Tuân thủ quy trình, kỹ thuật nuôi tạo thương hiệu sản phẩm mật ong hoa vải thiều Thanh Hà
Nuôi ong không khó nhưng đòi hỏi phải kiên trì, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật
Được thành lập từ năm 2006 với tiền thân là Hợp tác xã ong mật sạch phía Bắc, năm 2009, hợp tác xã được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) ong mật Phương Bắc, trụ sở đặt tại thôn Phúc Giới, xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà. Công ty mật ong Phương Bắc chuyên nuôi ong, khai thác và chế biến đóng gói và xuất khẩu mật ong. Mỗi năm, Công ty đã phát triển khoảng trên 5.000 đàn ong nội, cho sản lượng mật ong khai thác được khoảng 70-100 tấn mật ong xuất khẩu sang thị trường Mỹ, cho thu lãi hàng tỷ đồng/năm.
Ông Lê Xuân Lựu, Giám đốc công ty TNHH ong mật Phương Bắc chia sẻ: “Nghề nuôi ong không phải đầu tư quá nhiều về chi phí, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn hoa tự nhiên. Khi nguồn hoa trong khu vực cạn kiệt, người nuôi ong sẽ di chuyển đàn ong sang vùng khác để có hoa thu mật. Nuôi ong không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, có tính kiên trì, cần phải hiểu rõ tập tính của ong”.
Theo Kỹ sư Nguyễn Thị Tuyền, Trung tâm Khuyến nông Hải Dương, thời điểm tháng 3, khi những vườn vải ở huyện Thanh Hà đang nở rộ, phủ sắc trắng trên khắp những nhà vườn. Hương thơm và vị ngọt của mật hoa vải đã thu hút những đàn ong về làm mật. Đây cũng là thời điểm vàng để các hộ nuôi ong trên địa bàn huyện Thanh Hà khai thác nguồn lợi từ mật hoa vải.
Người nuôi cần chú trọng đến kỹ thuật nuôi từ khâu chọn giống, chọn địa điểm, tạo ong chúa, đặc biệt lưu ý đến quá trình sinh trưởng của đàn ong; kỹ thuật tách đàn, áp dụng hiệu quả cách thu hoạch mật bằng thùng quay ly tâm để tăng sản lượng mật, đảm bảo chất lượng của mật ong, thường xuyên kiểm tra cầu ong, di chuyển cầu ong liên tục để tích mật mới làm tăng năng suất mật…”.
Đặt thùng nuôi ong ở nơi cao ráo, thoáng mát, gần nơi ong đi lấy mật. Kê thùng ong cách mặt đất từ 25-30cm, thùng nọ cách thùng kia tối thiểu 1m, cửa ra vào ở các hướng khác nhau. Khi đàn ong có dấu hiệu phát triển lạ cần mở thùng ong để kiểm tra.
Khi đàn ong bay đi tấp nập, lấy về tổ nhiều phấn mật là đàn ong tốt. Vào mùa lấy mật, nếu thấy ong quạt gió ở cửa tổ nhiều, thùng ẩm ướt là có nhiều mật. Nếu đàn ong bay đi thưa, không lấy phấn là có hiện tượng ong chúa ngừng đẻ (hoặc đẻ rất kém, bị bệnh nặng). Nếu thùng ong có nhiều ong vo ve bên ngoài, đánh nhau ở cửa tổ, ong chui ra khỏi tổ, bụng nặng mật là có đàn ong khác đến cướp mật. Nếu thấy ong đậu ở cửa sổ nhiều, có thể ong bị bệnh hoặc thùng quá chật, chuẩn bị chia đàn tự nhiên. Cần mở thùng nuôi ra để xem xét và xử lý kịp thời. Khi không vào mùa hoa vải, cần cho ong ăn nước đường với tỷ lệ 1:1. Nếu còn thiếu có thể lấy phấn hoa dự trữ hoặc hòa nước đường với mật ong rồi phết lên mặt cầu cho ong ăn.
Một số tình huống nguy hại đến đàn ong: Khi có hiện tượng ong bốc bay cần kịp thời đóng cửa chính, mở cửa sổ tới khi đàn ong ổn định thì mở cửa bình thường. Tích cực điều trị bệnh cho ong, nếu ong đánh nhau và cướp mật, cần thu hẹp cửa tổ, phun nước rửa sạch cửa tổ và đuổi đàn ong đang cướp mật. Để duy trì đàn ong khỏe mạnh, năng suất cao và sản phẩm mật chất lượng, cần phải kiểm tra và vệ sinh thường xuyên cho các thùng ong, đảm bảo thùng khô ráo và sạch sẽ. Muốn đàn ong khoẻ mạnh, trong quá trình nuôi cần áp dụng một số loại thảo dược để phòng trừ bệnh cho ong như: Dùng rượu phun sát khuẩn trị bệnh chí lớn, chí bé ở ong; dùng nước chanh pha cho ong uống để phòng bệnh thối ấu trùng châu Âu, những vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi ong tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Thu hoạch mật ong: Hiện nay cách thu hoạch mật ong phổ biến là dùng thùng quay mật, sử dụng lực ly tâm để mật ong từ lỗ tổ ong bắn ra ngoài. Sau khi kiểm tra đàn ong, đàn nào đạt tiêu chuẩn thu hoạch mới tiến hành quay mật. Thông thường vào mùa hoa người ta tính ngày ong làm mật và định kỳ quay mật. Mùa có hoa nở rộ 1 tuần quay mật 1 lần, còn mùa ít hoa thì tuỳ theo thực tế mà định ngày quay mật, có khi người ta khai thác nhanh 3 ngày quay mật 1 lần, như vậy là mật ong còn non.
Xây dựng thương hiệu và quảng bá rộng rãi sản phẩm mật ong Thanh Hà ra thị trường
Mật ong hoa vải là sản phẩm tiêu biểu của huyện Thanh Hà, Hải Dương, với màu vàng nhạt và hương thơm đặc trưng từ hoa vải, thơm ngon sánh mịn, mùi thơm dịu của hoa vải - mùi mà các sản phẩm mật ong khai thác từ các loài hoa khác không thể có được nên được nhiều người tiêu dùng chọn lựa. Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Hà ước tính có khoảng hơn 30 hộ nuôi ong quy mô lớn với số lượng từ 300 tới trên 1000 đàn ong/hộ nuôi. Giữa các hộ có sự liên kết chặt chẽ trong tất cả các khâu từ chọn giống, chăm sóc, sản xuất cho đến thu hoạch nhằm học hỏi, trao đổi kinh nghiệm ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi ong nhằm giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Sản lượng dự kiến hàng năm của cả huyện đạt khoảng 600 - 700 tấn mật, tuy nhiên, khi tới mùa hoa vải, không chỉ những hộ nuôi ong trên địa bàn huyện Thanh Hà mà cả những hộ nuôi ong ở các địa phương khác cũng di chuyển trại ong của mình đến địa bàn huyện để thu hoạch mật ong. Vì vậy, sản lượng mật ong hoa vải toàn huyện trên thực tế có thể đạt tới 1.000 tấn. Hiện nay, mật ong hoa vải quay tại vườn có giá 70.000 đồng/kg và thành phẩm có tem nhãn có giá 80.000 - 90.000 đồng/kg.
Ông Lê Xuân Lựu, Giám đốc công ty TNHH ong mật Phương Bắc chia sẻ, đàn ong của công ty được tính toán theo nguồn hoa, tính thời điểm hoa nở để lấy mật nên đàn ong được di chuyển theo mùa hoa của các địa phương. Hết mùa hoa vải Thanh Hà, đàn ong được di chuyển lên hoa vải Lục Ngạn, sau đó về mùa hoa nhãn lồng Hưng Yên, mùa vẹt Thái Bình, rồi di chuyển vào trong Nghệ An, Hà Tĩnh để đảm bảo nguồn hoa nuôi ong.
Với nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2023, lần đầu tiên công ty TNHH ong mật Phương Bắc có hai sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đó là sản phẩm mật ong hoa vải thiều Thanh Hà và mật ong rừng Phương Bắc. Đây được xem là bước khởi đầu quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, nâng cao chất lượng thương hiệu, uy tín của các sản phẩm ong mật tại địa phương, từ đó tiếp tục mở rộng thị trường. Để bảo vệ và phát triển thương hiệu mật ong Phương Bắc cũng như bảo vệ được đàn ong nội và tạo sinh kế cho người nuôi ong, các cấp chính quyền và các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp những người nuôi ong nâng cao nhận thức để bảo vệ môi trường, môi sinh, phát triển đàn ong nội của địa phương.
Thị trường tiêu thụ chủ yếu của mật ong hoa vải vẫn là thị trường xuất khẩu sang Mỹ. Các hộ nuôi ong ở Thanh Hà đa phần tiếp cận thị trường xuất khẩu qua các bên trung gian (các công ty xuất nhập khẩu). Ngoài ra, thị trường tiêu thụ trong nước cũng rất rộng mở. Cùng với tiếng vang của vải thiều Thanh Hà, sản phẩm Mật ong hoa vải Thanh Hà rất được người dân Hải Dương và các tỉnh lân cận nói riêng cũng như người dân cả nước nói chung tin dùng. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, sản lượng mật ong khai thác được tại huyện Thanh Hà ước khoảng 800 tấn, giá trị khoảng 44 tỷ đồng. Để nâng cao hiệu quả, một số hộ nuôi ong đã quan tâm xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm rộng rãi trên thị trường.
Bên cạnh đó, địa phương rất cần sự hỗ trợ về cơ sở vật chất để tạo điều kiện giúp các hộ nuôi ong phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ về truyền thông để giới thiệu được sản phẩm Mật ong hoa vải Thanh Hà tới đông đảo hơn người dân trên toàn quốc và thị trường quốc tế. Có thể khẳng định hiệu quả kinh tế từ nuôi ong đem lại khá cao, từ nghề nuôi ong lấy mật đã và đang giúp cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Thanh Hà có thêm một nguồn thu nhập ổn định, giúp phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.