Liên kết sáu nhà

Quan tâm phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản

Trọng Đức - 07:06 26/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Gần đây, cùng với đầu tư nâng cao chất lượng nông sản, tỉnh Lâm Đồng đã đặc biệt quan tâm phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp. Điều này từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh; từng bước nâng cao đời sống người nông dân.

Hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu
Hiện nay do xu thế cạnh tranh của thị trường trong và ngoài nước đòi hỏi sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ cơ quan chức năng. Bởi thế, việc xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng luôn được tỉnh Lâm Đồng quan tâm thực hiện. Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, các cơ quan như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn phân công lực lượng trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, nông dân thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các mặt hàng nông sản đặc trưng.
Tính đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành đăng ký 26 nhãn hiệu và được cấp văn bằng bảo hộ đối với 23 nhãn hiệu (15 nhãn hiệu chứng nhận; 8 nhãn hiệu tập thể), 3 nhãn hiệu đã nộp đơn cấp văn bằng bảo hộ. Nhiều nhãn hiệu đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng như: Lúa gạo Cát Tiên, nếp quýt Đạ Tẻh, sầu riêng Đạ Huoai, trà B’Lao, tơ lụa Bảo Lộc, cà phê Di Linh, rau - hoa Đà Lạt, dâu tây Đà Lạt, chuối Laba Đạ K’Nàng...
Song song với việc đăng ký trong nước, Sở Khoa học và Công nghệ còn chủ động hỗ trợ việc đăng ký bảo hộ ra nước ngoài đối với các thương hiệu nông sản đặc trưng thế mạnh. Nổi bật là việc hỗ trợ huyện Bảo Lộc đăng ký nhãn hiệu “Trà B’Lao” tại thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và đã được bảo hộ độc quyền; thành phố Đà Lạt đăng ký nhãn hiệu “rau Đà Lạt” tại thị trường Trung Quốc và Singapore; đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “sầu riêng Đạ Huoai” bảo hộ độc quyền tại thị trường Trung Quốc…
Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đã giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước đối với các sản phẩm nông sản; giúp thay đổi đời sống của người nông dân vùng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội của các huyện, thị, thành trong tỉnh Lâm Đồng. 

Chuối Laba ở huyện Đam Rông đã có mặt ở thị trường Nhật Bản.
Ở huyện Đam Rông, sản phẩm chuối Laba đã vươn ra tầm quốc tế. Sau khi chinh phục thị trường Nhật Bản, chuối Laba Đạ K’Nàng đã tìm đường sang Mỹ, Hàn, Malaysia và Trung Quốc. Hơn 100 hộ người K’Ho, M’Nông, Dao… đã đổi đời nhờ tham gia chuỗi liên kết sản xuất loại trái cây đặc sản này. 
Theo ông Nguyễn Huy Phương, Giám đốc HTX Laba Banana Đạ K’Nàng, năm 2021, HTX xuất khẩu sang Nhật Bản 6.000 tấn chuối, Hàn Quốc 600 tấn, Malaysia 400 tấn, Trung Quốc khoảng 300 tấn, Mỹ 40 tấn… chiếm 70% tổng sản lượng chuối do HTX liên kết sản xuất; 30% lượng chuối còn lại được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Đến nay, toàn huyện Đam Rông đã phát triển được 19 hợp tác xã, 8 tổ hợp tác và 13 trang trại. Phát triển được 9 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và các tổ chức nông dân, người sản xuất, với tổng số hộ liên kết khoảng 450 hộ (dâu tằm 2 chuỗi, chuối Laba 2 chuỗi, sản xuất rau thương phẩm 2 chuỗi, sản xuất sầu riêng 1 chuỗi, sản xuất mắc ca 1 chuỗi, nuôi cá tầm 1 chuỗi); 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (chuối Laba, xã Đạ K’Nàng; hạt mắc ca sấy, xã Phi Liêng; cà phê phin và trà dây rừng, xã Liêng Srônh; dứa mật, xã Rô Men; sầu riêng, xã Đạ RSal).
Chú trọng phát triển sản phẩm OCOP
Điểm nổi bật của tỉnh Lâm Đồng đó là bên cạnh xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, việc xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng còn luôn gắn liền với thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP. Từ năm 2021, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xúc tiến thị trường nông sản gắn với phát triển sản phẩm OCOP do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Để tạo thuận lợi cho các địa phương, chủ thể tham gia Chương trình OCOP, hàng năm tỉnh đều phân bổ kinh phí với mục tiêu khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo chuỗi giá trị bền vững. Tổng kinh phí dự kiến đầu tư cho Chương trình OCOP giai đoạn 2021- 2025 toàn tỉnh là 80 tỷ đồng… 
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 123 sản phẩm được công nhận OCOP, vượt xa mục tiêu đề ra theo lộ trình. Trong đó, có 51 sản phẩm 3 sao, 65 sản phẩm 4 sao và 7 sản phẩm được xếp 5 sao.
Thời gian tới, để việc xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững, Lâm Đồng cũng đặc biệt chú trọng công tác quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại. 

Thu hoạch cá tầm ở huyện Đam Rông.
Những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương đã phối hợp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là sản phẩm OCOP. Hàng năm, Sở Công Thương tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tổ chức Hội chợ Xúc tiến thương mại nông sản đặc trưng, chủ lực; xây dựng kế hoạch tổ chức phiên chợ hàng Việt trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức đoàn doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị có sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc sản của tỉnh tham gia hội chợ thương mại tại những thị trường lớn ở trong nước và nước ngoài.
Các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, các nhóm tiêu thụ nông sản an toàn, sản phẩm OCOP toàn quốc cũng được cơ quan chuyên môn đẩy mạnh thực hiện. Theo đó, đã có hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được kết nối trong các nhóm trên những nền tảng mạng xã hội. Thông qua các thị trường trực tuyến, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có thêm cơ hội trao đổi, tìm kiếm cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm. Các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp những mặt hàng nông sản đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng đã kết nối được nhiều đơn hàng, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. 
Qua quá trình thực hiện cho thấy, việc tập trung xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng đang là hướng đi mang lại những hiệu quả rõ rệt. Không chỉ giúp các địa phương khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nông nghiệp, quá trình xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng còn giúp khẳng định vị trí hàng nông sản Lâm Đồng tại thị trường trong và ngoài nước.
Thời gian tới, thực hiện chủ trương đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ về cơ chế, chính sách; tập trung xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với huy động, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ sản xuất.  

Tin cùng chuyên mục
Tin khác