Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong giai đoạn mới
Tập trung mục tiêu phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp
Sáng 22/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam (khoá VIII), nhiệm kỳ 2023 – 2028; Quyết định số 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...
Sự kiện diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ùng dự và quán triệt các nội dung trong chương trình hội nghị có đồng chí Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tich Thường trực; các Phó Chủ tịch: đồng chí Đinh Khắc Đính, đồng chí Bùi Thị Thơm, đồng chí Nguyễn Xuân Định.
Hội nghị có sự tham dự của 112.716 đại biểu trực tuyến đến 63 điểm cầu Hội Nông dân tỉnh, thành, 588 điểm cầu cấp huyện và 4.255 điểm cầu cơ sở. Tại điểm cầu Hội Nông dân các cấp tỉnh Nghệ An đã triển khai học tập tại 398 điểm cầu (tỉnh, 21 huyện, thành, thị và 376 xã, thị trấn) với 7.353 cán bộ Hội từ tỉnh đến chi hội tham dự).
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thông tin: Trước Đại hội, ngày 20/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46- NQ/TW về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Thực hiện Nghị quyết trên, ngày 20/2/2024 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 182-QĐ-TTg về phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030".
"Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ban hành Chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 46, Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam; Chương trình công tác toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương Hội nhiệm kỳ 2023 – 2028; Kế hoạch thực hiện Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ", Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam cho biết.
Tại hội nghị, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, Nghị quyết 46 ra đời dựa trên tình hình thực tiễn ngành Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực trạng phát triển của Hội Nông dân Việt Nam.
Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 46 có 3 nhóm vấn đề gồm: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân và phong trào nông dân; Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và Xây dựng tổ chức Hội là trách nhiệm của hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó chủ yếu, trực tiếp là cấp uỷ, chính quyền và Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp.
Về mục tiêu tổng quát Nghị quyết đưa ra: Đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; làm tốt vai trò đại diện; động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Vận động từ 450.000 hội viên nông dân trở lên tham gia tổ hợp tác
Về mục tiêu cụ thể hàng năm theo Nghị quyết 46, đồng chí Lương Quốc Đoàn thông tin: Kết nạp từ 200.000 hội viên nông dân mới trở lên; 100% cán bộ Hội Nông dân chuyên trách các cấp, chi hội trưởng chi hội nông dân được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ.
Đào tạo, bồi dưỡng nghề cho từ 250.000 hội viên nông dân, lao động nông thôn trở lên; bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho 50.000 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên; Thành lập mới 5.000 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 500 chi hội nông dân nghề nghiệp.
Vận động từ 450.000 hội viên nông dân trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập mới 1.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 200 hợp tác xã nông nghiệp. 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu, trong đó có 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. 100% hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế; 50.000 hội viên nông dân trở lên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đồng chí Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam gồm:
Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân.
Thứ hai, vận động, hỗ trợ hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Thứ ba, nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ Hội các cấp.
Thứ tư, xây dựng bộ chỉ số đánh giá và tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ năm, đẩy mạnh hỗ trợ, phổ biến, mở rộng ứng dụng App Nông dân Việt Nam trong hội viên nông dân.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu được nghe đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN khóa VIII, nhiệm kỳ 2023-2028.
Chiều cùng ngày, các đại biểu tiếp tục nghe 3 chuyên đề gồm "Quán triệt những nội dung cơ bản của ĐIều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII (sửa đổi, bổ sung)" do đồng chí Đinh Khắc Đính trình bày; Chuyên đề "Quán triệt Chương trình công tác trọng tâm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân VIệt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2023-2028" do đồng chí Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Thường trực BCH Hội Nông dân Việt Nam và Chuyên đề "Quán triệt Quyết định số 182/QĐ- TTg ngày 20/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp" do đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch BCH Hội Nông dân Việt Nam trình bày.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN đã đánh giá cao kết quả hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam và Quyết định số 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Đây là những nội dung hết sức quan trọng, định hướng, dẫn dắn hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trong thời gian tới, đặc biệt với Nghị quyết 46, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành riêng một Nghị quyết về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”, Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng to lớn, củng cố niềm tin, sự tự hào của cán bộ, hội viên, nông dân cả nước vào sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp Nông dân Việt Nam.
Thiết thực đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã chỉ đạo Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các cấp Hội triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, sau Hội nghị này các cấp Hội phải nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt cho toàn thể cán bộ, hội viên nông dân hiểu rõ, sâu sắc các nội dung Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam và Quyết định số 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhất là những quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, những vấn đề mới, cốt lõi trong các Nghị quyết để thấy được trách nhiệm của các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân trong việc tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Thứ hai, các cấp Hội khẩn trương tham mưu cho cấp ủy cùng cấp ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam ở địa phương; trên cơ sở nội dung Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam tập trung tham mưu xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể hóa hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam sát với thực tiễn địa phương, đơn vị và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trong đó cần chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, am hiểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có uy tín, tâm huyết, trách nhiệm và kinh nghiệm công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đề xuất với chính quyền tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cấp Hội. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Phối hợp tốt với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành chức năng cùng cấp thực hiện tiếp công dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết kiến nghị của nông dân; tham gia hòa giải những mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nông thôn, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, tương thân tương ái, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần phát huy truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nông dân đối với Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị.
Thứ ba, tổ chức thực hiện tốt Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương Hội và các cấp Hội nhiệm kỳ 2023 – 2028, Chương trình công tác trọng tâm của Ban Thường vụ các cấp Hội hàng năm; đổi mới nội dung, phương thức, hoạt động các cấp Hội hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư để thu hút sự hưởng ứng, tham gia tích cực của hội viên, nông dân trong các phong trào thi đua của Hội. Đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; xây dựng bộ chỉ số đánh giá và tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp; tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, nhất là các nội dung liên quan về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm thực hiện và hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Thứ tư, các cấp Hội tập trung tham mưu xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể để tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội Nông dân, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, từng cấp Hội, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tập thể của người nông dân. Tổ chức phát động phong trào thi đua “Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”; tổ chức rà soát kết quả hoạt động, đề xuất các giải pháp cụ thể hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; phối hợp với các cơ quan chức năng sắp xếp, tái cơ cấu, tổ chức lại tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động không hiệu quả, ngừng hoạt động. Tập trung xây dựng quy trình hướng dẫn và tổ chức hỗ trợ thành lập một số mô hình Hợp tác xã nông nghiệp làm hình mẫu để cán bộ, hội viên nông dân thăm quan, học tập và nhân rộng mô hình; khuyến khích, vận động, hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc làm nòng cốt, hạt nhân thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; tập trung củng cố và phát triển Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp của Hội Nông dân Việt Nam.
Thứ năm, chú trọng chỉ đạo điểm xây dựng mô hình thực hiện Nghị quyết, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình, điển hình, cách làm hay, phù hợp, hiệu quả trong thực tiễn tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của các cấp Hội trên cơ sở các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết đã được phê duyệt, kịp thời điều chỉnh chương trình, kế hoạch thực hiện cho phù hợp, đôn đốc, nhắc nhở, phê bình các tập thể, cá nhân thực hiện không hiệu quả. Việc nghiên cứu học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết ngày hôm nay chỉ là bước đầu, điều quan trọng là phải sớm đưa nội dung Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống, nói đi đôi với làm, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ “Kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần, và quyết tâm 30 phần” , vì vậy, quá trình tổ chức thực hiện đòi hỏi sự quyết tâm, năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, hội viên nông dân, nhất là Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các cấp Hội để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam và Quyết định số 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các nghị quyết của Trung ương, của Hội và Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng./.