Tập huấn kiến thức phòng, chống sốt xuất huyết cho cán bộ, hội viên nông dân ở Đà Nẵng
Mục tiêu của lớp tập huấn giúp cho cán bộ Hội cơ sở nắm được một số dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết và đường lây truyền; những đặc điểm sinh sống và phát triển của muỗi truyền bệnh SXH và các biện pháp phòng chống bệnh SXH. Đây là những nhân tố quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cũng như người dân tham gia phòng, chống SXH tại cộng đồng.
Tại buổi tập huấn, cán bộ Hội được nghe báo cáo viên Phan Văn Mỹ - Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh SXH…
Dịch SXH diễn biến phức tạp ở nhiều khu dân cư
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh có thể gây thành dịch lớn và tỷ lệ tử vong tương đối cao. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, phòng muỗi đốt và giữ vệ sinh nhà ở cũng như môi trường xung quanh.
Tình hình SXHD tăng mạnh tại khu vực miền Trung, các tỉnh có số ca mắc cao là Quảng Nam (15,474 ca), Bình Thuận (11,366 ca), Quảng Bình (8,094). Đến đầu tháng 12, số ca mắc SXH trên địa bàn TP. Đà Nẵng là hơn 9.700 ca, tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2021. Mức độ bệnh SXH cao tập trung tại các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hoà Vang và Ngũ Hành Sơn, còn các quận huyện khác mang tính tản phát hơn.
Theo ông Phạm Văn Mỹ, do biến đổi khí hậu nên mùa truyền bệnh SXH tại TP. Đà Nẵng trong những năm gần đây không còn mang tính chu kỳ (5 năm/lần), hiện nay, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường phát thành dịch lớn vào mùa mưa, từ tháng 10 của năm trước đến tháng 2, tháng 3 của năm sau. Đặc biệt, năm 2022, SXH tại Đà Nẵng có sự gia tăng ngay từ tháng 6-7 cho đến thời điểm này, dự báo số mắc SXH đạt đỉnh vào tháng 11-12.
Nguồn lây truyền của bệnh SXH-ZIKA là do loài muỗi vằn (Muỗi Aedes aegypti) mang vi rút Dengue truyền từ người bệnh sang người lành. Có 4 type vi rút Dengue là: D1; D2; D3; D4. Mỗi người chỉ nhiễm 1 type vi rút Dengue 1 lần. Vì vậy có thể mắc bệnh SXH ≤ 4 lần trong đời.
Ông Phan Văn Mỹ thông tin thêm: Bệnh SXH rất nguy hiểm vì có thể lan truyền nhanh làm nhiều người mắc bệnh cùng một lúc. Đặc biệt, hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin chủng ngừa, có thể gây tử vong nhất là đối với trẻ em. Chính vì vậy, nhiều gia đình có trẻ em nên cẩn thận để tránh cho trẻ bị mắc SXH, cần nắm rõ các triệu chứng của bệnh SXH, khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ bị SXH cần đến ngay các cơ sở Y tế để khám và điều trị như: TTYT quận huyện; Bệnh viện tư nhân (Hoàn Mỹ, Vinmec, Tâm Trí, Gia Đình); Bệnh viện của các bộ, ngành như (Bệnh viện C; Bệnh viện 199, Bệnh viện Quân khu V)…
Cán bộ, hội viên tích cực tham gia phòng chống SXH
Ông Phan Văn Mỹ khẳng định: Có thể nói, Hội Nông dân có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, có lực lượng đông đảo. Chính vì vậy, vai trò của Hội Nông dân rất quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân ở cơ sở phòng chống dịch bệnh SXH.
Hiện nay, ở Đà Nẵng trong thời gian gần đây mưa nắng thất thường trong ngày đã tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển, ca bệnh tăng liên tục, cùng với việc thiếu hoá chất để xử lý ổ dịch nhỏ nên nguy cơ bùng phát dịch có thể xảy ra. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hộ gia đình, các cơ quan công sở, các nơi sinh hoạt công cộng vẫn chưa có đầy đủ kiến thức về phòng chống sốt xuất huyết nên còn chủ quan như không kiểm tra các dụng cụ chứa nước có bọ gậy trong khuôn viên gia đình, công sở mình, không tự xử lý các ổ bọ gậy phát hiện được, không ngủ mùng… Vì vậy, người dân cần được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Hội Nông dân tại cơ sở cần tuyên truyền, vận động hội viên và mọi người dân thực hiện tốt khẩu hiệu “không có bọ gậy/lăng quăng, Không có sốt xuất huyết”. Vì muỗi vằn đẻ trứng ở nước sạch, ít chảy trong các dụng cụ chứa nước nhân tạo, hay tự nhiên như: Bể chứa, lu, chum vại, xô, lọ hoa, khay tủ lạnh, chân chạng…,hốc cây, kẽ lá…; các dụng cụ phế thải: Lốp cao su, vỏ lon, gáo dừa, chén bát vỡ… trứng nở thành lăng quăng, sau đó thành nhộng rồi thành muỗi trưởng thành. Trứng muỗi rất khó nhìn thấy. Do đó diệt lăng quăng là cách phòng SXH dễ làm và rẻ tiền nhất, nên công tác tuyên truyền cần nhấn mạnh vào việc thực hiện các biện pháp phòng, chống sau:
Diệt lăng quăng:
Trong nhà:
- Làm nắp đậy kín các chum vại, xô chứa nước không để cho muỗi vào đẻ trứng.
- Thường xuyên cọ rửa, thay nước ở lu, vại, lọ hoa ít nhất 1 tuần 1 lần.
- Thả cá ăn lăng quăng vào các vật dụng chứa nước.
- Bỏ muối hay đổ dầu cặn vào các chén nước chống kiến ở chân tủ thức ăn.
Ngoài nhà:
- Không để đọng nước trong các hốc cây, máng xối.
- Tổng vệ sinh môi trường, thu gom dụng cụ phế thải có khả năng chứa nước như: lốp xe hư, chai lọ vỡ, gáo dừa...
- Lật úp những vật dụng chứa nước nếu chưa cần thiết.
Phòng và diệt muỗi:
- Không để trẻ em chơi dưới gầm bàn, tủ, giường để tránh muỗi đốt.
- Ngủ mùng kể cả ban ngày. Cho trẻ mặc áo dài tay.
- Làm màn che trước cửa để hạn chế muỗi vào nhà.
- Dùng hương trừ muỗi vào thời điểm muỗi hoạt động, Dùng bình xịt muỗi loại nhỏ tại nhà.
- Phun diệt muỗi trên phạm vi rộng (tổ, thôn, ấp…) chỉ thực hiện khi có chỉ định của cơ quan Y tế địa phương. Vận động người dân đóng hết của sổ, chỉ để 1 cửa ra vào cho công nhân vào nhà, phun hoá chất từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, và đóng cửa ra vào trong vòng 30 phút. Không phun ngoài nhà như hành lang, cống rãnh … Sau phun hoá chất khoảng 30 phút mới được mở cửa để thông thoáng mới được vào nhà
Với những thông tin do báo cáo viên cung cấp, qua buổi tập huấn đã giúp cán bộ Hội cơ sở nắm bắt kiến thức, cách phòng, chống điều trị bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho hội viên, nông dân về phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương, hạn chế thấp nhất số ca mắc bệnh và tử vong trên địa bàn.
Một số vấn đề cần lưu ý đói với bệnh SXH
Đây là bệnh do virus nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị triệu chứng chỉ mang tính hỗ trợ.
Khi sốt, nên sử dụng các biện pháp đơn giản: lau mát bằng nước ấm (không dùng nước lạnh, đắp đá), uống nhiều nước, mặc quần áo mỏng, nằm nơi thoáng mát.
Trường hợp sốt cao, đặc biệt trẻ em có nguy cơ co giật, có thể dùng hạ sốt, thuốc an thần. Tuyệt đối không dùng aspirin.
Không lạm dụng thuốc hạ sốt vì có thể làm nặng thêm bệnh.
Trong 3 ngày đầu, không nên chuyền nước, chuyền đạm hay vitamin. Nếu ăn uống được thì nên bù bằng nước hoa quả, oresol, nước thường,…Trường hợp không ăn uống được, nôn, muốn truyền dịch phải có sự chỉ định và theo dõi của bác sỹ vì có nguy cơ choáng (shock).
Ông Phan Văn Mỹ - Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng