Say mật ong - “món quà” của rừng tràm U Minh
Trong bài vọng cổ Em gái U Minh của soạn giả Anh Tổng, có câu hát nhắc đến sự hình thành của mật ong: “Mây lững lờ trôi bướm trắng bay bay bông tràm vẫy gọi, bầy ong mật về đây hút mật tung cánh xôn xao khúc nhạc yêu đời…”.
Rừng U Minh có tổng diện tích khoảng 2.000km2 nằm giữa 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Rừng U Minh chia thành 2 khu vực rõ rệt là rừng U Minh Thượng (Kiên Giang) và U Minh Hạ (Cà Mau) được chia cắt bởi 2 con sông là sông Trẹm và sông Cái Tàu. Đây là khu rừng độc đáo và quý hiếm trên thế giới vì vẫn giữ được nét hoang sơ, rừng U Minh có sự đa dạng sinh học cao gồm 250 loại thực vật, 30 loài bò sát và 180 loài chim.
Rừng tràm U Minh hạ.
Với địa hình sông ngòi chằng chịt, đất và nước nhiễm mặn, cây tràm có điều kiện phát triển hợp lại thành những cánh rừng tràm bạt ngàn là nơi để bầy ong mật bay về làm tổ. Thường thì ong mật sẽ bay về khi hoa tràm nở rộ, bởi thời điểm đó ong có thể hút mật bông tràm tạo thành những giọt mật ngọt. Từ lúc ong làm tổ đến khi lấy được mật dao động trong khoảng 20 - 30 ngày. Tảng ong thường rất to, dính chặt trên thân cây tràm nằm nghiêng hay trên cây kèo của người thợ gác.
Một thương hiệu trứ danh
Đến U Minh trong một ngày giữa mùa nắng cháy, chúng tôi được dịp thưởng thức những giọt mật đặc quánh, sóng sánh màu hổ phách. Được biết ở U Minh quanh năm suốt tháng đều có thể lấy mật được, tuy nhiên, chỉ có mùa hạn (tức tháng nắng) thì mật ong mới “kẹo” (đậm đặc), ngọt thanh và sực nức mùi của bông tràm, còn mùa mưa thì mật ong loãng hơn, không ngọt, thơm bằng mật ong mùa nắng.
Giữa thời buổi nhiều người, vì đồng tiền, có thể làm mật ong giả (bằng đường là chủ yếu) để bán ra thị trường, hoặc nuôi ong mật hút nước đường hóa học làm mật, thì mật ong U Minh vẫn tạo được niềm tin đối với người dùng. Người U Minh xưa nay tự hào vì thương hiệu mật ong xứ sở. Mật ong U Minh có màu sắc bắt mắt (màu hổ phách), có độ sánh, có vị ngọt đậm đà nhưng không gắt mà rất thanh tao, thơm thoang thoảng mùi bông tràm, mùi của những cánh rừng quanh năm xanh um tạo thành hệ sinh thái đặc trưng cho mảnh đất cuối cùng đất nước. Bởi thế mật ong trở thành vị thuốc quý chẳng những giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chữa bệnh mà còn là loại mỹ phẩm đến từ thiên nhiên mà “phái đẹp” kiếm tìm.
Mật ong được kết tinh từ mật bông tràm, từ gió, sương, hương rừng U Minh, nói cách khác, đó là tinh túy của thiên nhiên đất trời, là sản phẩm của loài ong mật cần mẫn. Vì sự quý giá của nó nên người ta không ngại khi bỏ ra 500.000 - 700.000 đồng để mua về một lít mật ong rừng tràm U Minh. Giá mật ong U Minh xưa nay vẫn dao động trong khoảng đó, song mật ong mùa hạn thường đắt hơn mật ong mùa mưa (khoảng 600.000 - 700.000 đồng/lít). Điều quan trọng nhất là thương hiệu mật ong rừng tràm U Minh bay xa, là nỗi niềm khao khát của người phương xa ước ao một lần đến U Minh để thưởng thức mật ong, tận mắt chứng kiến cảnh lấy tảng ong, vắt những giọt mật nguyên chất đem về làm quà biếu.
Thương hiệu mật ong rừng tràm U Minh hạ, Cà Mau.
Ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… phát triển là điều kiện thuận lợi để người U Minh quảng bá thương hiệu mật ong quê mình đến bạn bè cả nước và quốc tế. Cô Đào Thị Linh (Giáo viên trường THPT U Minh, huyện U Minh) vừa bán, vừa quảng bá mật ong rừng tràm U Minh trên nền tảng Facebook cho biết, công việc bán mật ong nguyên chất cũng đem lại thu nhập cho tôi và nhiều người khác có nguồn thu nhập ổn định, ngoài ra đó còn là cách mà người U Minh thể hiện niềm tự hào về đặc sản quê mình.
Nghề gác kèo ong U Minh
Theo chân anh thợ gác kèo ong vào rừng, chúng tôi tận mắt chứng kiến cách anh thợ lấy tảng ong, vắt những giọt mật sóng sánh tại rừng tràm - nơi sản sinh ra thương hiệu nổi tiếng. Biết được đặc tính của loài ong mật thường đóng trên những cây tràm nghiêng, người thợ gác kèo ong đã sử dụng những thân cây tràm đã lột vỏ, đặt nghiêng trong rừng, dưới bóng mát của tràm đương độ trổ bông thơm nức. Ong mật bay về làm tổ trên cây kèo, hút mật hoa kết đọng thành những giọt mật thơm, tảng ong nặng dần và trĩu xuống. Khi đã thấy vừa vặn (theo kinh nghiệm của người thợ gác kèo ong), tảng ong được cắt đem về vắt mật.
Cắt kèo ong là công việc vô cùng khó nhọc, thậm chí nguy hiểm mà không phải ai cũng có thể làm được. Chúng tôi mạo hiểm theo anh thợ vào rừng sâu, trước khi đi phải trang bị thật cẩn thận, đồ bảo hộ là áo mưa, lưới trùm đầu. Anh thợ cũng trang bị những thứ đó, nhưng trên tay anh thợ có thêm bó đuốc (thường là xơ dừa đập nát bó lại để tạo khói, càng nhiều khói càng tốt). Đi lấy mật nên đi vào buổi sáng sớm hoặc xế chiều, khi đó gió ít, khói không bị gió thổi bay theo hướng khác, đồng thời cũng giảm rủi ro cháy rừng. Khói từ bó đuốc sẽ đuổi ong bay đi để lại tảng ong ứ mật. Người thợ gác kèo có thể lấy luôn cả tảng hoặc chỉ cắt phần có mật, chừa phần còn lại để ong làm tổ mới.
Gác kèo ong ở rừng U Minh hạ.
Khi đã đem được tảng ong trở về, chúng tôi tận mắt nhìn, tận tay vắt mật. Trung bình mỗi tảng ong sẽ cho ra 3 - 4 lít mật. Phần tảng ong không có mật sẽ được những bà nội trợ U Minh đem trụng cho rã ra, chế biến thành món gỏi ong non chua ngọt, cái vị chua ngọt của nước trộn hòa lẫn với vị béo ngậy của ong non làm thành một mùi vị hấp dẫn, khó có thể quên được. Nhìn chung, nghề gác kèo ong có thể giúp đời sống người U Minh ấm no hơn. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể theo nghề này được. Kinh nghiệm là điều quan trọng để có thể sống được với nghề. Về sau đã có nhiều người bỏ nghề gác kèo ong để sống bằng nghề khác, không phải vì họ không còn tha thiết với nghề mà hệ sinh thái ở U Minh ít nhiều bị biến đổi, nhất là khi diện tích rừng tràm ngày một bị thu hẹp dần.
Ngày nay, trước sự biến đổi của khí hậu, nhiều người dân U Minh đã nhận thức được điều đó, họ đã tích cực trồng cây gây rừng, giữ lấy màu xanh của tràm, giữ lấy những cánh rừng mênh mông và giữ lấy thương hiệu mật ong rừng tràm U Minh, để thương hiệu ấy ngày một lan xa hơn nữa.