Nông thôn mới

Phủ xanh đồi cằn bằng cây dược liệu

Tuệ Mẫn - 07:26 19/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthon moi.vn) - Chị Nguyễn Thị Giang - Giám đốc HTX sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm (Bố Trạch, Quảng Bình) luôn ấp ủ ươm mầm, nhân giống đem màu xanh của cây dược liệu phủ kín những gò đất khô cằn của quê hương.

Người đem cây dược liệu bén duyên với đất Quảng Bình
Rảo bước trên cánh đồng xanh thẳm được tạo nên từ những hàng cây thìa canh mượt mà đang đâm chồi, chị Giang bộc bạch: “Tôi được sinh ra và lớn lên trên một vùng quê nghèo khó, đất đai khô cằn. Từ nhỏ, chị em chúng tôi được bố mẹ chăm sóc bằng các loại lá cây trong vườn. Lớn lên, tôi mới biết đó là những loại dược liệu quý, nhưng theo thời gian, nhiều loại cây cùng với bài thuốc chữa bệnh của nó đã bị mai một hoặc biến mất. Không ngừng trăn trở và mong muốn được phục hồi, phát triển những loại dược liệu quý, chúng tôi đã và đang từng bước ươm mầm, nhân giống để đem màu xanh cây dược liệu phủ kín những gò đất khô cằn”. 
Vốn là một cử nhân kế toán, ra trường chị theo nghiệp kế toán nhưng lại có nhiều nhân duyên để về lựa chọn phát triển kinh tế nông nghiệp. Khởi đầu ở lĩnh vực này từ năm 2015, chị bắt đầu với việc trồng cây hồ tiêu, chăn nuôi bò, gà, các loại cây ăn quả nhưng thiệt hại cũng lớn do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến thiên tai, bão lụt. Do đó, quá trình dích dắc với nghề nông nghiệp gặp không ít khó khăn cần phải vượt qua, trong đó có thể nói đến kiến thức về sản xuất nông nghiệp khá hạn hẹp.
Những ngày đầu bén duyên có chút vốn liếng nào chị đem đầu tư trồng tiêu, khi các cọc tiêu được gần 3 năm tuổi, xuất hiện cơn bão quét qua, chỉ trong 1 giờ đồng hồ, cả vườn tiêu mất trắng. Toàn bộ gia tài coi như “công cốc”.  Từ thất bại đó, chị bắt đầu trăn trở tìm loại cây mới phù hợp với thời tiết và khí hậu khắc nghiệt ở Quảng Bình, đặc biệt là phải chống chịu và không bị tác động của thiên tai.
Từ suy nghĩ đó, năm 2016 chị Giang bắt đầu thử nghiệm trồng cây cà gai leo và năm 2019 là cây thìa canh. Sau thời gian trồng, chị nhận thấy đây là loại cây trồng phù hợp với khí hậu đầy tai ương trên vùng đồi gò khô cằn tại Quảng Bình, bởi sau những trận bão, cây phục hồi rất nhanh. Đây là loại cây cho thu nhập cao gấp 5 đến 6 lần so với các loại cây trồng truyền thống lâu nay như cây sắn, ngô…

Những vườn cây dược liệu dần phủ xanh gò đồi.
Từ những bước tập tễnh thử nghiệm loại cây dược liệu từ 0,5ha đến nay cơ ngơi của HTX đã lên đến hơn 10ha đất trồng cây dược liệu liên kết với 33 hộ dân trong và ngoài xã Cự Nẫm. HTX chuyển giao cây giống, hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây theo quy trình, thu mua giá cao hơn thị trường từ 3 -5 nghìn đồng. Điều đặc biệt mà bà con càng tin tưởng và yên tâm hơn khi liên kết sản xuất với HTX là trong hợp đồng thu mua nguyên liệu luôn đảm bảo giá cả cao hơn dù thị trường lên xuống giá thất thường.
Được đánh giá là mô hình trồng dược liệu tại vùng đồi khô cằn trên đất Quảng Bình đầu tiên. Mục tiêu chị đặt ra để phấn đấu là từ quý 4/2023 đến năm 2026, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên tới 30ha với 200 hộ liên kết trên địa bàn huyện Bố Trạch tại các xã Xuân Trạch, Lâm Trạch, Cự Nẫm, Vạn Trạch, mở rộng nhà máy sản xuất, chế biến đạt tiêu chí, vận hành theo tiêu chuẩn quy định. 
Tạo thuận lợi tối đa cho xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP
Có thể nói, toàn bộ các loại dược liệu của HTX đều được canh tác theo hướng hữu cơ thuận tự nhiên tại các vùng gò đồi - vùng đệm của rừng Phong Nha Kẻ Bàng, nơi có khí hậu vô cùng khắc nghiệt nhưng lại là lợi thế để cây dược liệu cho dược tính cao. Để phòng tránh sâu bệnh, HTX thực thiện cải tạo đất bằng phân chuồng ủ hoai, luân canh cây trồng và trồng các loại hoa, cây khác xen kẽ để thu hút sâu bệnh. Bã cây sau khi thải ra được ủ với chế phẩm sinh học làm phân hữu cơ bón lại cho cây, “nói không” với các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả các sản phẩm chế biến dược liệu đều được sản xuất hoàn toàn từ thân và lá cây, sử dụng công nghệ kết hợp với bí quyết đông y để tạo ra các sản phẩm có dược tính cao, mùi vị thơm ngon, dễ uống phù hợp với khẩu vị của người dùng.
Loại cây này khá khó tính, đòi hỏi đất sạch nên việc cải tạo đất mất nhiều thời gian, việc chăm sóc cây dược liệu đòi hỏi tỉ mỉ, công phu. Tuy nhiên, loại cây dược liệu này trồng 1 lần có thể thu hoạch nhiều lần, đặc biệt với cây thìa canh có thể thu hoạch được trên 10 năm, cây cà gai leo từ khi trồng cho đến thu hoạch 6 tháng, sau đó bình quân mỗi năm thu hoạch từ 2 -3 đợt. Trung bình 1ha thu hoạch từ 18 đến 20 tấn/ha với giá thu mua từ 10 – 12 nghìn đồng/kg.
Hiện tại HTX có 9 sản phẩm, trong đó có 7 sản phẩm đã được công bố như: cao cà gai leo 4 sao, cao thìa canh 4 sao, cao chè vằng, trà tía tô, trà ngủ ngon, trà cà gai leo, trà thìa canh… Năm nay HTX đang xây dựng 3 sản phẩm đạt 3 sao (trà ngủ ngon, trà cà gai leo, trà thìa canh).

Theo chị Nguyễn Thị Giang, nhiều sản phẩm của HTX được người tiêu dùng lựa chọn.
HTX có hệ thống bán hàng đại lý bao gồm các cửa hàng thực phẩm sạch, các gian hàng nông sản sạch của Hội Nông dân tại các tỉnh, các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP… Sản phẩm của HTX đang chủ yếu phân phối cho thị trường trong nước. Hiện tại, HTX đã giải quyết việc làm tại chỗ cho 12 lao động, với mức lương từ 6 – 8 triệu đồng/tháng.
“Có được thành công như ngày hôm nay, phải nói rằng huyện Bố Trạch đã có nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt là nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản; đa dạng hoá hệ thống kênh phân phối, tiêu thụ đảm bảo bền vững; tạo thuận lợi tối đa cho các HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm tăng giá trị, mở rộng thị trường. Cụ thể, huyện đã tổ chức được 2 đợt trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP vào dịp Hội chợ xuân Quý Mão và Chào mừng Đại hội Hội Nông dân huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023-2028 góp phần quảng bá các sản phẩm”, chị Giang chia sẻ thêm. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác