Diễn đàn

Thay đổi thói quen của nông dân để bảo vệ môi trường và sức khoẻ

(Tapchinongthonmoi.vn) - Một số thói quen của nông dân hiện nay như: Lạm dụng phân bón hóa học, đốt rơm rạ sau thu hoạch, vứt rác thải ngoài đồng ruộng, đốt than sưởi ấm, vứt rác thải sinh hoạt hàng ngày… rất có hại cho môi trường sống và sức khỏe của người dân. Điều đó đặt ra yêu cầu phải thay đổi một số thói quen của người nông dân để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn và phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam sẽ đáp ứng yêu cầu đó.

Thói quen là lối, cách sống hay hoạt động do lặp đi lặp lại lâu ngày đã trở thành thói quen, khó thay đổi. Mỗi người đều có thói quen tốt và có cả thói quen xấu. Thói quen có yếu tố di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời, thói quen còn có yếu tố xã hội, yếu tố lịch sử và mang cả yếu tố vùng miền. Thói quen của mỗi người được hình thành từ khi bắt đầu giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Một số nhận thức chung về thói quen
Theo Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học, thói quen là lối, cách sống hay hoạt động do lặp đi lặp lại lâu ngày đã trở thành thói quen, khó thay đổi. Dựa vào lợi ích hoặc tác hại do thói quen mang lại, có thể chia thói quen thành hai loại: thói quen xấu và thói quen tốt. Mỗi người đều có lối sống, thói quen và sở thích riêng rất khác nhau và việc thay đổi những thói quen của một con người rất khó khăn. Thói quen thường nói đến cá nhân còn thói quen của cộng đồng thì đó là tập quán. Thói quen của một cá nhân nếu gặp điều kiện xã hội thay đổi thì thói quen đó có thể thay đổi, còn tập quán thì ít thay đổi hơn.
Một số thói quen được cho là tốt như thói sinh hoạt có nề nếp, lề lối, điều độ với tác phong nhanh nhạy, hoạt bát, khẩn trương, xếp đặt mọi thứ luôn gọn, sạch, đúng nơi, đúng chỗ. Thói quen lao động, công tác có khoa học như coi trọng và quý trọng thời gian, coi trọng tiến độ đã xác định, thực hiện nghiêm túc giờ nào việc ấy, làm đúng kế hoạch, tính toán phân bổ công sức hợp lý, thói quen làm việc chăm chỉ, thói quen đọc. Thói quen giao tiếp ứng xử có văn hóa thể hiện qua việc lời nói điềm đạm, đúng mực, đúng thời điểm, hợp tình, hợp cảnh, lịch sự, tế nhị và dùng đại từ nhân xưng theo đúng các mối quan hệ xã hội. Thói quen ăn mặc lịch sự, đầu tóc gọn gàng, quần áo sạch sẽ, hợp với tuổi tác, công việc, môi trường và hoàn cảnh giao tiếp. Thói quen rèn luyện sức khỏe thông qua việc tích cực, hăng say luyện tập thể dục thể thao, chăm lo giữ gìn vệ sinh thân thể... 
Một số thói quen được cho là xấu như: Thói quen lộn xộn trong sinh hoạt hằng ngày cụ thể như tác phong lề mề, luộm thuộm, lôi thôi, lếch thếch thiếu gọn gàng, sạch sẽ, làm đâu bỏ đấy, cẩu thả... Thói quen tùy tiện, đại khái trong lao động, sinh hoạt và học tập. Thói quen manh mún, làm việc thiếu tính chủ động, không có kế hoạch cụ thể, không biết làm việc gì trước, việc gì sau, thích gì làm nấy. Thói quen bừa bãi trong giao tiếp, ứng xử, nói năng thiếu suy nghĩ chín chắn, nói không đúng lúc, đúng chỗ, không phù hợp với đối tượng, không tuân theo ngôi thứ và tôn trọng người khác... 
Một số thói quen của nông dân ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người
Tình trạng lạm dụng phân bón hóa học
Phân bón là thức ăn của cây trồng, nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho cây phát triển. Theo đánh giá của các nghiên cứu khoa học, phân bón đóng góp khoảng 30-35% tổng sản lượng cây trồng. Điều đó cho thấy vai trò to lớn của phân bón đến năng suất, sản lượng và thu nhập của nông dân.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, hằng năm, ngành Nông nghiệp sử dụng trên 10 triệu tấn phân bón, trong đó phân bón vô cơ chiếm trên 70% (số lượng phân bón hóa học do lạm dụng chắc chắn chiếm một phần không nhỏ trong tổng số phân bón đã sử dụng). Theo kết quả điều tra của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho thấy, hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45-50%. Do đó, tình trạng lạm dụng phân hóa học ở nước ta đã và đang làm thoái hóa đất, cạn kiệt dinh dưỡng, làm biến đổi tính chất vật lý của đất và lãng phí nguồn lực.
Yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện nay là xây dựng một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững. Để thực hiện được yêu cầu này, người nông dân cần phải nắm vững kỹ thuật canh tác và kiến thức về sản xuất sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường. Đây không chỉ là biện pháp nâng cao chất lượng nông sản, mà còn giúp người nông dân sản xuất được các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, đem lại thu nhập cao. Vì vậy, đặt ra yêu cầu phải sử dụng phân bón hóa học theo đúng hướng dẫn.

Ảnh minh họa.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, xanh, sạch, bảo vệ tính cân bằng của đất là điều mà người nông dân cần chú ý. Để người nông dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo, ngành Nông nghiệp đã xây dựng nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng phân bón hóa học: Sử dụng đúng loại, đúng liều, đúng lúc và đúng cách. Đúng loại có nghĩa là cần sử dụng đúng loại phân cho từng giai đoạn phát triển cây trồng yêu cầu và phù hợp với từng loại đất. Sử dụng phân bón đúng liều, đúng lượng, tỷ lệ các loại phân theo hướng dẫn của nhà sản xuất và tùy thời tiết, mùa vụ để quyết định bón lượng phân thích hợp. Bón phân đúng lúc là bón đúng thời điểm cây trồng yêu cầu. Còn bón đúng cách là bón phân sao cho cây trồng hấp thu hiệu quả nhất lượng dưỡng chất được cung cấp. Vì vậy, nguyên tắc “4 đúng” đặt ra yêu cầu người nông dân phải thay đổi thói quen sử dụng tùy tiện, lạm dụng phân bón hóa học.
Tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch
Việc đốt rơm rạ sau thu hoạch của người nông dân ở một số địa phương đã trở thành thói quen. Thực tế cho thấy, để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa, chuẩn bị sản xuất vụ lúa mới, người nông dân thường đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng. Người nông dân suy nghĩ đơn giản đốt rơm rạ sẽ không tốn công xử lý sau khi thu hoạch mà còn tiêu diệt được mầm mống dịch hại, sau khi đốt, tro rơm rạ sẽ đem bón cho các ruộng trồng rau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, đốt nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng, tiêu diệt các loại côn trùng có ích, góp phần làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa, một trong những nguyên nhân gây bùng phát sâu bệnh trên đồng ruộng, buộc bà con nông dân phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, khiến chi phí sản xuất lúa tăng cao. Việc đốt rơm rạ sẽ tạo ra khói gây nguy hại lớn đến môi trường và sức khỏe. Đốt rơm rạ sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO2 (dioxid cacbon), CH4 (metan), khí CO (cacbon monoxid), khí SO2 (dioxid sunfur) và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển. Theo ước tính của các nhà chuyên môn, đốt 1ha (trung bình 7 tấn rơm rạ) sẽ phát thải 9,1 tấn CO2, 798kg khí CO, 398kg các chất hữu cơ độc hại và 12kg tro bụi. Đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng còn là một sự lãng phí. Theo Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), trong 1 tấn rơm chứa 5-8kg đạm, 1,2kg lân, 20kg kali, 40kg silic và 400kg carbon. Do vậy, đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa. Bên cạnh đó, khói đốt rơm rạ còn cản trở tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Để tránh lãng phí, hại môi trường, sức khỏe và an toàn giao thông, người nông dân nên sử dụng máy gặt đập liên hợp, rơm rạ sẽ được máy cắt nhỏ rải ngay trên ruộng, sau một thời gian ngắn sẽ mục nát trở thành nguồn phân hữu cơ. Trong trường hợp không có máy gặt đập liên hợp, các hộ nông dân nên để lại khoảng trống nhỏ trên ruộng gom rơm rạ vào đó để tự phân hủy… Hoặc có thể sử dụng chế phẩm sinh học giúp đẩy nhanh quá trình phân giải chất xơ xenlulo trong rơm rạ tươi, làm tăng đáng kể vi sinh vật hữu ích, cải thiện độ phì của đất. Điều này sẽ giúp lúa sinh trưởng, phát triển nhanh hơn từ 15 - 20%, năng suất vượt trội từ 10-15% so với bình thường, đồng thời, góp phần giảm đáng kể các bệnh thường gặp trên cây lúa. Ngoài ra, có thể thu gom, xử lý rơm rạ để trồng nấm hoặc bán cho các cơ sở trồng nấm để tăng thêm thu nhập. Đây là cách làm được nhiều nước trên thế giới áp dụng, cho hiệu quả bền vững, tác động tích cực với môi trường.
Tình trạng rác thải ngoài đồng ruộng
Rác thải ngoài đồng ruộng chủ yếu là từ vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật do người nông dân vứt bỏ sau khi sử dụng như một thói quen. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, ngành Nông nghiệp nước ta sử dụng khoảng 45.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Từ lượng thuốc khổng lồ đó, hàng trăm tấn bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật được vứt bừa bãi ra đồng ruộng, trên các bờ kênh, mương. Một điều rất đáng lo ngại là thông thường, lượng thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại trong bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ, gây ô nhiễm môi trường nặng nề cho nguồn nước, đất và ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người nông dân nói riêng và của nhân dân nói chung. Cần phải nhấn mạnh rằng, một trong những thảm họa môi trường do vỏ thuốc bảo vệ thực vật gây ra đó là hầu hết bao bì thuốc bảo vệ thực vật đều được làm bằng nhựa, thủy tinh, nếu bị vùi lấp trong đất, người nông dân sẽ dẫm phải gây thương tích; các chất thải này phải mất rất nhiều năm (có khi đến hàng chục năm) sau mới phân hủy được và sẽ gây hại lâu dài cho đất canh tác. Đồng thời, các loại thuốc bảo vệ thực vật có độc tính cao ngấm sâu vào lòng đất hoặc nguồn nước gây hậu quả rất nghiêm trọng và lâu dài sau này, bởi đất sẽ bị nhiễm chất độc rất khó xử lý để cho đất màu mỡ trở lại như ban đầu.
Tình trạng đốt than tổ ong, đốt than củi để sưởi ấm
Theo tác giả Ngọc Mai, việc đốt than củi, than hoa hay than tổ ong để sưởi ấm đã trở thành một thói quen phổ biến ở vùng nông thôn. Nhiều gia đình có phụ nữ sau sinh, người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ thường đốt than trong phòng ngủ, phòng tắm để sưởi ấm vào mùa lạnh. Theo nhiều người, ngoài việc làm ấm cơ thể, sưởi bằng than còn giúp tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, đây là thói quen nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy nổ và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người. Ngộ độc khí than hay còn gọi là khí CO (carbon monoxide) thường xảy ra vào mùa đông. Nguyên nhân là do người dân đốt than để sưởi ấm trong không gian chật hẹp, kín gió. Bởi, than khi cháy trong điều kiện thiếu oxy sẽ sinh ra loại khí cực độc là CO. Chính vì thế, than đốt trong phòng kín, thiếu oxy, càng làm tăng khả năng gây ngộ độc khí CO cho người sưởi. Người ngộ độc thường hôn mê, bất tỉnh, để lại di chứng về trí tuệ, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Sử dụng than củi, than tổ ong để đốt nhằm sưởi ấm là thói quen xuất phát từ nhận thức, điều kiện kinh tế của nhiều người ở các vùng nông thôn, miền núi.
Thực tế cho thấy, cứ vào mùa đông hằng năm, nhất là những đợt rét đậm, rét hại, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khí CO. Bệnh nhân nặng thường trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy và tổn thương thần kinh, thậm chí tử vong. Vì vậy, vào thời tiết mùa đông, người dân tuyệt đối không được đốt các nhiên liệu than, củi trong phòng kín, không gian chật hẹp để sưởi ấm. Đối với trường hợp cấp thiết, bắt buộc phải đốt than, củi để sưởi, cần phải bảo đảm môi trường thông thoáng để tạo điều kiện lưu thông không khí. Khi phát hiện người có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, khó thở… thì cần mở tất cả các cửa phòng để cung cấp oxy và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Tình trạng vứt rác thải sinh hoạt hàng ngày ở làng quê
Từ khi đổi mới đến nay, điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của người dân nói chung và của người nông dân nói riêng ngày càng được cải thiện thì rác thải sinh hoạt ngày một nhiều, đồng thời, xuất hiện thói quen vứt rác thải bừa bãi. Thoạt đầu rác thải sinh hoạt được người dân mang ra đổ ở mương máng, ao hồ quanh làng. Khi rác thải sinh hoạt chưa nhiều và chủ yếu là rác hữu cơ nên qua nhiều năm vẫn chưa nhìn thấy sự ô nhiễm đáng kể nào! Thế nhưng, chỉ khoảng chục năm gần đây rác thải sinh hoạt quá nhiều, những nơi vứt rác thải trước đây trở nên quá tải không thể chứa nổi nữa, vì vậy, người dân mang rác đổ lung tung, thậm chí là cả ven đường làng, ngõ xóm, đường giao thông, các bờ vùng bờ thửa, ven các khu ruộng đất canh tác… Nếu như trước đây người dân vứt rác công khai, thì nay nhiều hộ phải mang rác đi đổ… trộm ngoài đồng vì không còn chỗ đổ.
Ở nhiều làng quê hiện nay không có dịch vụ thu gom rác thải, người dân vẫn có thói quen vứt bỏ rác thải ra ngoài đường, đồng ruộng, thậm chí quẳng thẳng xuống sông, ao, hồ. Quả thật là về bất cứ làng quê nào bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp ngổn ngang những bãi rác tự phát. Thói quen của người dân bỏ rác ra môi trường sống xung quanh mình như một lẽ đương nhiên. Rác tràn xuống ruộng, ven đường, rác lấp ao hồ và rác “bao vây” làng quê. Mùi xú uế của rác thải khiến môi trường sống của chính người nông dân ít nhiều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dường như người dân đã quá quen với hình ảnh các bãi rác hôi thối, ruồi nhặng xúm đen nên họ vẫn thản nhiên sống, sinh hoạt cùng. Rác thải ở nông thôn bây giờ có quá nhiều rác vô cơ là túi nilông, các loại bao bì công nghiệp khó phân hủy nên việc tác động sự độc hại tới môi trường là không nhỏ. Ngoài rác thải, môi trường sống ở nông thôn cũng đang bị “tấn công” bởi nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Nếu như nước bề mặt quanh làng xóm đen ngòm vì chính lượng nước thải sinh hoạt của người dân hằng ngày trực tiếp đổ ra thì nước ngầm cũng đã và đang có dấu hiệu ô nhiễm rất nhanh. Từ rác thải, từ nước thải trên bề mặt như vậy nên việc nước ngầm bị ô nhiễm là điều hiển nhiên vì qua nhiều năm tháng, sự ô nhiễm cứ ngấm xuống để rồi người dân vẫn phải hút nước ngầm lên để sử dụng và sẽ khó lòng tránh được bệnh tật cùng nhiều ảnh hưởng về sức khỏe khác…
Thay đổi một số thói quen của nông dân trong sản xuất, sinh hoạt để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người
Như đã phân tích ở trên, vấn đề phải thay đổi một số thói quen của người nông dân trong sản xuất, sinh hoạt để bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe con người là vô cùng cấp thiết. Thói quen thì khó thay đổi nhưng nếu có điều kiện xã hội thay đổi thì thói quen có thể thay đổi. Nghị quyết Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã chỉ rõ: “khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn”(1). Quan điểm này của Đảng đã tạo điều kiện thay đổi tư duy của người nông dân “từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường”(2), làm cơ sở kinh tế - xã hội vững chắc thay đổi một số thói quen của người nông dân để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đã xác định rõ mục tiêu tăng trưởng xanh, trong đó: 1) Nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất, nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; 2) Giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; 3) Chuyển đổi 300 nghìn ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt; 4) Mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp theo kế hoạch của quốc gia; 5) Xây dựng nông thôn mới bảo đảm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp văn minh.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu bảo đảm hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng, mang lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ cho đất. Ðặc biệt, an toàn vệ sinh thực phẩm đang là tiêu chí hàng đầu của phần lớn người tiêu dùng trước tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng các hóa chất độc hại... Vì thế, người tiêu dùng đang dần có xu hướng thay đổi thói quen quan tâm nhiều hơn tới chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe so với trước đây. Trong khi đó, những tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng ngày càng rõ rệt đối với ngành Nông nghiệp, vì vậy, sản xuất nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp hữu cơ với việc luân canh các loại cây trồng, không sử dụng các hóa chất độc hại, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; canh tác đúng cách, đúng thời điểm để bảo đảm dinh dưỡng và sự cân bằng của đất làm giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện và bảo đảm cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức tài nguyên… là xu thế tất yếu.
Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Từ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác, sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí và thất thoát sau thu hoạch, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ được hệ sinh thái và sức khỏe của con người.
Hội Nông dân Việt Nam có vai trò quan trọng thúc đẩy thay đổi một số thói quen của người nông dân để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Trước hết, Trung ương Hội đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về chủ  trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Hội về quản lý tài  nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung tuyên  truyền Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Tài nguyên nước… chủ trương, chính sách của các địa phương;  Nghị quyết và các hoạt động của Hội tham gia bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó  với biến đổi khí hậu, để cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa,  tầm quan trọng và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường ở nông thôn,  bảo vệ nguồn nước phục vụ sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu sản xuất, bảo vệ sức khỏe, cải  thiện đời sống. Trung ương Hội đã chỉ đạo, hỗ trợ và hướng dẫn các cấp Hội xây dựng các mô hình: “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ  thành phân bón, góp phần bảo vệ môi trường”; “Hội Nông dân tham gia cải thiện  điều kiện vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới”; “Vận động nông dân xây dựng nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh”; “Cánh đồng không vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật”; “Nói  không với túi nilon và rác thải nhựa”; “Nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch”;  “Bảo vệ môi trường biển”; “Sạch từ nhà ra ngõ”; “Tiếng kẻng vệ sinh môi  trường”; “Sạch làng, tốt ruộng, đẹp quê hương”, “Mô hình ứng dụng chế phẩm  vi sinh trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học”; “Mô hình tổ  hợp tác và hợp tác xã kiểu mới ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị”; “Xây dựng cống ngăn mặn xâm nhập, trồng cây phân tán trên các tuyến  kênh chống gió, bão, lũ lụt và biến đổi khí hậu”; “Đoạn đường nông dân tự quản”; “Hàng cây nông dân” … Nhiều mô hình được các  cấp, các ngành và người dân đánh giá có hiệu quả, thiết thực và được nhân rộng ở nhiều địa phương. 
Với vị trí, vai trò của mình, Hội Nông dân Việt Nam đã cùng các cấp ủy, chính quyền, tổ chức xã hội làm được nhiều việc thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và hành động của cán bộ, hội viên, nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác