Thái Bình chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống
Chợ truyền thống bộc lộ nhiều bất cập về ATTP
Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thái Bình, thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đóng vai trò quan trọng, đến nay Thái Bình đã có 225 chợ được quy hoạch, trong đó có 4 chợ hạng 1; 7 chợ hạng 2, còn lại là chợ hạng 3.
Từ nhiều năm trước, toàn tỉnh có 233 chợ có buôn bán thực phẩm tươi sống, hầu hết là chợ truyền thống, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Tuy nhiên, chợ truyền thống đã bộc lộ nhiều bất cập như: Hầu hết các chợ được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, hư hỏng, ô nhiễm, thiếu an toàn khiến khách hàng bất tiện khi mua sắm tại các chợ, Trung tâm thương mại và nhà hàng trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tuyên truyền, kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tình trạng mất vệ sinh ATTP vẫn diễn ra, vẫn còn hiện tượng giết mổ gia cầm sống ngay tại chợ. Việc vận chuyển và bày bán sản phẩm vẫn chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh ATTP; sản phẩm sau giết mổ được vận chuyển chủ yếu bằng xe máy, chưa được bao gói, che chắn để vận chuyển đến nơi tiêu thụ; vẫn còn hiện tượng bày bán chung giữa thịt và các phủ tạng, bán chung cả sản phẩm tươi sống với sản phẩm đã chế biến chín; các chủ hàng còn bày bán thịt trên phản gỗ, trên bìa các - tông, trên vải…, nguy cơ tiềm ẩn vi sinh vật gây mất ATTP.
Một số địa phương còn có hiện tượng các quầy thịt bán rong, khó kiểm soát. Công tác quản lý chợ lỏng lẻo, sự hiểu biết các quy định về vệ sinh ATTP của cán bộ quản lý chợ và các hộ kinh doanh hàng thực phẩm còn hạn chế. Trong khi đó, lực lượng cán bộ quản lý nhà nước về ATTP còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn.
Các cơ sở vi phạm về ATTP tuyến xã chủ yếu mới dừng ở mức nhắc nhở. Năng lực kiểm định chất lượng thực phẩm tại tuyến huyện còn yếu, hầu hết là thiết bị kiểm tra nhanh, chưa có trang thiết bị chuyên sâu phục vụ xét nghiệm, kiểm định, nhất là đối với các phụ gia thực phẩm nguy hại, chất cấm vi lượng.
Bà Nguyễn Thị Liễu, Phòng Hành chính Nghiệp vụ (Chi cục ATTP – Sở Y tế tỉnh Thái Bình) thông tin, trong tháng 5/2023, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại 4 huyện Thái Thụy, Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải và kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn 4 huyện.
Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện và lập biên bản vi phạm, giao Chi cục ATVSTP xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm tại 5 cơ sở, tổng số tiền xử phạt 62,325 triệu đồng, cao nhất là cơ sở sản xuất giò chả Bà Thân (xã Tân Hoà, huyện Vũ Thư) 45 triệu đồng với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng (hàn the) trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 10 triệu đồng.
Giải pháp đảm bảo vệ sinh ATTP tại các chợ truyền thống
Trong 8 năm, từ năm 2010-2018, tỉnh Thái Bình đã tiến hành đầu tư nâng cấp cho 80 chợ đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng đảm bảo vệ sinh ATTP. Tại các chợ được nâng cấp đều được xây dựng từ 30-80 quầy bán thịt, được trang bị mái che kiên cố; hệ thống điện chiếu sáng, nước sạch; hệ thống xử lí nước thải, rác thải; khu vực vệ sinh công cộng; dụng cụ phục vụ khử trùng, kinh doanh; bảo hộ lao động; mỗi quầy đều có bề mặt được lát đá, có khung bằng inox với giàn móc treo thực phẩm, tường lát sạch sẽ, có bồn rửa, bên dưới mặt quầy có tủ đựng trang thiết bị, dụng cụ.
Sản phẩm bày bán tại các quầy thực phẩm được mua từ các hộ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP nông hộ và được giết mổ, sơ chế tại các cơ sở giết mổ được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương giám sát, kiểm tra. Đẩy mạnh hoạt động của đơn vị quản lý chợ như: Thường xuyên kiểm tra về nguồn gốc sản phẩm, phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý khi phát hiện các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh ATTP. Những sản phẩm vi phạm được thu hồi, tiêu hủy theo quy định hiện hành của pháp luật.
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh Thái Bình kiểm tra chất lượng giò chả tại một cơ sở sản xuất giò chả ở huyện Vũ Thư.
Công tác tuyên truyền cũng được tăng cường, các địa phương in, cấp phát tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền nâng cao ý thức của tiểu thương và của người tiêu dùng về ATTP. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn cho hàng nghìn học viên là cán bộ quản lý ATTP tại cơ sở, ban quản lý chợ về cách vận hành, quản lý chợ; trang bị cho các hộ kinh doanh buôn bán thực phẩm tại chợ kiến thức về vệ sinh ATTP.
Mới đây, ngày 14/6/2023, Phòng Kỹ thuật - An toàn - Môi trường, Sở Công Thương Thái Bình phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thái Thụy tố chức buổi tập huấn ATTP dành cho chủ cơ sở, người tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm nhằm phổ biến kiến thức vệ sinh ATTP, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm và thực hiện tốt các quy định đảm bảo vệ sinh ATTP trong sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm.
Theo ông Đỗ Phúc Hậu, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thái Thụy: Mặc dù, trong thời gian qua trên địa bàn huyện chưa có vụ việc nào nghiêm trọng do ngộ độc thực phẩm gây ra nhưng vẫn tiểm ẩn nhiều yếu tố gây nguy cơ mất ATTP. Thông qua lớp tập huấn, các cán bộ quản lý chợ, các sở sản xuất, kinh doanh được trang bị thêm nhiều kiến thức ATTP trong chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó còn tạo điều kiện cho các hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm hoàn thành điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP.
Hàng năm, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh Thái Bình thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra về ATTP, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý; ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP. Trong những năm qua không xảy ra trường hợp đáng tiếc về ngộ độc thực phẩm có nguồn gốc từ các chợ truyền thống. Định kỳ, các cơ quan chuyên môn thực hiện lấy mẫu giám sát nhằm phát hiện các chỉ tiêu ATTP tại các quầy bán thực phẩm tại cơ sở sản xuất, chế biến và chợ bán thực phẩm.