Hà Tĩnh: Gần 200 đại biểu tham dự, chia sẻ kinh nghiệm trong kết nối và tiêu thụ sản phẩm từ kinh tế tập thể
Dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam và ông Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Đặc biệt, sự hiện diện của 14 liên minh hợp tác xã các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Đắk nông, Đắc Lắc, Đà Nẵng, Yên Bái, Bắc Ninh, Sơn La, Thái Nguyên và gần 200 đại biểu HTX đại diện cho tinh thần đoàn kết, hợp tác của lĩnh vực KTTT tại hội nghị.
Thúc đẩy kết nối, liên kết
Hà Tĩnh hiện có 975 Hợp tác xã (HTX); 2.538 Tổ hợp tác (THT) và 3 Liên hiệp HTX với 107.159 thành viên. Nhiều HTX, THT tham gia sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, sản phẩm HTX cũng đa dạng mang phong cách đặc trưng, chủ lực của tỉnh, như: Nhung hươu, mật ong, nem chua, cam, bưởi, gạo, thủy hải sản…. Trong đó, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh, hiện có 66 sản phẩm của HTX và THT đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao.
Đáng chú ý, nhiều HTX đã tham gia bán hàng qua sàn giao dịch Sendo, Lazada, Postmart. Hiện nay, một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) tham gia hỗ trợ các HTX trên địa bàn tỉnh quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm và đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân địa phương về bán hàng trực tuyến hiệu quả, như: Sàn thương mại điện tử Hatinhtrade.com.vn của Sở TTTT quản lý; Sàn hatiplaza.vn do Sở Công thương quản lý; Sàn dacsanhatinh.vn do Văn phòng nông thôn mới tỉnh quản lý; Sàn Postmart của Bưu điện tỉnh và sàn khác như: Shoppe, Lazada.
Mặc dù vậy, theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh, các sản phẩm của HTX, THT hiện nay của tỉnh tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử vẫn còn ít, số lượng sản phẩm được quảng bá và bán ra còn rất hạn chế; nhiều HTX còn chưa áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, không ít sản phẩm của HTX, THT đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nhưng để đưa ra thị trường vẫn hết sức khiêm tốn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ mong muốn, các tỉnh bạn, các địa phương, đơn vị chia sẻ kinh nghiệm về vai trò của mình trong công tác hỗ trợ các HTX, THT tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh, sự đồng hành trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, THT trong thời đại công nghệ số từ đó có những giải pháp đưa sản phẩm HTX ra thị trường các tỉnh và vươn xa thế giới.
Được biết, trong những năm qua, Liên minh HTX các tỉnh, thành phố đã tích cực hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tập trung xúc tiến thương mại như tổ chức và tham gia các hội chợ, diễn đàn xúc tiến thương mại trong và ngoài địa phương để trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kết nối tiêu thụ; tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; tổ chức các đoàn đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm; hỗ trợ cập nhật sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lên sàn giao dịch thương mại điện tử...
Một số liên minh HTX đã tổ chức các điểm trưng bày, tiêu thụ sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác; xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; giữa một số liên minh HTX các tỉnh, thành phố đã xây dựng được mối quan hệ liên kết để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Bắt nhịp xu thế 4.0 đưa sản phẩm vươn xa
Tham gia chia sẻ tại diễn đàn, nhiều ý kiến đại biểu có chung quan điểm, thừa nhận dù đạt được nhiều kết quả trong công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm kinh tế tập thể thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn có những bất cập và khó khăn. Một trong những vấn đề nổi lên, như: Nguồn lực phân bổ cho liên minh HTX còn hạn chế; liên kết tiêu thụ sản phẩm cho khu vực kinh tế tập thể giữa liên minh HTX các tỉnh, thành phố còn quá ít, chưa tạo thành mạng lưới đủ mạnh; việc kết nối giữa các mô hình kinh tế tập thể với nhau và với các loại hình doanh nghiệp khác còn ít, chưa bền vững.
Bàn về giải pháp, ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, chia sẻ: Trong xu hướng hội nhập và cách mạng công nghệ 4.0, khu vực KTTT, HTX không thể đứng ngoài cuộc trong chuyển đổi số và áp dụng số. Đây là nhiệm vụ, Liên minh HTX tỉnh cần quan tâm chỉ đạo thực hiện nhằm hỗ trợ tích cực cho các HTX tiến hành chuyển đổi số trong quản lý chất lượng và trong sản xuất kinh doanh, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, thực hiện thương mại điện tử đối với các sản phẩm hàng hoá chủ lực của tỉnh.
Ở tỉnh Bắc Giang hiện có 1.164 HTX, trong đó: HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản là 773 HTX (chiếm 66%); lĩnh vực phi nông nghiệp là 371 HTX (chiếm 32%); Quỹ tín dụng nhân dân là 20 Quỹ (chiếm 1,7%). Khu vực KTTT, HTX tỉnh Bắc Giang từng bước phát triển ổn định, tăng nhanh về số lượng HTX, chất lượng hoạt động được nâng lên, khẳng định được ưu thế và vai trò, đóng góp quan trọng vào kinh tế - xã hội của địa phương.
Đại diện lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, nhìn nhận: “Xúc tiến thương mại, liên kết, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm trong khu vực KTTT, HTX là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có tác động mang tính quyết định đến sự phát triển của các HTX. Theo đó, Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang mong muốn Liên minh HTX các tỉnh, thành phố cùng nhau tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện Chương trình phối hợp hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối và tiêu thụ sản phẩm cho các HTX. Đặc biệt, thông qua các phương tiện, nền tảng trực tuyến trong thời đại công nghệ số”.
Dự, phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đánh giá cao Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động triển khai Chương trình 503 trong việc hỗ trợ, hướng dẫn các HTX tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cả truyền thống và hiện đại, tạo điều kiện để các HTX trong tỉnh được giao lưu, liên kết, hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Việc các liên minh HTX cùng nhận diện rõ những khó khăn, thách thức cũng như thống nhất tìm ra các phương thức liên kết hiệu quả, thiết thực có thể thúc đẩy kết nối với nhau nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cũng đề nghị Liên minh HTX Hà Tĩnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX; chủ động làm tốt công tác hỗ trợ, tư vấn thành lập mới các HTX, công tác phát triển thành viên; Tổ chức đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại; thường xuyên có các chương trình kết nối thông tin về xúc tiến thương mại trên nền tảng số; hỗ trợ HTX tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh cho HTX.
Nhân dịp này, Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, kết nối tiêu thụ sản phẩm với liên minh HTX 14 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, 3 HTX trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 5 HTX thuộc các tỉnh, thành phố.
Trước đó, ngày 22/8, trong khuôn khổ chương trình của Hội nghị, các đại biểu về dự đã được tham quan nhiều mô hình kinh tế tập thể tại Hà Tĩnh và đánh giá cao hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng.