Quốc hội thảo luận về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội dành cả ngày 8/11 nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Sau đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các nội dung này.
Trước đó, tại Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo Báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nói chung, công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật nói riêng.
Đồng thời, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đa dạng hóa phương thức và tăng thời lượng công tác tuyên truyền cho nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng internet; phê phán những hành vi vi phạm pháp luật.
Các lực lượng chức năng, nhất là Công an đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, tập trung làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở, tập trung nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao.
Theo đó, 29.169 vụ phạm tội về trật tự xã hội đã được điều tra, khám phá, đạt 86,57%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 94,61%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,45%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Các lực lượng đã triệt phá 631 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực; bắt, vận động đầu thú 4.919 đối tượng truy nã, trong đó có 1.452 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm...
Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp.
Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp ổn định, lâu dài cho công dân Việt Nam.
Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu; dùng “quân xanh, quân đỏ” để thao túng giá trúng thầu, mua bán “lòng vòng” để nâng giá nhiều lần, tội phạm, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại ngày càng lớn.
Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước, qua đó củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được tiến hành đồng bộ như: Công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình; xây dựng, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử; kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng...
Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 5.800 cuộc thanh tra hành chính và 115.122 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 51.657 tỷ đồng, 12.004 ha đất; kiến nghị thu hồi 21.472 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 1.777 tập thể và 4.726 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 384 vụ, 196 đối tượng./.
Theo TTXVN/Vietnam+