Thầy cô nỗ lực, học trò vùng cao hạnh phúc
Mỗi ngày đến lớp với em Giàng Hoàng Cầm, học sinh lớp 5A, Trường TH và THCS Suối Giàng và các bạn cùng lớp đều là ngày vui. Bởi trong không gian học tập sạch đẹp, gọn gàng, Cầm cùng các bạn được các thầy cô tận tình dạy dỗ, yêu thương: "Con mong mỗi ngày đều được đến trường để gặp các bạn và cô giáo. Con đến trường cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được các thầy cô giáo giảng dạy cho những kiến thức và yêu thương con".
Cô giáo Lương Thị Hạnh, chủ nhiệm lớp 5A bày tỏ, chính thầy cô cũng hạnh phúc khi học trò của mình hạnh phúc. Mười năm trước thôi, học sinh còn thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả thiết bị học tập, còn giờ đây các em được học trong ngôi trường khang trang, đầy đủ tiện nghi.
"Chúng tôi tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm để các em học sinh được tham gia vào các hoạt động này để các em cảm thấy mỗi một ngày đến trường là một ngày vui và thực sự trường học là một nơi hạnh phúc đối với bản thân cá nhân tôi cũng như các đồng nghiệp và các em học sinh", cô Hạnh chia sẻ.
Buổi hoạt động giữa giờ là thời gian mà các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Suối Giàng chờ đợi nhiều nhất… Một không gian văn hóa đầy màu sắc với các hoạt động như: đồng diễn múa khăn, múa khèn, tham gia các trò chơi dân tộc khiến các em vô cùng hào hứng và thích thú. Em Sùng Thị Bla, học sinh lớp 9 bày tỏ: Những giờ ngoại khóa như thế giúp các em có nhiều trải nghiệm hơn về cuộc sống.
Là ngôi trường vùng cao có hơn 900 học sinh trong đó hầu hết là người dân tộc Mông, mặc dù còn có những khó khăn, song bằng nhiều hoạt động phù hợp với thực tế, thầy và trò Trường TH và THCS Suối Giàng luôn nỗ lực để "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Tại ngôi trường gồm 2 dãy nhà ba tầng bề thế này, mỗi góc nhỏ trong lớp, mỗi góc xanh nơi sân trường đều được các thầy cô thiết kế theo hướng mở để các em vừa học vừa sinh hoạt, gần gũi như ở nhà.
Thầy giáo Hà Việt Thành, hiệu trưởng nhà cho biết: Tất cả các hoạt động đều hướng tới mục tiêu cung cấp kiến thức, kĩ năng mềm cho các em.
"Quan trọng nhất là việc dạy và học phù hợp với đặc thù vùng miền học sinh thì học sinh rất phấn khởi, đến trường đến lớp đầy đủ cũng như tích cực các hoạt động. Tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn đạt 100%", thầy Thành cho biết.
Tại Trường mầm non xã Suối Giàng, niềm hạnh phúc được đến trường cũng lan tỏa trên những nụ cười, sự hào hứng của mỗi bé trong từng giờ học. Sự đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường sự tương tác giữa cô và trò đã làm cho việc học tập trở nên nhẹ nhàng và đầy cảm hứng. Không còn sự nhút nhát như vẫn thường thấy ở học sinh vùng cao trước đây, mà là sự nhanh nhẹn, thông minh, bạo dạn không khác miền xuôi.
Chị Vàng Thị Gống, vừa mang bí và ngô đến hỗ trợ thầy cô nấu ăn cho học sinh nhà trường vừa phấn khởi nói: "Con đi học về kể với mẹ rất vui, học được những gì cũng nói cho mẹ. Trẻ đi học về thì biết rất nhiều tiếng phổ thông".
Cô giáo Lò Ngọc Loan, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Suối Giàng, cho biết, trẻ mến cô, yêu trường, yêu lớp, phụ huynh tôn trọng, tin tưởng gửi gắm, giáo viên vì thế cũng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
Với những học sinh trên đỉnh núi mờ sương Suối Giàng, hôm nay trường học đã trở thành ngôi nhà thứ 2, bởi các em được phát triển toàn diện những kiến thức, kỹ năng, trong môi trường học tập an toàn, thân thiện, nhiều tình thương.
Những giá trị nhân văn của trường học hạnh phúc nơi non cao Suối Giàng trở thành điểm tựa vững chắc trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”
Theo VOV