Tăng giờ làm thêm, nhưng bảo đảm sức khỏe cho người lao động
Công nhân, nông dân nghèo chọn cách làm thêm tăng thu nhập
Chị Lê Thị Thơm, 42 tuổi ở Hoằng Thịnh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa (công nhân Công ty giày Hongfu Thanh Hóa) cho biết cả nhà chị là nông dân chính gốc. Thế nhưng nhiều năm nay, làm nông nghiệp không ăn thua, làm khoai, lúa chỉ đủ ăn. Chính bởi vậy chị chọn cách cùng lúc vừa là nông dân vừa là công nhân để có thêm nguồn thu nhập lo cho gia đình.
Chị Thơm kể, các ngày trong tuần thì đi làm công nhân, cuối tuần thì đi làm nông dân. Có thời điểm vào vụ chị cùng chồng còn phải dậy sớm thức khuya để làm cho kịp vụ mùa.
“Bình thường vợ chồng tôi làm nông nghiệp lấy lúa gạo ăn, đi làm công nhân thì kiếm thêm ít tiền tích cóp cho con cái học hành xây sửa nhà cửa làm mấy chuyện lớn. Thế nhưng mấy năm nay dịch bệnh kéo tới công việc khó khăn, thu nhập giảm, chưa kể giá cả lại leo thang. Tôi chỉ mong được tăng ca để gia tăng thu nhập, kiếm thêm chút tiền lo cho gia đình”, chị Thơm nói.
Hiện tại thu nhập của chị được khoảng 6 triệu đồng/tháng, cộng cả tiền tăng ca nữa được hơn 7 triệu đồng/tháng. Chị Thơm cho biết, nếu công ty còn tăng ca chị vẫn đăng ký làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập.
Từ công ty về nhà chị khoảng 7km, nhiều hôm tăng ca về, người thì mệt đi tối muộn đường vắng, phải đi qua tuyến đường quốc lộ, nhiều xe tải chạy qua lại khiến chị không khỏi rùng mình. “Nhiều công nhân đi làm tăng ca về muộn đi qua tuyến đường này bị tai nạn giao thông. Có người bị thương, có người còn mất mạng”, chị Thơm kể.
Dù khó khăn, biết làm thêm giờ sẽ rất mệt, có thể còn nguy hại tới sức khỏe, tính mạng nhưng cũng như nhiều công nhân khác chị buộc phải chọn lựa vì không làm không có đủ tiền trang trải cho cuộc sống gia đình.
Tương tự chị Nguyễn Thị Liên (công nhân Công ty May Khu Công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) cho biết, có ngày làm tăng ca thêm 3 tiếng về tới nhà chị mệt không thiết ăn uống, chỉ leo lên giường ngủ một mạch tới sáng. Biết là tăng ca mệt nhưng chị vẫn phải cố gắng làm thêm vì lương không đủ sống.
Theo tính toán của chị Liên, hai vợ chồng làm cả tháng được 15-16 triệu đồng/tháng, nhưng tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền sinh hoạt, nuôi con ăn học hết sạch. Gần như chẳng tháng nào có tiền tích lũy. Nếu ốm đau nữa thì chỉ lâm vào cảnh nợ nần.
Nghĩ cũng lo cho sức khỏe sau này nhưng trước bài toán kinh tế, chị Thơm, chị Liên và nhiều công nhân vẫn lựa chọn bài toán tăng ca vì “dù mệt nhưng còn có tiền để sống”.
... nhưng phải đánh giá trên lợi ích lâu dài
Tăng thời gian làm thêm giúp các doanh nghiệp chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, ứng phó với sự thay đổi của thị trường. Tăng ca cũng giúp công nhân có thể tăng thu nhập xoay sở với cuộc sống khó khăn hàng ngày nhưng liệu lâu dài đó có phải là sự lựa chọn đúng đắn.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động cảnh báo: “Nếu không tính toán kỹ, việc đồng ý tăng lương không kèm theo điều kiện ràng buộc cụ thể có thể đẩy lùi sự phát triển của con người, bào mòn sức khỏe của người lao động về lâu dài”.
Ràng buộc theo ý bà Hương là Chính phủ cần có quy định cụ thể hơn về thời gian tăng ca. Ví dụ mỗi tháng được tăng ca tối đa 60 giờ nhưng tăng ca vào giờ nào trong ngày. Cần hạn chế tăng ca nhiều vào ban đêm vì nó sẽ khiến lao động dễ kiệt sức vì khung giờ đêm theo nhịp sinh học là thời gian nghỉ ngơi.
Theo bà Hương, cần phải gia tăng điều kiện khuyến khích hoặc ràng buộc để doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, giảm sự phụ thuộc của con người từ đó tiết kiệm sức lao động cho công nhân. Như vậy, nếu có tăng giờ làm thêm, lao động cũng được bảo vệ sức khỏe, không phải làm việc quá sức.
Đặc biệt, cần chú ý tới đối tượng là công nhân, nông dân, những người đang làm việc tại các khu công nghiệp ở các vùng quê. Thường lao động ở những vùng quê này có đời sống còn nhiều khó khăn vì thế, họ chấp nhận tăng giờ làm thêm với mong muốn tăng thu nhập chứ ít khi để ý tới sức khỏe. Nhiều người sức khỏe không tốt nhưng vẫn cố gắng làm thêm bất chấp.
Còn với ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng khá đồng tình với phương án tăng giờ làm thêm. Ông Quảng cho rằng, nghị quyết cũng đã tính toán, căn chỉnh điều chỉnh giờ làm thêm trong thời điểm nhất định, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh. Kết thúc dịch bệnh sẽ phải tính toán lại.
“Tuy nhiên, về lâu dài vẫn không thể tăng giờ làm thêm nhiều vì nó đi ngược lại với xu hướng phát triển của thế giới khi mà thế giới đang cố gắng giảm giờ làm trực tiếp cho lao động. Có những quốc gia đã giảm giờ làm xuống chỉ còn 6 tiếng/ngày và làm 5 ngày/1 tuần”, ông Quảng nói.
Ông Quảng cũng cho rằng, điều chỉnh giờ làm cần thực hiện trên cơ sở bảo đảm sức khỏe cho người lao động và bù đắp bằng thu nhập hợp lý.
Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội thì đồng tình với việc Quốc hội đồng ý tăng giờ làm thêm. Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho rằng các đơn vị có liên quan nên tăng cường giám sát việc thực thi. Về lâu dài cần tăng cường đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động, giúp lao động chuyên nghiệp hơn. Có kỹ năng tay nghề cao, lao động có thể có cơ hội tìm kiếm công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn. Đồng thời giúp lao động yên tâm lao động sản xuất, “ly nông nhưng không ly hương”.
Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động vừa được Quốc hội thông qua đồng ý tăng giờ làm thêm lên trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm. Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, doanh nghiệp được tăng giờ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng nếu được sự đồng ý của lao động. Nghị quyết cũng quy định 5 trường hợp cụ thể không được áp dụng làm thêm nhằm bảo vệ lao động. Nghị quyết có hiệu lực bắt đầu từ 1/4/2022; quy định về thời giờ làm thêm trong 1 năm có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.