Diễn đàn

Bàn giải pháp để cải thiện “sức khoẻ” cho đất trồng trọt

Vân Nguyễn - 07:21 15/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 14/6, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Hiện trạng và định hướng quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững”.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sức khỏe đất đang là vấn đề được nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia quan tâm. Thông tin từ FAO, cho thấy, có tới 95% sản lượng lương thực toàn cầu phụ thuộc vào đất. Tuy nhiên, ước tính một phần ba diện tích đất đai trên thế giới đã bị suy thoái. Các chuyên gia ước tính, xói mòn đất có thể dẫn đến thiệt hại 10% sản lượng cây trồng vào năm 2050.

Hiện nay, tình trạng suy thoái với nguy cơ sa mạc hóa diễn ra nhanh và ảnh hưởng nặng nề nhất tại 3 khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Miền Trung là khu vực có nhiều đất đai có hiện tượng thoái hóa trên tiến trình trở thành hoang mạc cằn cỗi. Ngoài ra, do chủ yếu canh tác lúa nước nên xảy ra hiện tượng rửa trôi dinh dưỡng. Với những vùng thâm canh, hiện tượng canh tác quá nhiều thường gây ra suy thoái và kiệt quệ dinh dưỡng.

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Vân Nguyễn

Tình trạng thoái hóa đất đang trở nên đáng báo động cả với loại hình thoái hóa tự nhiên do hoang mạc đá, hoang mạc đất khô cằn, hoang mạc cát, hoang mạc đất nhiễm mặn và hoang mạc đất nhiễm phèn và thoái hóa do tác động của con người như: Thâm canh, tăng vụ hoặc cơ giới hóa đồng ruộng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phá rừng, đốt rừng hay xây dựng các hồ chứa, các công trình thủy điện.

PGS. TS Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hoá cho biết: Việt Nam diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người chỉ 0,25ha, thuộc loại thấp nhất trên thế giới trong khi bình quân trên thế giới là 0,52ha và bình quân trong khu vực là 0,36ha. Không những thế, sức khỏe đất cũng đang gặp phải nhiều vấn đề cần xử lý. Có tới 70% diện tích đất nằm trên địa hình đồi núi dốc, nên dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất các chất dinh dưỡng, đất thường chua, nghèo mùn và các chất dinh dưỡng.

Không chỉ vậy, ô nhiễm đất do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học cũng đã góp phần tiêu diệt hệ sinh vật có ích trong đất, làm giảm độ tơi xốp, giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây trồng từ đó làm ảnh hưởng sức khỏe đất và cây trồng.

Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước chia sẻ: Bình Phước có diện tích canh tác các loại cây lớn như cao su, điều, hồ tiêu và cây ăn trái. Thực tế thời gian qua cho thấy, với diện tích cao su và điều người dân ít bón phân nên mức độ thoái hoá đất không đáng kể. Tuy nhiên, với diện tích trồng hồ tiêu, cà phê và cây ăn quả, đất có dấu hiệu chai sạn, cây trồng phát sinh nhiều dịch bệnh.

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Vân Nguyễn

Nguyên nhân là khi hồ tiêu, cà phê có giá trị kinh tế cao, người dân tích cực bón phân hoá học và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để đạt năng suất cao. Hiện địa phương đã có quy hoạch các loại cây trồng phù hợp với từng chân đất khác nhau, lên phương án cải tạo đất để phục vụ sản xuất lâu dài. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp cần sớm xây dựng quy trình trồng trọt, canh tác hữu cơ để hướng dẫn nông dân thực hành đúng, hiệu quả.

Ông Phan Văn Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết: Để tạo ra một sản phẩm mới Bình Điền phải nghiên cứu về đất đai thổ nhưỡng phân tích biến động của đất thường kỳ thường xuyên. Công ty luôn cùng mọi người chung tay giảm suy thoái đất, cải thiện nhiễm độc đất. Muốn canh tác có hiệu quả, người trồng nên tìm giải pháp và canh tác cho phù hợp. Canh tác hữu cơ đảm bảo 3 nhiệm vụ quan trọng thay đổi cơ cấu cải thiện vật lý đất, giúp đất tơi xốp làm chất đệm cho đất giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng tốt hơn; hóa học đất cung cấp một số khoáng chất phân hữu cơ sẽ phân hủy ra nhiều axit amin tăng độ PH cung cấp thêm dưỡng chất; sinh học đất bổ sung nền tảng làm vi sinh vật có lợi phát triển được. Thời gian tới, Bình Điền sẽ cho ra thị trường sản phẩm phân bón vô cơ bọc vi sinh, sản phẩm sẽ chọn lọc các vi sinh vật có lợi đáp ứng phân giải chất hữu cơ trong đất để trả lại sự màu mỡ cho đất.

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương chia sẻ: Hải Dương là tỉnh đồng bằng nhưng đang có tình trạng “sa mạc hoá” do đất đai bị suy kiệt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả canh tác nông nghiệp. Trước đây vùng trồng ổi của tỉnh có thể cho thu hoạch từ 5 -7 năm mới phải trồng lại;  gần đây vòng đời cây ổi chỉ còn 3 năm, thời gian cho thu hoạch rút ngắn còn 2 năm, trong đó chỉ thu hoạch chính được 1 năm. Qua khảo sát, nghiên cứu, nguyên nhân không phải do sâu bệnh hay giống mà do đất bị chai, thiếu dinh dưỡng.

Hải Dương có 58.000ha đất canh tác lúa, trong đó 40.000ha chuyên canh lúa, sử dụng phân bón vô cơ, năng suất vẫn cao nhưng sâu bệnh khá nhiều. Ngược lại vùng trồng luân canh lúa và hành tỏi thì đất tốt hơn, năng suất lúa và hành, tỏi đều cao và hầu như không có sâu bệnh. Nhiều diện tích canh tác nông nghiệp trực tiếp tại Hải Dương đã phải chuyển sang sản xuất trong nhà màng, nhà lưới trên nền đất mượn. Việc sản xuất trong nhà màng, nhà lưới mặc dù cho hiệu quả cao nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài cho ngành Trồng trọt.

Hiện nay, hành lang pháp lý về sử dụng, bảo vệ đất đai đã có nhưng chưa có sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện. Người nông dân vẫn ưu tiên lựa chọn giải pháp canh tác có chi phí thấp nhất và đơn giản nhất là sử dụng nhiều phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật để đạt năng suất cao.

Canh tác hữu cơ có lợi ích lâu dài nhưng chi phí cao và hiệu quả chậm hơn. Ngay cả đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở cũng chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích, hiệu quả của các phương pháp canh tác giúp bảo vệ, cải tạo độ phì nhiêu cho đất nên rất khó để khuyến khích người dân làm theo.

Chính vì vậy, để cải tạo đất đai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có hướng dẫn, quy định về chức năng hệ thống bảo vệ thực vật ở cơ sở; tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức trong việc bảo vệ sức khoẻ của đất, cũng chính là bảo vệ sự phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đất là tư liệu sản xuất rất đặc biệt, tuy nhiên cả thế giới đều đang gặp vấn đề nan giải về chất lượng, thoái đất, ô nhiễm đất. Phải nhận thức một cách rõ ràng là đất đai nói chung, đất trong sản xuất nông nghiệp nói riêng của Việt Nam đang bị thoái hóa nhanh, đất nghèo dinh dưỡng có xu hướng gia tăng. Riêng đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ngành Trồng trọt thì diện tích bị thoái hóa, nghèo dinh dưỡng là gần 2 triệu héc ta.

Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các địa phương tìm giải pháp cải thiện. Trước tiên cần phải rà soát, đánh giá, thống kê phân loại đất thoái hoá, nghèo dinh dưỡng, ô nhiễm hay hoang hoá để có cơ sở dữ liệu. Khi có thực trạng mới phân tích được nguyên nhân vùng nào do ảnh hưởng của tự nhiên, biến đổi khí hậu, vùng nào do canh tác quá mức dẫn đến bạc màu, suy kiệt. Từ đó đề ra giải pháp cụ thể để cải tạo, bồi đắp dinh dưỡng cho đất hay chuyển đổi, thích ứng với thực tế.

Khung pháp lý về quản lý, sử dụng đất đai đã đầy đủ song cần nâng cao nhận thức của cả người dân và các cơ quan quản lý về tầm quan trọng của chất lượng, sức khoẻ đất đối với hoạt động sản xuất và đời sống, đặc biệt là liên quan đến an ninh lương thực. Tiếp đến, cần xây dựng các quy trình sản xuất, canh tác phù hợp đối với từng loại đất, từng loại cây trồng và có những biện pháp để cải tạo độ phì nhiêu bổ sung dinh dưỡng cho đất một cách kịp thời qua mỗi một mùa vụ.

Thời gian tới, Cục Trồng trọt sẽ xây dựng chiến lược để quản lý sức khỏe đất của quốc gia liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp để trình Chính phủ ban hành. Tạo căn cứ để ngành Nông nghiệp và các địa phương quy hoạch tổng thể phương án sử dụng, cải tạo đất nhằm quản lý tốt sức khỏe của đất để phục vụ cho ngành trồng trọt một cách bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác