Đặc sản quê

Mát ngọt vị hến sông La làm say đắm lòng người

Đức Cảnh - 10:30 31/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Bến Hến hay làng Hến ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh là cái tên gắn với nghề cào hến của người dân nơi đây. Theo truyền ngôn, không ai biết nghề cào hến ở làng này chính xác có từ bao giờ, chỉ biết khi sinh ra đời con nối tiếp đời cha ông gìn giữ nghề như “bảo bối gia truyền”.

Tôi trở về quê trong chút gió phơn thổi từ Lào về đã "cuối vụ". Chút nắng hanh vàng của mùa thu trải dọc triền đê La Giang như bức thảm mênh mông. Phía bên tả của thị trấn Đức Thọ, một sông La mềm mại chảy qua làng. Với bao bát ngát của nương dâu, ruộng lúa, của những vườn cải hoa vàng mênh mang bên mép sóng.

Trong ngôi nhà hai tầng khang trang mới xây và ngôi nhà ba gian gỗ lim truyền thống đã được đánh vecni bóng loáng cả không gian chiều. Chủ nhân ngôi nhà là ông Thái Kim Đồng, 71 tuổi. Tuy lứa tuổi đã “xưa nay hiếm”, nhưng ông Đồng còn gánh vác trách nhiệm cùng xã hội với chức vụ Bí thư Chi bộ thôn Bến Hến, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Hến sông sau khi khai thác về được người dân làng nghề đãi thật sạch trước khi luộc

Nằm trong lưu vực của sông Lam và sông La xã Trường Sơn tựa mình vào dãy Thiên Nhẫn với biết bao đền đài, miếu mạo như đền Kim Quy, đền Trúc, miếu Ông, miếu Bà…với bao cảnh quan non nước hữu tình. Như câu thơ của tác giả Duy Thảo đã lột tả: “Thiên Nhẫn trùng trùng soi bóng bến Tam Soa…”

Suốt trong tiến trình lịch sử, con người nơi vùng đất này đã hăng say lao động, bền bỉ sáng tạo để vở đất, khai khẩn ra những xóm làng trù phú như: Vĩnh Khánh, Ninh Thái, Vạn Phúc Trung, Vạn Phúc Đông, Cửu Yên, Văn Hội; Bến Hầu, Bến Hến…

Địa hình nơi đây khá đa dạng. Phía Tây có đỉnh Mồng Gà cao 200m và các rú Tằm, động Cháy, cổ Ngựa, động Trửa, động Dài, núi Mâm Xôi…Bắt nguồn từ eo cổ Ngựa, là khe nước ngọt Nhà Thầy chảy ngoằn nghèo đổ ra sông La đẹp như một nét vẽ. Khe Nhà Thầy là một trong ba khe nước ngọt tốt nhất vùng Nghệ Tĩnh. Bà con múc về, uống trực tiếp mà không lo ô nhiễm môi trường, không lo đau bụng hoặc tiêu chảy. Khe Nhà Thầy uống đến đâu mát và hạ nhiệt đến đó, là một món quà tặng từ mẹ thiên nhiên.

Là địa phương ruộng ít, người đông, bà con trong xã đã làm và phát triển nhiều ngành nghề, như: Đóng tàu thuyền đan dè cót, nghề cào hến trên sông La, nghề đốt vôi, nghề bún bánh để nuôi sống con người và phát triển quê hương.

Người dân tất bật với công việc luộc hến

Nghề cào và chế biến hến không ai nhớ rõ năm nào?. Nhưng theo truyền ngôn cha ông để lại, cũng phải có cách đây trên 300 năm. Tương truyền, xưa có một học sinh nghèo hiếu học của làng một mình liều qua núi Linh Cảm để thi hương. Cứ ba năm, nhà vua tổ chức thi hương một lần, nhằm tìm kiếm người tài, người giỏi ra làm việc giúp dân, giúp nước. Khi người học trò nghèo ấy thi đỗ và được cấp chứng chỉ thì về quê để vinh quy bái tổ. Lạ thay, cả dân làng không ai đón, rước vị trạng nguyên về làng, buộc chàng phải lội qua sông La. Trong chuyến lội sông, chẳng biết do vô tình hay hữu ý, chàng lấy một hòn đá, buộc chặt vào chứng chỉ vua ban. Quá trình lội sang sông, chứng chỉ và cục đá rơi xuống sông La mênh mông cát, mênh mông nước. Bà con ở sát sông La, hò nhau xuống sông tìm mò, hy vọng vớt được cục đá và chứng chỉ của chàng. Hàng trăm bà con tìm mò suốt ba ngày nhưng chứng chỉ của vị quan trẻ vẫn “biệt vô âm tín”. Thay vào đó, bà con bắt được rất nhiều con hến nằm ẩn sâu, im lìm trong cát. Bà con mang hến về luộc ăn, thấy ngon, ngọt và bổ dưỡng. Nghề cào hến được hình thành từ đó.

Sau mấy chục năm ăn nên làm ra từ nghề cào hến, bà con bàn nhau lập nên Đền Làng Cào ngay bên bờ tả sông La để thờ ông quan và xem ông quan nọ là Thành Hoàng Làng. Ngày giổ của Thành Hoàng Làng vào ngày 20/3 âm lịch, bà con tổ chức chèo hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ ra giữa sông La vái lạy, thả hương, hoa, nổ, cháo và hến xuống sông. Bà con tổ chức làm một thuyền bằng xốp, rộng chừng vài mét vuông, trên thuyền đựng lễ vật như: Trầu, cau, xôi, thịt, hến, nổ, hoa tươi…thả thuyền trôi dọc sông để cầu mưa thuận gió hoà, cầu cho quốc thái, dân an, hến nẩy nở sinh sôi nhiều…

Ông Lê Kim Cúc năm nay 65 tuổi, là một thợ cào hến của làng, đọc cho tôi những câu thơ viết về hến như:

“Trưa hè nghe vắng tiếng rao

À ơi ! Hến Thượng nôn nao tìm về”

Hoặc như:              

    “Chính tôi đây là hến

Cha mẹ sinh ra giữa đất sông La

Vỏ xù xì nhưng ruột trắng như ngà

Thân bé bỏng nhưng trong đầy nhuệ khí…”

Theo ông Thái Kim Đồng, sở dĩ hến sông La ngon, ngọt, thơm mát nổi tiếng nhất vùng Nghệ An và Hà Tĩnh là nhờ nguồn nước quanh năm xanh trong, dọc sông có hàng chục mỏ cát, bãi cát vàng và sạch là loại cát tốt nhất trong xây dựng nhà cửa, công trình kiến trúc. Những gia đình khá giả ở thành phố Hà Tĩnh, vẫn vượt 50 đến 100km ra Đức Thọ lấy cát về xây dựng.

Công việc đãi hến lấy ruột sau khi luộc

Sông La có chiều dài khiêm tốn với 15km, chiều rộng trung bình khoảng 800m– Nơi rộng nhất cũng chỉ 1.200m. Nơi hẹp nhât của sông La chừng 500m. Sông La chạy giữa đôi bờ bát ngát nằm trọn trong châu thổ huyện Đức Thọ, bắt nguồn từ bến Tam Soa và kết thúc ở ngã ba Tuần, nơi gặp gỡ giữa sông Lam và sông La. Tuy chiều dài khiêm tốn nhưng sông La có hai lưu vực rộng lớn là sông Ngàn Sâu và sông Ngàn Phố.

Sông Ngàn Sâu hay còn gọi là Thâm Giang. Sông chảy vòng vèo qua hàng trăm thác ghềnh, bắt nguồn từ đỉnh ông Giao cao 1100m của dãy Trường Sơn, giáp biên giới Việt- Lào. Dòng Ngàn Sâu, hội tụ từ nhiều nguồn nước như: Rào Nổ, Ngàn Trươi, Sông Tiêm, Hói Trùng…tạo nên một lưu vực khoảng 2.000km2, có lượng nước hàng tỷ mét khối nước dồn về sông La. Mùa mưa lũ, với chiều dài 175km, sông Ngàn Sâu đổ hàng triệu mét khối nước, tạo nên một lớp phù sa và cát dày, là nguồn thức ăn, nơi sinh sống và phát triển cho con hến sông La được béo, ngọt.

Sông Ngàn Phố có chiều dài khiêm tốn hơn. Chỉ khoảng 100km chiều dài, hơn 200m chiều rộng phía hạ lưu, nước chảy về xuôi quanh năm như giải lụa. Sông Ngàn Phố được bắt nguồn từ núi Đột Cốt, sườn đông của dãy Trường Sơn. Ngàn Phố hay còn gọi là Phố Giang, nhận nước của rất nhiều khe suối, như: Sơn Kim, Sơn Hồng, Sơn Tây, Sơn Diệm, Quang Trung, Sơn Hàm, Sơn Hà, Sơn Tân, Sơn Lĩnh hội tụ về bến Tam Soa đổ vào sông La hàng chục triệu mét khối nước.

Sông La tuy chiều dài khiêm tốn nhưng nhận nước từ sông Ngàn Sâu và sông Ngàn Phố rất lớn, tạo cho dòng sông thuận lợi về mọi mặt. Dáng dấp của sông La rất nên thơ, đẹp như sông Hương đoạn chảy qua thành phố Huế. Nguồn thức ăn phong phú, với thảm cát vàng sạch sẽ là điều kiện cho con hến trú ngụ, sinh sôi và nẩy nở tạo nên một món ngon mang tính đặc sản hiếm nơi có được. Hàng năm, sông La bồi đắp cho những cánh đồng bát ngát bao la của huyện Đức Thọ. Chẳng thể mà những câu ca:

“Ai về Đức Thọ thì về

Nước trong gạo trắng dễ bề làm ăn”

Chiều đã muộn, tôi theo chân ông Thái Kim Đồng ra sông La. Ông vui mừng cho biết: Thôn Bến Hến, xã Trường Sơn có hình vuông. Mỗi cạnh của thôn có chiều dài 250m – Nói về diện tích có lẽ là thôn bé nhất Việt Nam. Một xóm hình vuông với diện tích 6.250m2 mà trong đó chứa 200 hộ và gần một ngàn nhân khẩu. Đường trục của thôn rộng nhất 3m, đường ngõ xóm tuyệt đại đa số từ 1 đến 1,5m. Kinh tế của thôn phát triển, trên 100 ngôi nhà cao tầng của thôn mọc lên. Cả xóm không nhà ai mua ô tô vì đường hẹp, sân hẹp, ô tô không vào được.

Hến thơm ngon hơn bởi luộc nước sông La

Xóm Bến Hến, đã có lịch sử cào hến và chế biến hến trên 300 năm. Việc phân công lao động tuy không có văn bản, nhưng gần như thành quy luật của đời cha ông để lại. Ban ngày hoặc lúc nước rặc (nước nhỏ) đàn ông, con trai làm nhiệm vụ cào hến. Cả làng ăn cơm tối khi 17 giờ chiều. Khoảng 18h, nhiều nhà và đặc biệt là phụ nữ đã đóng cửa ngủ im lìm. Khi các xóm bên tắt điện đi ngủ, khoảng 12h đêm, các bà, các chị đã thức dậy ra bến sông nhóm lò luộc hến. Một dãy bờ sông chừng hơn trăm mét đã có khoảng ba đến bốn chục cái lò bập bùng lửa. Dụng cụ nấu hến gồm một cái lò đốt bằng củi, một cái chảo gang có đường kính nhỏ nhất 1m, có chiều sâu khoảng 30 cm. Bà con đổ vào chảo chừng 2 lít nước sạch, đổ một thúng hến vào đậy nắp và đun sôi. Khi con hến tách vỏ làm đôi là được. Bà con đổ hến vào một cái thúng rất to, phía dưới hứng một thùng loại 30 lít để lấy nước cốt hến.

Bà con lần lượt đưa từng mẻ hến xuống sông. Khi nước sông La trong vắt, xâm xấp đầu gối là bà con chao hến vòng tròn trong thúng với mục đích tách ruột hến và vỏ. Phần ruột hến, người ta đựng vào một thúng riêng. Phần vỏ hến bà con đỗ lên bờ để bán cho bà con làm nghề đốt vôi.

Cứ thế, từ nữa đêm đến tưng mững sáng, khi bình minh chưa rõ nét ở phía đàng đông, bà con đã đãi xong từ năm đến sáu nồi hến đểkipj phiên chợ. Tang tảng sáng, có cả trăm bà và chị với quang gánh thúng mủng, với xe đạp, xe máy đã tấp nập ở bến sông để vận chuyển hến đi các chợ trong huyện Đức Thọ, như: Chợ Hôm, chợ Thượng, chợ Trổ, chợ Bàu, chợ Giấy, chợ Chay, chợ Đồn; Và các chợ khác thuộc các huyện như Can Lộc, Thạch Hà, Vũ Quang, Hồng Lĩnh, Hương Sơn.

Đi chợ xa, các chị thường đi bằng xe máy, ngoài hàng hoá là hến, chị em thường chở thêm rau hẹ, giá đỗ, rau vặt và cà muối xổi để nấu, ăn kèm. Chẳng thế, ca dao, tục ngữ vùng Đức Thọ có câu:

“Kéo gỗ thì phải có đà

Ăn cơm canh hến có cà mới ngon”

Nghề cào hến và chế biến có hàng trăm năm với bà con xóm Bến Hến, nhưng nay cũng có mai một dần. Từ chổ trên 200 gia đình nối nghiệp nhau làm nghề cào hến, nay chỉ còn lại không quá 50 gia đình. Một phần, vài chục năm nay, con em lớn lên thường thoát ly đi xuất khẩu lao động cải thiện đời sống bản thân và gia đình. Phần khác, cát ở sông La ít dần, sông sâu không thích hợp với nơi trú ngụ, sinh sôi nẩy nở của hến. Cả làng chật chội hơn phố cổ. Đường làng, ngõ xóm ô tô không vào được, làm cho một bộ phận thanh niên lớn lên, thành lập gia đình họ mua đất nơi khác sinh sống, có đường rộng để…ô tô vào tận sân

Ruột hến sau khi bóc tách khỏi phần vỏ

Trời hừng sáng, bà Lê Thị Bích năm nay đã 62 tuổi đang soạn gánh để sang chợ Hôm bán. Bà trao cho tôi và ông Đồng hai đọi nước hến cốt đang bốc hơi nghi ngút (uống nước hến không ai uống bằng cóc, bằng ly. Bà còn đổ vào cái bát ăn cơm, mà dân địa phương quen gọi là cái đọi) rồi cất tiếng: Mời chú uống nước hến cốt để tôi kịp sang chợ…

Húp bát nước hến cốt, tôi cảm giác như được thưởng thức hương vị của trời, của đất, của cát vàng, của dòng nước sông La trong vắt và ngọt lịm. Trong bát nước hến ấy, như có cả gió phơn từ Lào thổi về và cả hương thơm tình cảm của bà con xóm Bến Hến dành cho thực khách.

Bà Bích quẩy gánh hến đi, tôi có cảm giác như bà quẩy cả bình minh sang chợ Hôm giữa trời thu gió lộng./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác