, có vấn đề về sức khoẻ; thời gian cách ly tại nhà đối với trẻ em là F1; học bán trú…

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức, kiện toàn các phương thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình như một phần của chương trình cải cách giáo dục chứ không chỉ trong thời gian dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp.

“Các phương án chống dịch, nhất là trong trường học rất phải chi tiết, không nói đại thể được, liên tục phải cập nhật, tập huấn, phải hướng dẫn, truyền thông một cách xuyên suốt”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh./.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác