Quỹ HTND Thanh Hóa: Tiền đề xây dựng các mô hình kinh tế tập thể
Từ nhiều năm nay, thông qua nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá đã đầu tư cho vay theo dự án thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã, qua đó xây dựng thành công nhiều mô hình liên kết phát triển sản xuất hàng hóa, làm tiền đề cho việc tổ chức các hình thức liên kết, hợp tác trong sản xuất.
Tăng trưởng và quản lý chặt nguồn vốn hàng năm
Tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh là hơn 58,3 tỉ đồng, trong đó: Nguồn vốn ủy thác là 16,8 tỉ đồng, ngân sách tỉnh cấp là 22, 150 tỉ đồng, từ nguồn ủng hộ là hơn 19,3 tỉ đồng, bổ sung từ hoạt động là 52 triệu đồng. Tổng nguồn vốn tăng so với năm 2019 là gần 6 tỉ đồng. Với nguồn vốn đó, Hội Nông dân (ND) đã triển khai cho vay thông qua 817 dự án cho 3.117 hộ vay. Trong đó, dự án trồng trọt chiếm 31,8%, chăn nuôi chiếm 39,8%, thủy sản chiếm 11,4% và làng nghề chiếm 17%. Thực hiện điều lệ Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội ND một số đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc vận động, tăng trưởng nguồn vốn như Hội ND các huyện Nga Sơn, Đông Sơn, Thường Xuân, Như Xuân, TP. Thanh Hóa, Nông Cống, Bá Thước, Triệu Sơn,…
Để nguồn vốn ngày một tăng trưởng và phát huy hiệu quả, khi được cấp vốn, “Hội ND các cấp cần phải báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai thực hiện dự án. Xây dựng dự án phải bám sát Nghị quyết định hướng, chủ trương về phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đồng thời phải chọn những đơn vị có tổ chức hội vững mạnh, cán bộ có năng lực, nhiệt tình, công tâm, trách nhiệm. Đối tượng đầu tư phải phù hợp với điều kiện, tình hình của địa phương và nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Bình xét, lựa chọn hộ tham gia vay vốn phải đúng tiêu chí công khai, dân chủ, thẩm định kĩ lưỡng”, bà Hà Thị Lan Hương – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chia sẻ.
Xác định nguồn quỹ góp phần xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, Hội đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên như: Thông qua nguồn vốn cho người dân vay đầu tư sản xuất vận động người dân tích cực tăng gia sản xuất, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xúc tiến cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, cử cán bộ chuyên trách bám sát địa bàn, hỗ trợ ND tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ; xây dựng các mô hình trình diễn, phát triển sản xuất có hiệu quả… Qua đó, các hội viên, ND đã có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, tương trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.
Để công tác quản lý nguồn vốn Quỹ được tốt hơn, năm 2020 vừa qua, Hội ND tỉnh đã tiến hành tổ chức 3 lớp tập huấn cho 280 hội viên ND tham gia. Đặc biệt, Hội ND cấp huyện đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở về “Hướng dẫn quản lý tài chính Quỹ HTND tại Hội ND cấp xã”. Ngoài ra, Hội ND tỉnh còn chủ động phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao KHKT, công nghệ mới cho ND, trao đổi kinh nghiệm, cách làm ăn, thị trường tiêu thụ sản phẩm cho hàng ngàn lượt hội viên nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất về sử dụng nguồn vốn và kinh tế.
Nhiều mô hình kinh tế tập thể được hình thành
Điều kiện tiên quyết để được vay nguồn vốn Quỹ HTND là phải hình thành tổ hợp tác liên kết sản xuất và để được vay lần 2 thì phải thành lập hợp tác xã nên việc quản lý nguồn vốn ngày càng mang tính tập trung, dễ thực hiện và có tính chuyên nghiệp hơn. Đồng thời với điều kiện đó, ngày càng xuất hiện nhiều vùng canh tác sản xuất theo chuỗi liên kết tạo tiền đề cho việc hình thành các mô hình kinh tế tập thể.
Từ nguồn vốn Quỹ HTND đã xuất hiện những dự án kinh tế tiêu biểu như: Dự án “Đầu tư chế biến, xây dựng thương hiệu nước mắm Khúc Phụ” tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đã xây dựng thành công thương hiệu cho nước mắm Khúc Phụ; Dự án “Sản xuất miến gạo” tại xã Thăng Long trên sản phẩm miến gạo truyền thống của địa phương và xây dựng thành công Hợp tác xã Miến gạo Thăng Long tại huyện Nông Cống; Dự án “Trồng bưởi Luận Văn” đã góp phần khôi phục thành giống cây bưởi tiến vua ở xã Thọ Xương (Thọ Xuân); Dự án “Trồng cây mía tím” ở xã Thành Trực; Dự án “Sản xuất bánh gai Tứ Trụ” tại xã Thọ Diên (Thọ Xuân); Dự án “Ứng dụng công nghệ cao “trồng rau trong nhà màng” tại xã Nga An (Nga Sơn), “Trồng ổi Đài Loan” ở xã Thành Tâm (Thạch Thành), “Trồng cam Vinh năng suất cao” tại xã Xuân Trường (Thọ Xuân), “Cơ giới hóa trong gieo trồng cấy lúa” tại xã Quảng Lộc (Quảng Xương), “Chăn nuôi gà siêu trứng” ở thị trấn Thường Xuân… góp phần đưa giống mới, tiến bộ khoa học kĩ thuật vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Bá Vĩ – một trong những hộ sản xuất miến gạo có nhiều năm gắn bó với nghề cho biết: “Khi được các cấp Hội làm thủ tục cho vay vốn, tôi về đầu tư thêm máy để sản xuất. Nguồn nguyên liệu duy nhất để làm miến gạo là bột gạo (thường là gạo Khang Dân, Tạp giao, Yên Khương), ngoài ra không dùng thêm một chất phụ gia nào khác, nên rất đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngày thường, mỗi ngày gia đình tôi sử dụng 2 – 2,5 tạ gạo nhưng vào những tháng giáp Tết thì mỗi ngày dùng 4 – 5 tạ gạo. Mặc dù làm ngày, làm đêm nhưng miến ra đến đâu là hết đến đó. Trung bình mỗi tạ gạo lãi khoảng 150.000 – 200.000 đồng. Nhờ đó, gia đình có thu nhập đều đặn mỗi ngày mà không phải lo lắng nhiều”.
Qua nguồn vốn Quỹ, các hộ vay vốn luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm, dám nghĩ dám làm, dám mạo hiểm đầu tư và đầy tính sáng tạo, đầu tư sử dụng vốn đúng mục đích nên các dự án đều mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt.
Thông qua việc đầu tư cho vay các dự án, đội ngũ cán bộ các cấp Hội ND tỉnh Thanh Hoá có điều kiện sâu sát, giúp đỡ ND tiếp cận nguồn vốn thuận tiện hơn. Qua đó góp phần nâng cao vị thế Hội trong hệ thống chính trị, giúp hội viên ND nâng cao nhận thức về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tạo sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa tổ chức Hội với hội viên ND, thu hút được nhiều ND tham gia vào sinh hoạt Hội.
Bài, ảnh: Bùi Ánh