Thay đổi nhận thức về hiến máu tình nguyện
Tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày phát động phong trào hiến máu nhân đạo tại Việt Nam do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho rằng, 30 năm qua thực sự là cuộc "cách mạng" thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện.
Giai đoạn trước năm 1994, tại Hà Nội và một số địa phương có những hoạt động nói chuyện, tư vấn và vận động công nhân lao động, y bác sĩ, sinh viên tham gia hiến máu.
Tuy nhiên, các hoạt động này còn nhỏ lẻ, không lan rộng và không thường xuyên do chưa có sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và người dân. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, những người khó khăn mới phải hiến máu, tức là bán máu để lấy tiền.
Khi đó, mỗi năm, nước ra chỉ tiếp nhận khoảng 100.000 đơn vị máu, trong đó tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt chưa đến 10%. Danh sách bệnh nhân chờ máu để được điều trị nối dài tại các cơ sở y tế.
Đến nay, hoạt động hiến máu tình nguyện ở nước ta đã trở thành một phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội với đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Riêng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, năm 2023 Viện đã tiếp nhận gần 500.000 đơn vị máu, chiếm 32% tổng lượng máu tiếp nhận toàn quốc. Trung tâm Máu quốc gia thuộc Viện đã cung cấp máu và chế phẩm máu cho 181 bệnh viện, cơ sở y tế của các tỉnh, thành khu vực phía Bắc.
Đồng thời, Trung tâm còn điều phối, hỗ trợ hàng chục nghìn đơn vị máu cho các địa phương khác như TPHCM khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khu vực Tây Nam Bộ và Tây Nguyên (trong năm 2023) khi các địa phương này gặp khó khăn về thiếu vật tư, sinh phẩm y tế.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao các hoạt động của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp, của các cơ quan, đơn vị… đối với phong trào hiến máu ở nước ta.
Để tiếp tục duy trì và phát triển bền vững phong trào hiến máu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các đơn vị tập trung đề xuất xây dựng các giải pháp và triển khai để duy trì và phát triển nguồn người hiến máu tình nguyện ngày càng ổn định, thực chất và bền vững hơn, đảm bảo nguồn máu an toàn, chất lượng điều trị cho người bệnh từ tuyến Trung ương đến các địa phương, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…
Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu; đa dạng các loại hình truyền thông, vận động hiến máu; đẩy mạnh vận động người hiến máu nhắc lại, hiến máu thường xuyên…
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng lưu ý, cần quan tâm việc ứng dụng chuyển đổi số y tế vào quản lý người hiến máu và các đơn vị máu; kết nối thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu người hiến máu thống nhất, liên thông giữa các địa phương, giữa các trung tâm máu, bệnh viện có tiếp nhận máu.
Các cơ quan liên quan cũng cần có những nghiên cứu, đánh giá, rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động truyền máu, đến người hiến máu.
Theo Chinhphu.vn