Đặc sản quê

Nghệ An: Nâng tầm sản phẩm OCOP từ việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm

Bùi Ánh - 09:50 13/12/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Sau thời gian triển khai Chương trình OCOP, đến nay, Nghệ An có 634 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên (bao gồm 602 sản phẩm đạt 3 sao, 31 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao) đứng thứ hai cả nước (sau thành phố Hà Nội) và có 2 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao đã hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương đánh giá, công nhận. Dự kiến từ nay đến hết năm sẽ công nhận thêm được 90 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên, đưa số sản phẩm công nhận trong năm 2024 lên 173 sản phẩm so với kế hoạch 82 sản phẩm (đạt 210,9% kế hoạch).

Nhiều giải pháp được triển khai nhằm nâng tầm sản phẩm OCOP

Chương trình đã hỗ trợ các chủ thể xây dựng và từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường qua các chính sách hỗ trợ. Các sản phẩm sau khi tham gia chương trình đều tăng về doanh số bán hàng cũng như quy mô sản xuất. 

Đồng thời, chương trình này cũng đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế nông thôn cũng như cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Nhìn chung, về cơ cấu sản phẩm đạt chuẩn, nhóm thực phẩm có 530 sản phẩm chiếm tỷ lệ lớn nhất (83,6%). Nhóm đồ uống 36 sản phẩm, chiếm 5,2%. Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu có 32 sản phẩm chiếm 5,1%. Nhóm hàng thủ công, mỹ nghệ có 28 sản phẩm (chiếm 4,4%). Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch có 11 sản phẩm (chiếm 1,7%)...

Việc tuân thủ nguyên tắc vệ sinh thực phẩm góp phần đảm bảo an toàn cho người sử dụng

Với các sản phẩm OCOP ở lĩnh vực thực phẩm được công nhân 3 sao trở lên đòi hỏi công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cần được chú trọng và đặt lên hàng đầu. Do đó, tỉnh Nghệ An đã xây dựng chương trình, kế hoạch để các chủ thể các sản phẩm OCOP được hướng dẫn phương pháp, giới thiệu quy định liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và xây dựng tem, nhãn hàng hóa.

Hàng năm, Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã tổ chức các chương trình tập huấn nhằm xây dựng sản phẩm ngày càng tốt và chất lượng hơn, thông tin sản phẩm minh bạch, chính xác hơn, đặc biệt là công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm. Nhờ đó, các chủ thể tham gia đã ý thức hơn về vấn đề này vừa nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng vừa khẳng định thương hiệu sản phẩm.

Nguyên tắc 5S tại Nhà máy sản xuất của Công ty CP Thực phẩm Tứ Phương hướng đến sản xuất phải đảm bảo vệ sinh.

Để rõ hơn về vấn đề này có thể điểm qua nguyên tắc sản xuất sản phẩm Giò bê Tứ Phương của Công ty CP Thực phẩm Tứ Phương (thành phố Vinh). Với quy trình 5S tại nhà máy “Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng” là những yếu tố để thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc tuân thủ chất lượng đầu vào sản phẩm sạch, đạt chất lượng sẽ là “đòn bẫy” để thương hiệu Giò bê Tứ Phương vươn xa.

Hiện nay, Công ty CP Thực phẩm Tứ Phương có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (giò bê và xúc xích), 1 sản phẩm 3 sao (giò lụa). Bình quân mỗi năm Công ty sản xuất hơn 200 tấn thành phẩm ở các dòng sản phẩm, giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 100 lao động. Hiện các sản phẩm của Tứ Phương đã có mặt khắp các tỉnh thành cả nước, riêng sản phẩm nem kẹo, giò bê đã có mặt ở các siêu thị Lotte. Sang năm 2025, Tứ Phương hướng đến xuất khẩu các sản phẩm qua thị trường Nhật Bản, Thái Lan,..

Nghệ An hiện có 634 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên

Qua trao đổi, anh Đào Văn Thịnh, Quản đốc nhà máy sản xuất cho biết: Hàng năm, Công ty liên kết với các đơn vị chăn nuôi để thu mua nguyên liệu đầu vào và các đơn vị cung cấp phải tuân thủ cam kết với Công ty như quá trình chăn nuôi phải đảm bảo an toàn, độ tuổi bê, chất lượng thịt, số lượng... Trước khi nhập hàng Công ty lấy mẫu đi kiểm nghiệm xem có đạt chất lượng theo tiêu chuẩn. Đặc biệt, nhà máy được đầu tư công nghệ hiện đại với quy trình sản xuất khép kín, một chiều nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh.

Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, chương trình này khuyến khích phát triển kinh tế có tính liên kết tập thể, kinh tế tư nhân và thúc đẩy chương trình khởi nghiệp ở nông thôn./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác