Nông nghiệp

Sơn La được mùa cà phê nông dân phấn khởi

Trọng Binh - 10:58 18/11/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Vụ cà phê năm nay của tỉnh Sơn La cho năng suất cao. Hiện nay, người trồng cà phê đã chủ động đầu tư chế biến sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cà phê Sơn La đã được xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Đức.
Nông dân xã Chiềng Ban (Mai Sơn) phấn khởi vì cà phê được mùa, được giá.

Vụ cà phê "3 được"

Sau nhiều năm liên tục đối mặt với điệp khúc “được mùa, mất giá” hay “được giá, mất mùa”, năm nay, người trồng cà phê ở Sơn la đang rất vui mừng bởi có tới “3 được”, đó là: được mùa, được giá và được bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.

Xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn) được coi là "thủ phủ" cà phê của tỉnh Sơn La. Năm 2021, ước tính tổng diện tích trồng cà phê của xã khoảng 1.250ha, lớn nhất của tỉnh. Ông Lèo Văn Giót (bản Sàng, xã Chiềng Ban) vui vẻ nói: Gia đình tôi trồng hơn 2ha cà phê. Năm nay, thời tiết thuận lợi, cà phê được mùa nên dự kiến sẽ cho thu khoảng 30 tấn quả tươi, cao hơn 10 tấn so với năm 2020. Hiện, thương lái thu mua quả cà phê tươi giá từ 10 - 11 nghìn đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020, hạt cà phê khô giá từ 50-53 nghìn đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020. Nếu giá cà phê ổn định, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi sẽ thu được 250 triệu đồng.

Mùa cà phê cũng tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động ở các địa phương lân cận đến hái quả thuê. Anh Lò Văn Kiểm, xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, nói: Tôi được chủ vườn trả 2.000 đồng/kg tiền công hái; trung bình mỗi ngày đi hái cà phê thuê, tôi được khoảng 200.000 đồng.

Các doanh nghiệp, HTX đã nỗ lực liên kết với nông dân và đầu tư máy móc chế biến sâu.

Quả cà phê thu hái đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó; nhiều hộ còn hợp đồng với các doanh nghiệp chế biến bao tiêu sản phẩm nên người trồng cà phê không còn lo đầu ra như các năm trước. Ông Vũ Xuân Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh (Mai Sơn), thông tin: Cà phê năm nay được mùa, được giá, vì vậy ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã chủ động làm việc, bao tiêu sản phẩm cà phê cho bà con.

Phát triển bền vững cây cà phê

Ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hội Cà phê tỉnh Sơn La, cho biết: Giá cà phê năm nay cao nhất trong 5 năm gần đây. Một phần do nhu cầu tiêu dùng của khách hàng tăng; sản lượng cà phê trên thị trường đang dần ít đi do một số vùng trồng cà phê trên thế giới bị ảnh hưởng của thời tiết và biến đổi khí hậu, làm cho năng suất cà phê không đạt như mong muốn. Bên cạnh đó, giá xăng, dầu, điện... cũng tăng, kéo theo cà phê cũng tăng giá theo xu hướng thị trường.

Sau 3 tháng kể từ khi bước vào vụ thu hoạch năm nay, nông dân Sơn La đã thu hái cà phê quả tươi đạt khoảng 120.000 tấn; số chưa thu hoạch hiện còn khoảng 60.000 tấn sẽ tiếp tục được thu hái từ nay đến tháng 1 năm sau. Cà phê năm nay được mùa, được giá (cà phê quả tươi giá bán dao động từ 12.000 – 14.000 đồng/kg), nên người trồng cà phê ở Sơn La rất phấn khởi. Đặc biệt, nhờ liên kết giữa nhà máy và vùng sản xuất nên các doanh nghiệp, HTX đã chủ động khâu chế biến, đa dạng sản phẩm.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 4 nhà máy và hơn 100 cơ sở chế biến cà phê có hệ thống xử lý nước thải đủ điều kiện hoạt động với công suất chế biến đạt khoảng 40% sản lượng quả cà phê. Từ năm 2017, vùng trồng cà phê Sơn La chính thức được trao bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý, thành lập Hội cà phê và gắn kết người trồng cà phê với doanh nghiệp, HTX. Một số doanh nghiệp, HTX đang liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm như: HTX Bích Thao, HTX Ara-Tay Coffee Sơn La, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến.

Chị Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX Ara-Tay Coffee Sơn La, xã Chiềng Chung (Mai Sơn) đã xây dựng thành công thương hiệu cà phê được chứng nhận tốp 7 toàn quốc về cà phê đặc sản năm 2020. Chị chia sẻ: Khi bắt tay vào xây dựng thương hiệu cà phê Ara-Tay, các thành viên HTX buộc phải thay đổi thói quen “hái xô”, hái lẫn tất cả quả chín và quả xanh, sang “hái chọn” những quả cà phê chín cho chất lượng cao. Mọi công đoạn sản xuất cà phê Ara-Tay từ cách thu hái, vận chuyển, rửa hạt, phơi sấy và đóng gói... đều được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật.

Năm 2021, HTX Ara-Tay Coffee Sơn La đã ký hợp đồng với 130 hộ dân của 2 xã: Chiềng Chung và Mường Chanh (Mai Sơn) trồng, chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, đảm bảo số lượng và chất lượng (tỷ lệ quả chín đạt 100%; có máy đo độ đường chính xác). Hiện, HTX đang thu mua cho người dân với giá 14.000 đồng/kg cà phê tươi, cao hơn 3.000 đồng/kg so với giá thị trường.

Nhờ nỗ lực đầu tư chế biến sâu nên cà phê Sơn La ngày càng nâng cao giá trị và thương hiệu được các thị trường xuất khẩu đón nhận. Chỉ tính từ đầu vụ đến nay, tổng số lượng cà phê nhân đã tiêu thụ, xuất khẩu ước đạt trên 17.000 tấn; trong đó, tiêu thụ trong nước hơn 450 tấn, còn lại là xuất khẩu sang thị trường các nước Đức, Hoa Kỳ…

Tỉnh Sơn La đang có nhiều giải pháp phát triển bền vững cây cà phê.

Để phát triển cây cà phê theo hướng bền vững, theo bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Chủ trương của tỉnh là ổn định diện tích cà phê hiện có; tập trung đầu tư thâm canh nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; khuyến khích đẩy mạnh liên kết các HTX, hộ sản xuất cà phê theo chuỗi, liên kết với các nhà máy chế biến cà phê trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện chế biến cà phê tập trung để đảm bảo được vấn đề về môi trường, giảm các cơ sở chế biến nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình.

Tỉnh Sơn La đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, các doanh nghiệp, HTX và hộ dân đưa một số giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường xuất khẩu để phục vụ ghép cải tạo, trồng tái canh cà phê. Áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững, như: Cà phê hữu cơ; sản xuất cà phê đặc sản... theo yêu cầu của thị trường; 90% sản lượng cà phê tươi được chế biến theo quy mô công nghiệp, 100% các cơ sở chế biến cà phê quả tươi có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; phấn đấu giá trị xuất khẩu cà phê đạt khoảng trên 100 triệu USD./.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác