Sáng kiến hay của cán bộ Hội trong bảo vệ môi trường nông thôn
“Với mong muốn tạo thói quen cho người dân không vứt rác bừa bãi, giảm ô nhiễm môi trường; bổ sung nguồn phân hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp, cải tạo đất; giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, hướng tới việc sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ”, ông Phan Văn Khanh là cán bộ Hội Nông dân đã không ngừng tìm hiểu và đưa ra sáng kiến “hố phân vi sinh” nhằm giảm lượng rác thải ra môi trường vừa tạo ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho tất cả mọi người.
Việc xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng xanh – sạch – đẹp đòi hỏi người dân đồng lòng cùng thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen không vứt rác bừa bãi thì môi trường nông thôn sẽ trong lành hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần của người dân địa phương. Và để nguồn rác thải từ những phế phẩm trong nông nghiệp không bị lãng phí, ông Phan Văn Khanh đã cho ra đời sáng kiến “hố phân vi sinh” nhằm tận dụng tối đa những gì có trong sản xuất nông nghiệp tái sử dụng dưới một hình thức khác vừa tiết kiệm vừa giảm chi phí.
Để một hố phân vi sinh đạt hiệu quả cao trong quá trình ủ thì việc thiết kế phải đảm bảo 3 yêu cầu cơ bản đó là: Rút ngắn thời thời gian chuyển hóa giữa rác thành phân hữu cơ; Dễ xây dựng, sử dụng tiện lợi; Tốn ít kinh phí, nếu thành công triển khai đại trà được.
Chia sẻ về lí do cho ra đời sáng kiến kinh nghiệm, ông Phan Văn Khanh – Chủ tịch HND huyện Hương Sơn chia sẻ: “Có 2 lí do khiến tôi trăn trở để đi đến quyết định này đó là: Thứ nhất trong những năm qua ô nhiễm môi trường là một vấn đề bức xúc của cả nước nói chung của huyện nhà nói riêng, đây là một vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài mà hiện nay các hộ gia đình và các địa phương đang bế tắc trong việc xử lý, ở những nơi chưa có HTX môi trường người dân thường mang rác vứt xuống ao hồ, sông suối, hai bên vệ đường… đã làm ảnh hưởng cảnh quan và gây ô nhiễm môi trường. Thứ hai: Hiện nay việc sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn phân vô cơ, việc lạm dụng phân vô cơ quá mức đã để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe người tiêu dùng, ô nhiễm môi trường và là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thoái hóa đất. Nitrat dư thừa trong thực phẩm sẽ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng; ngấm vào mạch nước ngầm, sông, suối gây ô nhiễm nguồn nước; sự tích lũy cao các hóa chất ở trong đất làm ảnh hưởng đến lí tính của đất như đất bị nén chặt độ co trương kém, kết cấu vững chắc, không tơi xốp trở nên chai cứng, tính thông khí kém đi, vi sinh vật ít đi vì hóa chất hủy diệt vi sinh vật. Để giải quyết hai vấn đề này cần có một giải pháp mới, sau khi cân nhắc tôi đã lựa chọn phương án xây dựng hố phân vi sinh”.
Điểm đầu tiên để thử nghiệm đề tài là xã Sơn Giang. “Hố phân sinh” quy mô hộ gia đình với phương án làm hố nổi, tiết diện mặt đáy vuông, có lợp mái, thiết kế mặt đáy 1.5m x 1.5m; Cao 1.6m; cửa đổ rác 0.6mx 0.8m; cửa lấy phân 0.4m x 0.6m; nền bê tông cao hơn mặt đất xung quanh 0.15m; độ lệch mái trước ra mái sau 0.30m; lợp mái 2 tấm pro xi măng dài 1.8m; vật liệu xây dựng gạch tạp lô, xây xi măng Bỉm Sơn. Lượng rác tối đa của hố 2.5m3.
Sau khi thử nghiệm thành công, hầu hết các hội viên đều tham gia xây dựng hố phân vi sinh nhằm giảm lượng rác thải ra môi trường vừa tạo được nguồn phân bón cho việc đầu tư sản xuất nông nghiệp. Ngoài rác thải sinh hoạt người dân có thể thu gom thêm các loại phế thải hữu cơ khác như thân cây ngô sau khi đã thu hoạch bông, rơm rạ, bèo lục bình, cây phân xanh, các loại lá rụng thu gom được từ vườn nhà, đường làng, lối xóm, từ dọn thực bì rừng trồng, các loại phân gia súc, gia cầm… đều có thể đưa vào sản xuất phân vi sinh. Khi lượng rác trong hố được khoảng 0.2 – 0.3m thì rắc thêm một ít cám gạo hoặc bột sắn lên mặt trên sau đó dùng rỉ mật hoặc một ít đường đỏ hòa với chế phẩm sinh học Hatimic, dùng thùng doa hoa sen tưới đều lên bề mặt sao cho tất cả rác đều được ngấm nước men, phía trên rải một lớp phân chuồng, tưới chế phẩm sinh học; còn rác thì tiếp tục làm như vậy cho đến đầy hố, nếu không còn thì nén lại dùng bao đựng xi măng phủ kín sau khoảng 75 ngày thì rác sẽ thành phân vi sinh. Xây thí điểm tại hộ anh Nguyễn Đình Thuần thôn 7 Sơn Giang. Sau khi đi vào hoạt động chính thức, mỗi năm gia đình ông sản xuất được hơn 2 tấn phân vi sinh. “Sử dụng hố phân tại gia này nhà cửa và vườn tược sạch sẽ hẳn, kể cả ngõ xóm cũng vậy, cứ gom hết lá, cây vườn xung quanh rồi đi vớt bèo tây, phế phẩm nông nghiệp, phân thải trong chăn nuôi …đem vào ủ. Sản xuất hàng năm, gia đình tôi cũng giảm được hơn vài triệu tiền mua phân. Xây dựng hố phân vi sinh hộ gia đình vừa tạo ý thức thu gom rác thải vừa tận dụng được những phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp còn giảm được thêm chi phí mua phân sản xuất cho mùa vụ. Cũng từ việc làm này, gia đình tôi hầu như không đốt rác, không đốt rơm ngoài đồng ruộng làm ảnh hưởng đến môi trường…”, Ông Thuần cho biết thêm.
Sáng kiến “Hố phân vi sinh” của người cán bộ Hội đã được công nhận vào năm 2016 sau đó được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và nhiều huyện bạn đến tham quan học tập, đến nay đã được nhân rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh, riêng huyện Hương Sơn đã xây dựng được hơn 8.000 hố phân vi sinh.
Bùi Ánh