Hỗ trợ nông dân

Quỹ Hỗ trợ Nông dân là động lực giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình

Hạnh Nguyễn - 07:03 10/07/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhờ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND), nhiều hộ gia đình ở xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, trở thành gương điển hình về phát triển kinh tế.
Anh Phan Thành Trung trong trang trại nuôi dê của gia đình.

Cán bộ Hội hỗ trợ tích cực, kịp thời

Theo ông Nguyễn Kỳ Tánh - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Thanh Đức, xã có 9 ấp với diện tích tự nhiên 1.255,4ha, trong đó đất nông nghiệp là 789,9ha, có 3.292 hộ, phần lớn người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp như trồng các loại cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản…. Chăn nuôi dê đã có từ lâu nhưng phát triển rất hạn chế chủ yếu giống dê ở địa phương nên hiệu quả kinh tế không cao. Trong những năm gần đây tình hình chăn nuôi heo, bò gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh, giá cả thì người dân chuyển hướng phát triển chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt vì vòng quay nhanh, dễ nuôi, thức ăn dễ kiếm, giá cả ổn định, chủ yếu chăn nuôi ở quy mô nông hộ. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã Thanh Đức, sự quan tâm chỉ đạo của Hội ND huyện Long Hồ, xã Thanh Đức được định hướng là mô hình trọng điểm về xây dựng tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi. Ban Chấp hành Hội ND xã nhận thấy tiềm năng trong phát triển mô hình nuôi dê thịt và dê sinh sản, vì vậy Hội ND xã đã tập hợp, vận động hội viên, nông dân cùng chăn nuôi dê thành lập tổ Nông dân nghề nghiệp nuôi dê thịt và dê sinh sản trong năm 2017 với 25 thành viên. Sau khi ra đời, tổ Nông dân nghề nghiệp đã bầu ra tổ trưởng, tổ phó, xây dựng quy chế hoạt động của tổ. 

Thời gian đầu mới thành lập tổ Nông dân nghề nghiệp nuôi dê sinh sản, nhiều hội viên còn khó khăn, do phần lớn chi phí chỉ đủ đầu tư cho xây dựng chuồng trại và mua con giống nên quy mô nhỏ lẻ, chỉ từ 2 - 4 con/hộ. Các thành viên đều muốn mở rộng sản xuất nhưng thiếu vốn để đầu tư. 

Nắm bắt được nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của hội viên trong Tổ, Ban thường vụ Hội ND xã Thanh Đức đã tham mưu cho Hội ND huyện, tỉnh và Trung ương hỗ trợ vốn vay giúp các hộ mở rộng sản xuất. Đến năm 2018, được sự quan tâm của Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN, mô hình nuôi dê của xã Thanh Đức đã được Quỹ HTND cho 11 hội viên, nông dân vay 300 triệu đồng để mở rộng chuồng trại và tăng đàn dê. 

Khi được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ, các thành viên đã mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm con nái để sinh sản và tăng đàn. Trong quá trình nuôi, các hộ vay vốn thường xuyên chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật chăm sóc, trị bệnh... nên đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi hộ vay vốn đầu tư tăng đàn từ 10 - 20 con nái, tạo việc làm ổn định và góp phần tăng thu nhập. Chỉ sau 3 năm, nhiều hộ trả hết nợ, có nguồn thu nhập ổn định và làm giàu cho gia đình, điển hình như hộ gia đình anh Phan Thành Trung, anh Sang, anh Tùng... Với quy mô ban đầu 7 dê nái, sau khi được vay vốn từ Quỹ HTND, gia đình các anh đã đầu tư mua thêm con giống, mở rộng quy mô chăn nuôi. 

Dê nuôi nhốt chuồng của gia đình anh Phan Thành Trung.

Mô hình liên kết phát triển bền vững

Chia sẻ về quá trình phát triển kinh tế hộ gia đình, anh Phan Thành Trung - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Thanh Đức cho biết: Khi còn làm chủ nhiệm câu lạc bộ khuyến nông của xã từ năm 2016, anh được Trung tâm khuyến nông huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ về kỹ thuật chăm sóc, điều trị bệnh trong chăn nuôi và đi thăm quan học tập mô hình làm kinh tế giỏi. Anh nhận thấy nếu so với những vật nuôi khác như lợn, bò, gà… thì nuôi dê có hiệu quả hơn vì dễ nuôi, ít bệnh, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn ở địa phương như nguồn cỏ lá cây, thân ngô, rơm rạ, các loại thức ăn củ quả (khoai, của sắn, bí đỏ…).

Giống dê mà anh Phan Thành Trung lựa chọn nuôi là dê Boer lai F1. Đây là giống dê được lai tạo giữa dê Boer đực thuần có nguồn gốc từ Mỹ và dê cái Bách Thảo Việt Nam (dê cỏ). Trước đây, một số hộ nuôi dê cỏ nhỏ, không có thịt nên thương lái chê. Nuôi dê Boer lai F1 tăng trưởng nhanh, mắn đẻ, to con, thịt nhiều, thương lái ưa thích, chinh phục được người tiêu dùng. Chuồng trại lại dễ làm, chi phí cũng không lớn. Nhờ vậy, gia đình anh và nhiều hộ nông dân khác trở nên khấm khá nhờ chăn nuôi dê Boer lai F1.
Anh Phan Thành Trung cho biết thêm: “Tôi là người làm đầu tiên, đi tiên phong trong xã với mô hình nuôi dê. Khi thành công, bà con nông dân trong xã muốn nuôi thì làm chuồng trại và không có vốn thì được Quỹ Hỗ trợ Nông dân cho vay vốn”. 

 Năm 2018, được sự động viên, trợ giúp của Hội ND các cấp, anh đã được bầu làm Tổ trưởng Tổ Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê thịt và dê sinh sản, sau đó, năm 2019, anh thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - Dịch vụ Thanh Đức. Hiện nay, HTX có 23 thành viên, có 3 hộ có quy mô dê nái từ 50 con trở lên. Trong đó, gia đình anh Trung có 100 nái, mỗi năm 2 lứa, 4con/lứa, dê đực thì vỗ béo để bán, còn dê cái thì lựa chọn con khỏe, tốt để làm dê nái hậu bị, làm giống cung cấp cho bà con nông dân. Thu nhập trung bình mỗi năm trừ các khoản chi phí thu lãi khoảng 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4 lao động mùa vụ ở địa phương.

Ngoài việc chăn nuôi dê, anh Trung còn tận dụng nguồn phân dê để ủ làm phân vi sinh cung cấp cho bà con nông dân trong vùng để bón cho cây trồng.

Theo anh Phan Thành Trung, việc thành lập HTX có rất nhiều thuận lợi. Trước đây, các hộ mạnh ai người nấy làm, quy mô nhỏ nên lúc xuất bán dê thịt hay bị thương lái ép giá. Khi đã thành lập HTX, có tư cách pháp nhân, HTX làm hợp đồng cung cấp sản phẩm cho nhiều công ty thực phẩm của tỉnh và ở TP. Hồ Chí Minh, có khi nguồn cung còn không đủ cầu. Đến lứa thì HTX thu gom, cung cấp cho đối tác đã ký hợp đồng. Chính vì vậy, dê thịt xuất chuồng được giá, bà con yên tâm chăn nuôi, đồng thời còn khuyến khích họ mở rộng quy mô với số lượng lớn.

“Hiện đầu ra dê thịt rất ổn định, ngoài xuất bán theo hợp đồng đã ký, còn có nhiều thương lái từ các nơi khác xuống tận nơi đặt mua. Khi dê đạt trọng lượng từ 25kg trở lên thì liên hệ thương lái xuống bắt, có bao nhiêu mua bấy nhiêu, nhờ đó các hộ nuôi dê có thu nhập ổn định ” - anh Phan Thành Trung phấn khởi thông tin. 

Đối với dê sinh sản cho thu hoạch cả sữa và con giống, việc liên kết phát triển chăn nuôi dê giúp các hộ có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chăn nuôi với chất lượng giống tốt, đạt tiêu chuẩn, góp phần phát triển chăn nuôi dê theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.

Trong 2 năm do dịch Covid-19, việc chăn nuôi của gia đình anh Phan Thành Trung và nhiều hộ nông dân khác cũng bị ảnh hưởng. Giá cả xuống thấp do không bán được nên nhiều hộ cũng chán nản, e ngại trong việc tiếp tục chăn nuôi và mở rộng quy mô. “Đối với gia đình tôi, trong thời gian tới, nếu tình hình dịch Covid -19 được kiểm soát, ổn định thì tôi cũng muốn mở rộng thêm quy mô chăn nuôi. 

“Có thể nói, Quỹ HTND là niềm tin, tạo động lực giúp nông dân vững bước để phát triển kinh tế gia đình tăng thu nhập xóa đói giảm nghèo vươn lên khá giàu. Trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh phát triển Quỹ HTND các cấp, giúp hội viên, nông dân có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống; giúp Hội ND có thêm nguồn lực để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”.        
Ông Nguyễn Kỳ Tánh – Chủ tịch Hội ND xã Thanh Đức.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác