Nông thôn mới

Huyện An Biên:

Tập trung nâng cao chất lượng môi trường

Bảo Trang - 07:32 10/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 18/3/2024, tại thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Lễ công bố, trao Quyết định số 154/QĐ-TTg, ngày 06/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện An Biên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Nằm trong vùng U Minh Thượng, huyện An Biên có 8 xã và 1 thị trấn với 30.617 hộ, hơn 116.650 khẩu. Sau khi đạt huyện nông thôn mới, huyện tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, chú trọng tiêu chí môi trường.

Bà Bùi Thị Thu, ngụ ấp Bào Trâm, xã Nam Yên, huyện An Biên sử dụng men vi sinh IMO ủ phân cá dùng cho chăn nuôi heo. 

8/8 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Khi thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, An Biên có điểm xuất phát thấp, hạ tầng cơ sở còn thiếu nhiều so với yêu cầu, ngành nghề chưa phát triển, còn sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2011 chỉ đạt gần 16 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 15%.

Ông Nguyễn Công Trận, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Biên chia sẻ: Qua hơn 10 năm, huyện An Biên đã huy động hơn 1.536 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, An Biên đã hoàn thành 9/9 tiêu chí nông thôn mới, 8/8 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thị trấn Thứ Ba đạt chuẩn đô thị văn minh.

Huyện có thế mạnh phát triển nông nghiệp với diện tích đất sản xuất gần 36.000ha, trong đó, đất trồng lúa hơn 27.310ha, nuôi trồng thủy sản trên 3.200ha. Huyện hình thành 5 khu vực sản xuất tập trung và phát triển 2 sản phẩm chủ lực là lúa - gạo và tôm nước lợ, chú trọng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa - tôm theo hướng sạch, hữu cơ; phát triển các mô hình nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đa dạng loài thủy sản có giá trị kinh tế như: Tôm, cua, cá... Ngoài ra, vùng bãi bồi ven biển khoảng 10.000ha phát triển nuôi nhuyễn thể. Hạ tầng nông thôn tại 8 xã đảm bảo, phục vụ ngày càng tốt nhu cầu trao đổi, giao thương hàng hóa trên địa bàn nông thôn; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, mạng Internet đến từng ấp. Trên địa bàn huyện An Biên không có nhà tạm, dột nát; người dân có nhà ở đạt chuẩn theo quy định là 24.730 hộ, đạt 91% so với số hộ toàn huyện.

Nỗ lực xây dựng, phát triển quê hương được ghi nhận, người dân rất vui mừng khi huyện An Biên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. “Tôi và bà con ở địa phương rất phấn khởi khi huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đường làng hiện đi lại rất thuận tiện, đời sống người dân cũng ổn định. Chúng tôi hy vọng thời gian tới địa phương sẽ phát triển hơn nữa để người dân có thể hưởng lợi, nâng cao đời sống, làm giàu trên chính quê hương mình”, bà Nguyễn Thị Kim Tuyết ở thị trấn Thứ Ba vui vẻ nói.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (thứ 7 từ phải sang) trao Bằng công nhận huyện An Biên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Ứng dụng công nghệ vi sinh để bảo vệ môi trường

Theo ông Phùng Quốc Bình, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang, đến ngày 31/12/2024, rác thải sinh hoạt phải được phân loại tại hộ gia đình. Ở các vùng nông thôn chưa có điều kiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác như ở đô thị, với phương châm xem rác là tài nguyên, năm 2022, sở đã triển khai mô hình “Phân loại và xử lý rác thải thực phẩm bằng chế phẩm vi sinh bản địa IMO” tại 2 huyện Gò Quao và An Minh. Từ hiệu quả đạt được, đến nay mô hình được triển khai, nhân rộng tại một số địa phương khác như TP. Rạch Giá, các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Biên, Tân Hiệp, Kiên Hải. 

Hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện An Biên khoảng 38,1 tấn/ngày. Để góp phần nâng cao ý thức cho người dân về phân loại và xử lý rác thải, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn cho người dân địa phương. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Biên, IMO là chế phẩm được điều chế bằng cách tận dụng các nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương, sử dụng phương pháp lên men tạo ra nhiều loại vi sinh vật khác nhau tồn tại trong môi trường tự nhiên có hoạt tính sinh học cao.

Người dân đổ mật đường và 10 lít nước, cho men tiêu hóa, sữa chua, men rượu, chuối chín bóp nát, vỏ khóm, cám gạo vào thùng khuấy đều, đậy nắp kín, mỗi ngày khuấy 1 lần, sau 7-10 ngày sẽ thu được hỗn hợp men gốc vi sinh IMO. Từ hỗn hợp men vi sinh gốc IMO, người dân có thể chế biến thành IMO dạng khô hoặc dạng nước. Đối với IMO dạng nước, người dân hòa loãng với nước sạch theo tỷ lệ 1-10 để xử lý rác thải hữu cơ trong sinh hoạt, phân chuồng trong chăn nuôi, khử mùi hôi nước thải. 

Sau 3 tháng tham gia lớp tập huấn phân loại rác và xử lý rác thải bằng chế phẩm vi sinh bản địa IMO, bà Bùi Thị Thu, ngụ ấp Bào Trâm, xã Nam Yên, huyện An Biên thành thạo các bước thực hiện phân loại rác thải, biến rác thải trở thành phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng; tận dụng chế phẩm vi sinh bản địa để ủ phân cá dùng bổ sung vào thức ăn cho heo, gà vịt. Bà Thu chia sẻ: “Mỗi tháng, tôi tự chế khoảng 30 lít vi sinh IMO để xử lý rác thải làm phân bón, phun khử mùi chuồng trại chăn nuôi heo, ủ cá làm thức ăn cho heo. Nhờ cách làm này, rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường”.

Với ưu điểm của IMO, xử lý rác nhanh phân hủy, không có mùi hôi, dễ thực hiện, mọi người có thể tự làm tại nhà từ những nguyên liệu dễ tìm, giá thành thấp. Người dân đã thực hiện phân loại rác thải, tái sử dụng rác hữu cơ làm phân bón hữu cơ vi sinh để trồng trọt, thức ăn chăn nuôi; sử dụng IMO khử mùi, sát khuẩn chuồng trại chăn nuôi, pha loãng cho vật nuôi uống để tăng cường sức đề kháng, giảm rủi ro về dịch bệnh, xử lý chất thải chăn nuôi, khử mùi nhà vệ sinh… 

Mô hình đã đạt được kết quả ngoài mong đợi, tạo chuyển biến tích cực đến nhận thức của người dân, thay đổi dần thói quen chuyển qua sử dụng sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo vệ sức khỏe, góp phần bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới. 

“Giải pháp trong thời gian tới để thúc đẩy thực hiện phân loại rác tại nguồn là: Tiếp tục thực hiện truyền thông và nhân rộng, phát triển các mô hình tạo sinh kế bền vững từ tài nguyên rác; Tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức cấp cơ sở về quản lý chất thải và phân loại rác tại nguồn; Sớm hình thành và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho quản lý chất thải để đảm bảo tất cả chất thải rắn được quản lý tốt để tái sinh, tái tuần hoàn vật chất hướng tới nền kinh tế tuần hoàn”.
Ông Bùi Hồng Nghị - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Biên.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác