Hỗ trợ nông dân

Thái Nguyên: Hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn

Ngọc Ánh - 07:11 26/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian gần đây, hoạt động mua, bán hàng hoá qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc nông dân tiêu thụ nông sản qua hình thức giao dịch này còn khá mới mẻ. Trước thực tế đó, Hội Nông dân (ND) tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên đưa nông sản lên sàn TMĐT, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn.
Viettel Thái Nguyên và Bưu điện tỉnh tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ đại diện các tổ hợp tác, HTX đăng tải thông tin về sản phẩm lên các sàn TMĐT. 

Nông dân tiếp cận hình thức bán hàng mới

Trong vụ thu hoạch na năm 2021 vừa qua, nhờ áp dụng các kênh TMĐT, hàng chục tấn na ở xã La Hiên (Võ Nhai) đã được tiêu thụ đến tay người tiêu dùng. 

Ông Nông Quang Duy - Giám đốc HTX Na La Hiên chia sẻ: La Hiên là xã có diện tích, sản lượng na hằng năm lớn nhất huyện Võ Nhai. Toàn xã có gần 246ha trồng na đặc sản. Trong đó có 70ha na được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng khoảng 3.000 tấn mỗi năm, chiếm gần 55 % diện tích và hơn 65% sản lượng na trong huyện.

Sản phẩm na trồng ở La Hiên đặc biệt tại các thung lũng trên núi có vị ngọt đậm, thơm mát nên thường được bán giá cao hơn khoảng 15% các địa phương khác và có thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh, thành như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên… 

Tuy nhiên, trong 2 năm nay gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ na La Hiên gặp nhiều khó khăn. “Trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, người trồng na xã La Hiên rất lo lắng. Bởi lẽ, cây Na không chỉ có thời vụ thu hoạch ngắn mà sản phẩm có đặc tính chín nhanh, chín rộ, chỉ bảo quản được từ 1-3 ngày”- ông Duy chia sẻ.
Nỗi lo của người trồng na xã La Hiên phần nào được chia sẻ khi thông qua hình thức bán hàng hoàn toàn mới đó là đưa sản phẩm na La Hiên lên các sàn giao dịch TMĐT và kênh tiêu thụ trực tiếp tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại một số sở, ngành, đơn vị trong tỉnh đã giúp HTX Na La Hiên tiêu thụ được hơn 80 tấn na. 

“Tôi nhận thấy, sàn TMĐT thực sự là kênh phân phối hiệu quả và tiện ích cho người ND trong thời đại công nghệ số hiện nay”- ông Duy phấn khởi nói. 

Tương tự, đối với HTX chè La Bằng (Đại Từ), nhờ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn TMĐT nên mặc dù kênh phân phối truyền thống bị sụt giảm doanh số nhưng kênh bán hàng online bắt đầu phát triển, phần nào giúp cho HTX từng bước vượt qua khó khăn. 

Bà Nguyễn Thị Hải - Giám đốc HTX chè La Bằng cho biết: “Với diện tích 30ha, trung bình mỗi ngày, chúng tôi sản xuất được 3 tạ chè búp khô. Trong vòng 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 khiến sản lượng tiêu thụ của HTX bị giảm tới 40%. Tuy nhiên, do đẩy mạnh quảng bá trên các sàn TMĐT nên hiện nay, mỗi ngày chúng tôi cũng có 100 đơn hàng với số lượng hơn 1,2 tạ chè búp khô bán ra thị trường. Hiện nay, khách hàng cũng bắt đầu làm quen với việc mua sắm online nên chúng tôi rất chú trọng đến việc bao gói, bảo quản sản phẩm đảm bảo chất lượng”.

Thành viên HTX Na La Hiên (Võ Nhai, Thái Nguyên) đóng gói sản phẩm giao cho khách hàng mua qua sàn thương mại điện tử. Ảnh: M.H

Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua sàn TMĐT

Không chỉ riêng mặt hàng chè, na mà nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên như: Miến, mật ong, gạo, mỳ gạo, nấm… cũng đã và đang được tiêu thụ hiệu quả trên các sàn TMĐT như: https://thainguyentrade.vn/; https://voso.vn/; https://v1.postmart.vn/... được đông đảo người tiêu dùng biết đến. 

Đồng hành cùng với người ND, Hội ND tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm, trong đó ưu tiên việc phân phối thông qua sàn TMĐT. Ông Ma Doãn Hùng - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Dù mang lại nhiều lợi ích, thậm chí còn trở thành phương thức kinh doanh chủ yếu ở không ít nơi, nhưng TMĐT vẫn là “sân chơi” khá mới lạ với người ND, nhất là ở khu vực nông thôn. Với những người đã quen với quy trình sản xuất thủ công, không quá chú trọng hình thức, cách quảng bá sản phẩm, việc đầu tư để bán hàng trên các sàn TMĐT là không dễ. Trong khi đó, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành và triển khai các giải pháp số.

Để giải quyết vấn đề này, các cấp Hội ND trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về TMĐT. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hỗ trợ các hộ ND đưa nông sản lên các sàn TMĐT.
 Đặc biệt từ cuối năm 2021, Hội ND tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh và Viettel Thái Nguyên “cởi trói” cho ND bằng việc đưa sản phẩm của bà con lên sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Mục đích chúng tôi đặt ra là nhằm hỗ trợ đưa các hộ ND sản sản xuất - kinh doanh giỏi, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, chi tổ hội nghề nghiệp tham gia sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh tình trạng ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp ND giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.

Để nâng cao trình độ livestream cho ND, đồng thời đưa sản phẩm của ND lên sàn TMĐT Postmart và Voso, Hội ND tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan mở lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng giới thiệu sản phẩm. 

Thông qua tập huấn, bà con ND Thái Nguyên được hướng dẫn, tạo tài khoản bán hàng trên sàn TMĐT, như cách tạo tài khoản; tạo kho hàng; đăng sản phẩm lên để bán; cách mô tả sản phẩm; kinh nghiệm chốt đơn; xác định đơn hàng; chăm sóc khách hàng đối với các đơn hoàn thành… Đến nay, đã có khoảng trên 60.000 nông hộ Thái Nguyên được hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách đưa nông sản trên sàn TMĐT.

Là 1 trong 2 đơn vị tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác, ông Đỗ Hải Nguyên - Giám đốc Bưu điện tỉnh Thái Nguyên vạch kế hoạch: Trước mắt, chúng tôi sẽ giới thiệu, hướng dẫn để hộ sản xuất trải nghiệm, làm quen với công nghệ số, cách thức mua - giao - nhận hàng. Sau đó sẽ từng bước chọn hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm để tham gia sàn, đăng thông tin sản phẩm để quảng bá, giới thiệu. Bưu điện cũng phân khúc thị trường theo từng tiêu chí, đối tượng khách hàng, sản phẩm khác nhau, như: Sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền, sản phẩm rao bán bình thường… Tùy theo nhu cầu, năng lực của ND, chúng tôi sẽ có cách thức quảng bá phù hợp. 

“Mục đích chúng tôi đặt ra là nhằm hỗ trợ đưa các hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, chi tổ hội nghề nghiệp tham gia sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế”.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác