Sẽ bỏ khai báo y tế nội địa, rà soát, đánh giá xử lý chất thải y tế trong phòng, chống dịch COVID-19
Rà soát, đánh giá xử lý chất thải y tế trong phòng, chống dịch COVID-19
Sáng 26/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, TPHCM về giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu rà soát, đánh giá toàn diện công tác xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm trong phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá việc triển khai các văn bản, hướng dẫn xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19; phương án quản lý hỗ trợ, thu gom chất thải lây nhiễm tại cộng đồng, nhất là việc tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân phân loại chất thải lây nhiễm y tế một cách thuận lợi như có túi rác, thùng rác riêng biệt;…
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay có 38 tỉnh, thành phố thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế lây nhiễm tại các bệnh viện. Tuy nhiên, lượng chất thải phát sinh rất ít tại trạm y tế xã, cơ sở y tế quy mô nhỏ, phân tán nên khó khăn, chi phí cao trong việc thu gom, vận chuyển.
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho hay, việc thu gom, vận chuyển chất thải y tế, chất thải lây nhiễm của những hộ gia đình có người nhiễm COVID-19 không được giám sát đầy đủ do thiếu nhân lực, phương tiện thu gom.
Ông Hiền cũng cho biết, toàn quốc hiện có hơn 80 cơ sở xử lý chất thải có chức năng xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm. Bên cạnh đó là hệ thống các cơ sở xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế đủ năng lực xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm liên quan đến dịch COVID-19.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngay từ đầu dịch, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm tại các cơ sở y tế, cộng đồng, người dân, cũng như trách nhiệm của địa phương trong tổ chức kế hoạch thực hiện, bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Qua thực tiễn phòng, chống dịch, nhiều kinh nghiệm, bài học đã được rút ra trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm.
Thời gian tới Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát, đánh giá lại các văn bản, hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm; tổ chức quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện.
"Chúng ta phải cần sẵn sàng tình huống có dịch bệnh mới trong tương lai hoặc khả năng xuất hiện các đợt dịch mới, các biện pháp y tế, trong đó có xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm phải làm tốt hơn trước", Phó Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế: "Sẽ bỏ khai báo y tế nội địa"
Sáng 26/4, phát biểu tại hội nghị trực tuyến quán triệt việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác triển khai Đề án 06, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ vừa giao cơ quan chức năng phổ biến việc bỏ khai báo y tế nội địa. Tuy nhiên, hiện chưa rõ vào thời điểm nào có thể bỏ khai báo y tế.
Theo GS Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế cũng đã giao Cục Y tế Dự phòng và sẽ có văn bản hướng dẫn gửi tới các địa phương về vấn đề này. Qua đây, Việt Nam cũng sẽ từng bước tiến tới bình thường hóa sau dịch COVID-19.
"Việt Nam không còn áp dụng truy vết dịch tễ và đang trở lại cuộc sống bình thường, vì vậy không còn áp dụng khai báo y tế nội địa", ông Long cho biết.
Trước đó, khai báo y tế là một trong 5 nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19 được Việt Nam áp dụng trong 2 năm qua (5K). Ngoài khai báo y tế, 5K còn bao gồm khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách và không tụ tập.
Hành khách khai báo y tế tại Sân bay Nội Bài. Ảnh Cảng HKQT Nội Bài
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chia sẻ, hiện nay chúng ta đã tổ chức thành công Chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên thời gian gần đây tốc độ tiêm chủng đang chậm lại. Việc tiêm mũi 1, mũi 2 với người lớn cơ bản đã hoàn thành 100% nhưng việc tiêm mũi 3 hiện đang chậm. Trong khi không có tình trạng thiếu vaccine tại các địa phương. Vì vậy, Bộ trưởng Long đề nghị các địa phương triển khai nhanh Chiến dịch tiêm chủng vaccine, phải hoàn thành tiêm mũi 3, hoàn thành việc tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II.
"Hiện nay tốc độ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi rất chậm, được khoảng gần 1 triệu mũi tiêm mặc dù đã triển khai hơn nửa tháng. “Chúng ta còn rất ít thời gian nên cần phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết,
Bảo Minh (tổng hợp)