Tân Kim Farm: Áp dụng IoT vào mô hình thuỷ canh trụ đứng
Nông nghiệp theo mô hình thuỷ canh vốn không xa lạ với người nông dân, bắt đầu từ nhiều năm trước mô hình trồng rau thuỷ canh đã được người nông dân Việt Nam tiếp thu và ứng dụng để sản xuất các loại rau củ quả cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp vẫn sử dụng mô hình trồng rau thuỷ canh theo mô hình thiết kế máng ngang chiếm nhiều diện tích hơn. Vì thế, khi bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp, anh Phan Trọng Hoàng cũng đã đi nhiều nơi để tham khảo về mô hình trồng cây ăn lá theo phương pháp thuỷ canh và anh nhận ra khi áp dụng mô hình thuỷ canh bằng trụ đứng sẽ tiết kiệm được phần diện tích và sản lượng tăng lên nhiều hơn khi áp dụng mô hình này.
Nói về mô hình thuỷ canh trụ đứng, anh Hoàng cho biết: " Về ưu điểm thì nó sẽ tối ưu được diện tích, với 1m2 sử dụng thuỷ canh trụ đứng sẽ đạt sản lượng cao hơn thủy canh máng ngang khoảng 30%. Tuy nhiên, khuyết điểm là nó chỉ phù hợp với 1 số loại rau ăn lá, 1 số loại như xà lách thì chưa đạt được năng suất tốt".
Với mô hình thuỷ canh thì tất cả các vật liệu sử dụng đầu là nhựa PVC nên có tuổi thọ cao, điều này sẽ tiết kiệm được chi phí khi đầu tư ban đầu. Bên cạnh đó, hợp tác xã của anh Hoàng ngay từ ban đầu đã thống nhất chỉ sử dụng nguồn dinh dưỡng thủy canh nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài (chủ yếu là Thái Lan), và hạt giống có nguồn gốc từ các công ty trong nước uy tín về chất lượng cũng như thương hiệu. "Đặc biệt, Tân Kim Farm của chúng tôi khi canh tác là hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc hóa học tăng trưởng, thuốc trừ sâu. Để phòng ngừa hạn chế tối đa sâu bệnh, chúng tôi dùng phương pháp hữu cơ như gừng tỏi ớt xay nhuyễn để bảo vệ thực vật" - anh Hoàng chia sẻ thêm.
Về việc áp dụng IoT vào sản xuất nông nghiệp cũng là một điều kiện thuận lợi khi bản thân anh trước đây vốn là kỹ sư ngành Công nghệ thông tin, theo đó mô hình Tân Kim Farm tại Madagui - tỉnh Lâm Đồng của hợp tác xã được lắp đặt chip cảm biến về nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng... và kết nối vào 1 bộ điều khiển trung tâm. Bộ điều khiển này sẽ tiến hành đo lường các thông số theo thiết lập (ví dụ: 15 phút đo 1 lần), từ kết quả đo lường được, bộ điều khiển sẽ quyết định khởi động các chức năng như bật quạt gió, phun sương hoặc tăng thêm dinh dưỡng (trong trường hợp nhiệt độ quá cao, hoặc thiếu dinh dưỡng). Bên cạnh đó, bộ điều khiển sẽ được cài đặt các kịch bản cho các nhóm/loại cây trồng khác nhau, ví dụ: nhóm cây nhỏ mới lên giàn, nhóm cây đang phát triển, nhóm cây chuẩn bị thu hoạch... mỗi nhóm cây sẽ có chế độ dinh dưỡng khác nhau. Tất cả các thông tin về kết quả đo lường sẽ được gửi lên lưu trữ đám mây, từ đó người quản lý có thể phân tích sự tối ưu phát triển cho cây trồng, ngoài ra còn có chế độ chỉnh bằng tay hẹn giờ, phòng hờ trường hợp trục trặc thiết bị.
Là một đơn vị nhỏ chỉ mới bắt đầu bước vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng với những tiêu chí về chất lượng, HTX Tân Kim của anh Hoàng cũng đã cung ứng sản phẩm vào những nhóm khách hàng cao cấp là các nhà hàng, khách sạn, những nơi này luôn có yêu cầu cao về sử dụng những thực phẩm an toàn cũng như việc truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, HTX Tân Kim của anh Hoàng cũng đã liên kết với Sendo để cung cấp sản phẩm qua sàn thương mại điện tử. Anh nhận định: "Với xu thế công nghệ hiện nay, việc ứng dụng 4.0 vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sẽ là xu thế chung, theo đó các tiêu chí như VietGap, Ocop... sẽ dần được chuẩn hoá, điều này sẽ giúp cho nhà cung ứng cũng như người sử dụng sản phẩm kết nối và tương tác thuận lợi hơn".