Chị Đỗ Ngọc Trâm (Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên):
“Tạp chí là cầu nối gắn kết những người con xa nhà với quê hương”
Hiện tôi đang công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) nhưng mỗi lần đọc được những thông tin về quê hương trên Tạp chí Nông thôn mới, cảm xúc thân thương trào dâng. Đi làm xa đã lâu năm, tuy nhiên, tôi vẫn thường xuyên theo dõi thông tin về quê nhà trên báo chí.
Biết đến Tạp chí Nông thôn mới từ năm 2017, khi đó, xã Tân Châu tổ chức lễ đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hòa chung không khí rộn ràng, háo hức của người dân cả xã, tôi có mặt tại nhà văn hóa từ sáng sớm. Điều làm tôi bất ngờ là khi đến nơi đã thấy các nhà báo, phóng viên đã có mặt chuẩn bị trang thiết bị để tác nghiệp.
Qua trao đổi, tôi được biết, trong số các phóng viên tác nghiệp có rất nhiều người đến từ Tạp chí Nông thôn mới. Ấn tượng với sự chỉn chu, tác phong chuyên nghiệp của các phóng viên một phần đến khi được trực tiếp cầm tờ tạp chí trên tay, đọc bài viết đưa tin về sự kiện càng khiến tôi cảm thấy bất ngờ xen lẫn những cảm xúc yêu thương, tự hào về quê hương.
Đối với người dân sống tại nông thôn, việc được tiếp xúc với các ấn phẩm báo chí không phổ biến. Đặc biệt, với những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mỗi khi ngơi tay cấy cày lại là những bộn bề của nhà cửa, cuộc sống.
Với nhiều người nông dân, Tạp chí dường như là một “xa xỉ phẩm” không thường xuyên có mặt trong các gia đình. Vì vậy, khi lần đầu được tiếp xúc với Tạp chí Nông thôn mới, tôi đã rất ấn tượng. Tôi không nghĩ có một tờ Tạp chí sản xuất để phục vụ cho đối tượng bạn đọc đặc thù là cán bộ Hội và nông dân.
Càng đặc biệt hơn là tờ Tạp chí có độ hoàn thiện rất cao, từ ngoại hình dày dặn, màu sắc tươi sáng, bố cục các bài viết hài hòa, hợp lý. Qua đó, tôi phần nào cảm nhận được cái “tâm” của cả hệ thống tòa soạn đối với từng sản phẩm và hơn hết là sự tận tụy với độc giả của mình có những người nông dân chân lấm, tay bùn.
Qua ấn tượng ban đầu, tôi tìm hiểu và được biết, Tạp chí có trang điện tử giúp người đọc có thể dễ dàng tiếp cận hơn với các nội dung thông tin. Kể từ đó, tôi đã là một độc giả trung thành của Tạp chí Nông thôn mới.
Đến khi xa quê ra Hà Nội công tác, tôi vẫn giữ thói quen đọc Tạp chí, đặc biệt là mỗi khi có những thông tin về tỉnh nhà. Qua theo dõi thông tin, tôi được biết các sản phẩm nông sản của bà con dần có chỗ đứng trên thị trường.
Khi còn ở nhà, tôi cảm thấy các sản phẩm như nhãn lồng, chuối tiêu, gà Đông Tảo… rất quen thuộc với đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, khi xa quê, mỗi lúc đọc được thông tin, các mặt hàng nông sản liên tục đạt và hướng tới các mục tiêu tăng sao OCOP, tôi biết được rằng quê hương đang ngày càng đổi mới và phát triển.
Mỗi khi biết được có thêm địa phương nào tại tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn nông thôn mới, niềm tự hào lại dâng trào lên trong tôi. Những lúc như vậy, tôi càng cảm thấy yêu thương và dường như quê hương vẫn đang đồng hành với mình trên mỗi bước chân, từng chặng đường đi.
Có lẽ không quá khi nói rằng, Tạp chí Nông thôn mới như một “cây cầu nối” gắn kết những người con xa nhà với quê hương bản xứ của mình. Nhân dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc và chúc sức khỏe toàn bộ các cán bộ công nhân viên của Tạp chí để có thể tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa thông tin đến gần hơn với bà con nông dân!