Quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống gắn với ngôi đình cổ tại Thủ đô
Lễ hội truyền thống Đình Chèm được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2016. Với những giá trị đặc sắc về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, Đình Chèm vinh dự đón bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2017. Lễ hội truyền thống Đình Chèm được xem là một trong những tín ngưỡng lâu đời gắn liền với ngôi đình cổ của Thủ đô Hà Nội, có nhiều nghi lễ đặc trưng, tiêu biểu cho sinh hoạt văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước đồng bằng sông Hồng.
Đình Chèm được xây dựng từ thời Bắc thuộc nằm trên địa bàn phường Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), thờ Đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng. Ngài sinh vào thời Hùng Duệ Vương, chí dũng song toàn, thông minh xuất chúng, được phong chức Chỉ huy sứ thống lĩnh quân đội. Khi Thục Phán An Dương Vương dựng nước Âu Lạc, ngài đã hết lòng phò tá, lãnh đạo quân dân Âu Lạc đánh bại hàng chục vạn quân Tần sang xâm lược nước ta. Để giữ tình hòa hiếu giữa hai nước, ngài được An Dương Vương cử đi sứ nhà Tần và trở thành nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam.
Khi ấy biên giới phía Bắc nước Tần bị quân Hung Nô uy hiếp. Tần Thủy Hoàng phong ngài chức Tư Lệ Hiệu Ủy thống lĩnh 10 vạn quân trấn ải Lâm Thao, uy danh chấn động đất Hung Nô. Vua Tần cảm phục phong tước Phụ Tín Hầu và gả công chúa Bạch Tịnh Cung cho ngài. Trở về nước, ngài giúp dân diệt trừ thủy quái, khuyến khích nông tang, đem lại cuộc sống bình an cho nhân dân. Sau khi mất, ngài được nhân dân tôn thờ là Đức Thánh Chèm và lập đền thờ tại quê nhà. Để tri ân công đức của ngài, hàng năm nhân dân ba làng Chèm, Hoàng Xá, Hoàng Liên tổ chức lễ hội từ ngày 14-16/5 âm lịch.
Chủ tịch UBND phường Thụy Phương Nguyễn Ngọc Phong cho biết, Lễ hội truyền thống Đình Chèm được tổ chức thường niên để tỏ lòng tri ân công đức đối với Đức Khang Hy Thiên Vương Lý Ông Trọng. Đây cũng là dịp để những người con xa quê hương tìm về nguồn cội, du khách thập phương tìm hiểu về những nét đẹp văn hoá truyền thống của mảnh đất và con người quận Bắc Từ Liêm. Lễ hội cũng là nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp đồng bằng sông Hồng thời xã xưa.
Theo Ban tổ chức, diễn ra từ ngày 1 - 3/7 (tức 14-16/5 âm lịch). Lễ hội được chia thành 2 phần lễ và hội. Các nghi lễ đặc trưng trong lễ hội gồm: Lễ rước nước trên sông Hồng, lễ rước văn, lễ cúng phát tấu, lễ yên vị, lễ mộc dục, lễ phóng sinh… Phần hội có các hoạt động sôi nổi và hấp dẫn như thi chơi cờ người, kéo co, nhảy bao bố…, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, du khách thập phương.
Theo TTXVN/Vietnam+