Quảng Ngãi: Nhiều giải pháp giúp nông dân bỏ thuốc lá
Tích cực, chủ động, phối hợp tuyên truyền
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do hút thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động). Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường sống…
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, hút thuốc lá sẽ gây ra những tác hại khôn lường cho sức khỏe, tạo gánh nặng lên kinh tế của gia đình và xã hội. Do đó, để làm thế nào giảm tình trạng hút thuốc lá và phòng, tránh các tác hại của thuốc lá gây ra thì đó vẫn là bài toán nan giải cho các cấp, các ngành và cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội Nông dân các cấp tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị tập huấn cho cán bộ, viên chức thuộc các sở, ban, ngành tuyến tỉnh tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Ông Trần Ngọc Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh về công tác phòng, chống các bệnh nan y do tác hại của việc sử dụng thuốc lá gây ra, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tổ chức mở lớp tập huấn công tác phòng chống tác hại thuốc lá cho cán bộ Hội các cấp, đặc biệt là các chi hội trưởng.
Một trong những đơn vị đi đầu làm tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc là đó là Hội Nông dân TP. Quảng Ngãi. Thông qua các buổi tập huấn do Hội tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng công tác tuyên truyền cho cán bộ chi, tổ hội và hội viên nòng cốt với vai trò là một tuyên truyền viên ở cơ sở để vận động nông dân nói không với thuốc lá, thuốc lào, xây dựng môi trường sống lành mạnh, hạn chế thấp nhất nguy cơ về các bệnh hiểm nghèo. Đồng thời triển khai xây dựng “Chi hội Nông dân không thuốc lá, thuốc lào” góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, xây dựng lối sống lành mạnh, an toàn và văn minh…
Thông qua các buổi tập huấn, 100% cơ sở Hội trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi phát động triển khai thực hiện mô hình “Không khói thuốc lá” trong cán bộ từ xã, phường đến chi, tổ Hội. Theo đó mỗi cán bộ cơ sở Hội phải là một tuyên truyền viên về tác hại của thuốc lá và là người tiên phong đi đầu trong việc “nói không” hoặc “hạn chế” sử dụng thuốc lá, thuốc lào bằng việc ký cam kết thực hiện đối với những người xưa nay đang hút thuốc thì sẽ có phương pháp hút ít dần rồi dứt hẳn.
Điển hình trong xây dựng và thực hiện mô hình này đó là Hội Nông dân phường Nghĩa Chánh (TP. Quảng Ngãi) đã phát động xây dựng mô hình này từ năm 2018 và duy trì đến nay. Để mô hình được triển khai và thực hiện hiệu quả, Hội ND phường đã tổ chức các buổi truyền thông lồng ghép thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ chi, tổ Hội bằng việc chiếu các hình ảnh trực quan sinh động (những clip của chuyên gia tư vấn sức khỏe), hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến một số căn bệnh hiểm nghèo như: Ung thư vòm họng, răng miệng, ung thư vú, ung thư não, ung thư phổi và nhiều căn bệnh khác liên quan đến khói thuốc… Đặc biệt, người hút thuốc lá sẽ gây tác hại người thân trong gia đình và cộng đồng – những người hút thuốc lá thụ động.
Từ những hoạt động trên đã có sức lan tỏa đến nhận thức và hành động của cán bộ chi, tổ Hội. Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, đã có 50% số cán bộ chi, tổ Hội đã dứt điểm việc sử dụng thuốc lá, 30% trường hợp có sử dụng nhưng hút rất ít (giảm liều lượng 70% so với trước đây), 20% còn lại là trường hợp sử dụng thuốc lá ở mức độ cao (đã cai nhưng tái sử dụng), chưa có biện pháp cai thuốc lá dứt điểm.
Cần có sự quyết tâm bỏ thuốc của người hút
Ông Trần Ngọc Vinh cho rằng những kết quả đạt được nêu trên trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong hệ thống Hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn là con số rất khiêm tốn. Nguyên nhân hạn chế là do thói quen (ý thức) và môi trường sống làm cho nhiều người đã cai hút thuốc lá nhưng nguy cơ tái nghiện trở lại là rất cao.
Theo anh L.V.C (50 tuổi) ở phường Trần Phú (TP. Quảng Ngãi) thì, anh hút thuốc lá từ năm 20 tuổi, sau hơn 10 năm sử dụng anh thấy không tốt cho sức khỏe và ảnh hưởng đến kinh tế gia đình vì phải mất một khoản chi tiêu cho khói thuốc là không hợp lý và sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ và con nhỏ nên anh quyết định từ bỏ thuốc lá năm 2008. Khi bỏ được thói quen ấy, anh L.V.C thấy rất nhẹ nhõm, cảm thấy cuộc sống và sức khỏe tốt hơn. Thế nhưng sau nhiều lần gặp bạn bè, các buổi café với anh em bạn hoặc các dịp lễ, tiệc giỗ chạp của gia đình, một số anh em mời nhau điếu thuốc, lâu dần không từ chối được… nhiều lần như vậy thế là sau 6 năm quyết tâm không hút thuốc thì anh L.V.C đã tái nghiện trở lại…
Không chỉ riêng anh L.V.C là trường hợp cá biệt mà có nhiều người cũng cùng cảnh ngộ như thế. Anh T. N.V là một cán bộ ở phường Nghĩa Chánh (TP. Quảng Ngãi) cho hay: Trước đây tôi hút thuốc mỗi ngày 1 gói, sau đó vì thấy truyền thông về tác hại của thuốc lá và nguy cơ nhiễm các bệnh nan y nhiều nên tôi đã cai thuốc lá thành công được hơn 5 năm. Thế nhưng anh V thổ lộ: “Nhiều lúc gặp bạn bè, đồng nghiệp cũ, có người mời tôi cũng hút một vài điếu cho “đậm tình bằng hữu” vì nể và lâu ngày mới gặp”, nhưng anh V cũng hết sức dè dặt vì sợ nhiều lần như thế sẽ có nguy cơ tái nghiện là rất cao.
Có thể nói, công tác tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá trong hệ thống Hội vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: công tác thông tin tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá... mặc dù đã được đẩy mạnh và thường xuyên được cập nhật bằng các hình thức trực tiếp, gián tiếp, đăng tải trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng nhưng tỷ lệ hút thuốc lá vẫn cao; vẫn còn rất nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân biết quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá nhưng vẫn cố tình vi phạm, xem nhẹ hình thức xử lý, nhiều cán bộ, lãnh đạo không nêu gương, đặc biệt là việc hút thuốc lá tại công sở, nơi công cộng...
Ông Trần Ngọc Vinh đề xuất: Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân cần phải có kế hoạch đưa nội dung tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá vào trong chương trình, nội dung công tác hàng năm của hệ thống Hội. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục truyền thông về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ hiện nay. Đồng thời, cần phối hợp xây dựng các hệ thống câu lạc bộ không khói thuốc tại từng địa phương cấp xã, phường, trong đó lực lượng chính là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên ở cơ sở…
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi