Hỗ trợ nông dân

Hỗ trợ để nông dân Hà Giang bắt nhịp với xu thế của chuyển đổi số

hoangtinh - 11:04 27/03/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tổ chức tập huấn cho bà con nông dân về kỹ năng sử dụng các phần mềm chuyển đổi số, mở tài khoản để thực hiện giao dịch trên sàn thương mại điện tử, kết nối thông tin… là những giải pháp của Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đang tích cực trển khai để giúp nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang bắt nhịp với xu thế của chuyển đổi số.

Dù chỉ mới manh nha song những kết quả bước đầu đạt được là minh chứng cho thấy chuyển đổi số đã và đang giúp nông dân Hà Giang thay đổi tư duy sản xuất, từng bước hướng đến nền nông nghiệp hiện đại.

Nông dân thời công nghệ

Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, những năm gần đây, nhiều nông dân thời 4.0 của Hà Giang đã mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen sang cách làm theo hướng dẫn của các chuyên gia; chủ động tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh gắn liền với chuyển đổi số.

Ông Đặng Quốc Khánh - Bí thư tỉnh Hà Giang (Đứng thứ 2 từ phải sang) thăm quan mô hình trồng dưa vàng trong nhà lưới ở xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đánh giá cao mô hình và cho rằng đây là mô hình cần nhân rộng trong thời gian tới.

Điển hình ở Hà Giang có mô hình trồng dưa lưới của anh Nguyễn Xuân Tiến ở thôn Lùng Càng, xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đầu năm 2021 anh Nguyễn Xuân Tiến đã mạnh dạn triển khai mô hình trồng dưa vàng trong nhà lưới. Nhờ sự cần cù, không ngừng học hỏi, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, gần 2.000m2 diện tích nhà lưới trồng dưa đã cho thu nhập khá.

Anh Nguyễn Xuân Tiến chia sẻ: Nhà lưới được đầu tư với hệ thống tưới tự động, vận hành trên máy tính hoặc điện thoại di động. Ngoài ra, thời gian tưới, mức tưới, tỷ lệ nước, tỷ lệ phân bón được giám sát, điều chỉnh kịp thời, có thể vận hành bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.

Với sự đầu tư bài bản mỗi vụ anh Tiến đã trồng 1.200 gốc dưa vàng, cho thu hoạch 2 tấn dưa, giá bán tại vườn dao động từ 30 đến 40 nghìn đồng một ki-lô-gam thu nhập trên 70 triệu đồng/vụ. Một năm có thể sản xuất 3 đến 4 vụ, trồng trong nhà lưới không sợ bị ảnh hưởng của thời tiết và một số loại dịch bệnh.

Làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy số vốn ban đầu bỏ ra lớn nhưng về lâu dài sẽ tiết kiệm khoản lớn chi phí nhân công, chủ động về chất lượng sản phẩm, đặc biệt với hệ thống tưới nhỏ giọt, cây trồng được “ăn” một lượng nước vừa đủ, không gây lãng phí nước và dù người nông dân không có mặt trực tiếp tại khu vực sản xuất thì việc chăm sóc cây trồng vẫn được thực hiện tốt nhờ hệ thống giám sát được cài đặt trên điện thoại.

Giúp nông dân nắm bắt vận hội

Xác định rõ vai trò của chuyển đổi số, thời gian qua tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch cho từng ngành, lĩnh vực và nông nghiệp chính là một trong những ngành được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Ông Trần Xuân Thuỷ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang (Đứng bên phải, hàng đầu) ký thoả thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh Hà Giang để hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại.

Theo đó Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân làm nông nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua các chương trình, đề án hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, OCOP, phát triển thương mại điện tử… để đón vận hội mới từ chuyển đổi số.

Ông Trần Xuân Thuỷ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang cho biết: Cùng với việc triển khai các kế hoạch của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hà Giang về chuyển đổi số, để thuận lợi hơn cho nông dân Hà Giang tiêu thụ nông sản, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Bưu điện tỉnh Hà Giang ký kết thực hiện, triển khai kế hoạch phối hợp về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hoá để đưa hội viên nông dân vào sàn giao dịch thương mại điện tử “Postmart”, đến nay đã mở được 20.000 tài khoản cho hội viên nông dân.

Việc nông dân Hà Giang được tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các hộ sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ đăng ký, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Ngoài ra các sàn thương mại điện tử và nền tảng số cũng cung cấp các thông tin hữu ích như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người nông dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.

Từ việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số, hội viên nông dân tỉnh Hà Giang đã tăng cường sự hợp tác với nhau qua sản xuất và tiêu thụ nông sản. Việc trao đổi thông tin, những kinh nghiệm đều được các hội viên tích cực đẩy mạnh dựa trên nền tảng mạng xã hội nhất là qua các nhóm nhóm Zalo.

Đến nay 100% Hội Nông dân tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường trên địa bàn để trao đổi về công việc. Bên cạnh đó các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã cơ bản có nhóm Zalo.

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, một số các hộ gia đình, nhất là nhóm làm dịch vụ du lịch đã biết vận hàng nền tảng chuyển đổi số, sử dụng các trang mạng toàn cầu để giao dịch với khách du lịch từ việc: Quảng bá, giới thiệu, đặt phòng, thanh toán…  ở trong và ngoài nước.

Với chuyển đổi số người nông dân Hà Giang đã được tiếp cận những kỹ năng, tiếp cận thị trường, tiếp cận thông tin trên mạng xã hội qua đó rất nhiều nông dân đã học tập được cách sản xuất, chế biến, chăm sóc cây trồng vật nuôi… qua các trang mạng xã hội, kênh thông tin Youtube và qua Website của Hội Nông dân tỉnh Hà Giang.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác