Thanh Hóa:
Tăng cường phối hợp để hỗ trợ nông dân hiệu quả
Kết nối doanh nghiệp với nông dân
Theo ông Trần Bình Quân – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, trong năm qua, thông qua 41 chương trình phối hợp, các cấp Hội đã vận dụng linh hoạt, khéo léo giữa công tác tuyên truyền, vận động đi đôi với hỗ trợ nhằm giúp hội viên, nông dân học tập nâng cao kiến thức, được đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tiếp cận với các nguồn vốn vay, sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa.
Từ các chương trình phối hợp, các cấp Hội đứng ra huy động, tập hợp và thực hiện Đề án “Đưa doanh nghiệp về với nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, mở ra nhiều cơ hội mới cho nông dân trong liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Nông dân nắm vững kiến thức về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội, pháp luật, thị trường và hội nhập.
“Có thể nói, những yếu tố đó đã tác động không nhỏ tới tâm lý của hội viên nông dân, giúp họ vững tin hòa nhập với xu thế thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghệ 4.0, bước đầu làm quen với kinh tế số, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Nhiều mô hình “khởi nghiệp” sản xuất, kinh doanh phù hợp năng lực và điều kiện của gia đình đã phần nào đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng được cơ chế thị trường hiện nay” – ông Trần Bình Quân cho hay.
Thông qua các chương trình phối hợp, trong giai đoạn từ 2018 đến nay, các cấp Hội ND tỉnh Thanh hóa đã cung ứng hơn 140.300 tấn phân bón trả chậm các loại có chất lượng, trị giá hơn 11 ngàn tỉ đồng, giúp cho hàng trăm ngàn nông dân giảm bớt gánh nặng đầu tư ban đầu, góp phần quan trọng ổn định đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Ông Trần Bình Quân - Chủ tịch Hội ND tỉnh Thanh Hoá (giữa) thăm hộ sản xuất giỏi từ sự hỗ trợ của các cấp Hội.
Cùng với đó, các cấp Hội đứng ra tín chấp và ủy thác với các Ngân hàng cho nông dân vay với tổng dư nợ tính đến nay là trên 16 ngàn tỷ đồng; xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả trên 63 tỷ đồng nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân. Ngoài ra, Hội đã tích cực khai thác vốn từ các chương trình, dự án như Vốn vay giải quyết việc làm 120 của Chính phủ, chương trình khuyến nông, lâm, ngư, khoa học công nghệ... để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đi cùng các nguồn vốn, vật tư nông nghiệp, các cấp Hội đã phối hợp và trực tiếp tổ chức 15.448 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 1.537.928 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; trực tiếp và phối hợp tổ chức 1.136 lớp dạy nghề cho hơn 41.000 hội viên, nông dân; tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho gần 54.449 người. Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 1.817 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, theo hướng VietGAP, VietGAHP và chuỗi sản xuất, cung ứng lúa gạo, cung ứng rau, củ quả an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; tổ chức 14 lớp tập huấn về ATTP cho 1.475 người tham gia; hỗ trợ đào tạo và cấp giấy chứng nhận theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, tem truy xuất, nhãn cho 26 sản phẩm của 25 đơn vị; vận động, hướng dẫn xây dựng được 89 sản phẩm OCOP, qua đó, góp phần vào kết quả toàn tỉnh đã có 407 sản phẩm đạt tiêu chuẩn và được cấp giấy chứng nhận OCOP…
Được sản xuất - kinh doanh trong môi trường thuận lợi với vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật kiến thức thị trường, nông dân đã mạnh dạn đầu tư, giúp xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững. Hiện, mỗi năm có trên 200 ngàn hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Giai đoạn từ năm 2018 – 2023, phong trào đã tạo việc làm tại chỗ cho 998.700 lượt lao động có việc làm thường xuyên, hơn 195.172 lượt lao động có việc làm mùa vụ; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 40.270 lượt hộ nông dân, giúp 20.082 hộ nông dân thoát nghèo. Hội ND các cấp trong tỉnh còn trực tiếp và phối hợp xây dựng 49 cửa hàng và phối hợp xây dựng 238 cửa hàng thực phẩm an toàn để cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể trong trường học, các khu công nghiệp và nhân dân trên địa bàn; các cấp Hội đã tư vấn, hỗ trợ thành lập 752 tổ hợp tác, 133 HTX, 300 doanh nghiệp…
Hội tham gia tích cực xây dựng NTM
Ông Trần Bình Quân cho biết: Không chỉ hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, Hội ND các cấp còn tích cực làm tốt tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương, nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội ND đã phối hợp và trực tiếp tổ chức 41.010 buổi tuyên truyền cho 2,5 triệu lượt cán bộ, hội viên, nông dân; biên soạn, cung cấp cấp phát hơn 26.000 cuốn tài liệu và 30.500 tờ rơi Hỏi - đáp pháp luật; phối hợp tư vấn, trợ giúp pháp lý 14.926 buổi cho 2.037.522 lượt người về chính sách liên quan đến quyền sử dụng đất và đền bù giải phóng mặt bằng và các nội dung chính sách liên quan đến nông dân; xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của 133 câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, với 5.985 hội viên, tham gia hòa giải 1.283 vụ việc, trả lời, giải đáp hàng trăm đơn thư theo thẩm quyền cho phép. Các cấp Hội trong tỉnh chủ động phối hợp tổ chức các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nông dân, qua đó phát hiện giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất chính đáng của nông dân, giữ ổn tình hình ngay từ cơ sở, góp phần hạn khiếu kiện vượt cấp và giữ gìn tình đoàn kết, nêu cao đạo lý tốt đẹp, tình làng, nghĩa xóm trong nhân dân....
Tạp chí Nông thôn mới và Hội ND tỉnh Thanh Hoá vận động doanh nghiệp hỗ trợ gà giống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mường Lát.
Sản xuất kinh doanh phát triển, thu nhập được nâng lên, nông dân đã tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa với hơn 1,1 triệu hộ được công nhận là gia đình văn hóa. Đời sống, vật chất, tinh thần nâng cao đã giúp nông dân có nguồn lực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương, đóng góp 1.218.839 triệu đồng, hơn 1,3 triệu ngày công; hiến 712.831m2 đất; tu sửa và làm mới 34.622km đường giao thông nông thôn, kênh mương...
“Những kết quả đạt được của Hội ND các cấp trong tỉnh đã phần nào minh chứng cho hiệu quả của công tác phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn. Nhưng ý nghĩa hơn nữa đó là thông qua việc tư vấn, hỗ trợ, nông dân ngày càng gắn kết hơn với tổ chức Hội, góp phần củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tham gia sinh hoạt hội ngày càng tích cực. Nhiều gương nông dân tiêu biểu đã được vinh danh, khen thưởng, trong đó có 1.653 hội viên, nông dân ưu tú được Hội bồi dưỡng, giới thiệu để kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.” – ông Trần Bình Quân chia sẻ.
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi
- Nông dân Hiệp Hòa thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa “thân thiện với môi trường”