Huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị:
Thí điểm trồng quế thất bại, nông dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng
Ông Trần Thọ Liên (trú thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) – Trưởng nhóm tham gia dự án trồng cây quế cho hay, tham gia trồng cây quế hồi có 20 hộ với diện tích 6ha, nhóm thực hiện trồng cây quế vào cuối năm 2021, thời gian đầu cây phát triển tốt khiến chúng tôi rất phấn khởi nhưng đến năm 2023 nắng hạn dài ngày, vùng đất trồng là đất đồi núi nên không cách nào cứu vãn khiến cây bắt đầu chết dần. Cuối năm 2023 thì quế gần như chết hết nên chúng tôi đã họp nhóm lại kiến nghị lên các cấp chính quyền xin chuyển qua trồng cây tràm gỗ lớn.
“Ngoài diện tích tham gia cùng nhóm 20 hộ trên, gia đình tôi cũng có trồng riêng 0,6ha cây quế. Mặc dù ở gần nhà, đã nhiều lần tưới nước nhưng những tháng giữa năm 2023 nắng nóng kèm gió Lào khiến cây giống khô héo rồi chết dần. Gia đình tôi đã nhiều lần trồng dặm nhưng cây vẫn cứ chết, những cây còn sống đến hiện tại thì còi cọc, không đồng đều. Mặc dù vậy, nhưng gia đình vẫn không nỡ chặt bỏ đi vì tiếc tiền và công sức đã bỏ ra, vẫn chăm sóc nhưng gia đình không biết sau này có được thu mua hay không, nên chúng tôi cũng rất lo lắng”, ông Liên tâm sự.
Cùng trong nhóm trồng quế, chị Nguyễn Thị Bông (50 tuổi, ngụ thôn An Mỹ) cho hay, số tiền gia đình bỏ ra để tham gia nhóm trồng quế khoảng hơn 20 triệu đồng coi như mất trắng. Chưa kể công chăm sóc, công trồng… mất hai năm với cây quế, không có thu nhập khiến gia đình khá khó khăn.
“Chúng tôi đi tập huấn nhận thấy cây quế có giá trị kinh tế cao, dễ trồng lại được chính quyền hỗ trợ nên đã tham gia đầu tư vào cây quế. Thế nhưng thời tiết khắc nghiệt, cây quế cũng chết hết nên phải chuyển qua trồng cây tràm. Thấy tiền “đổ sông đổ biển” cũng tiếc lắm nhưng biết sao bây giờ, đây coi như bài học kinh nghiệm vậy”, chị Bông than thở nói.
Ông Nguyễn Anh Tuân, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết, xã có tham gia trồng cây quế với diện tích hơn 35ha. Ban đầu, cây quế sinh trưởng và phát triển tốt nhưng trong các đợt nắng nóng cây quế bắt đầu chết dần, đến hiện tại diện tích quế ở xã hầu như không còn. Xã đã có những phương án hỗ trợ người dân mua cây giống, phân bón để chuyển đổi sang cây trồng gỗ lớn nhằm thích nghi với khí hậu địa phương.
“Mô hình trồng cây quế được hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng có thể do khí hậu khắc nghiệt khiến cây chết, đây là điều không ai mong muốn xảy ra. Mỗi hecta cây quế hồi đầu tư giống và phân bón hết 54 triệu đồng và được ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ 50% giống, phân bón. Cây quế chết, người dân bị thiệt hại khá nặng nề, chưa kể trong thời gian canh tác không hiệu quả, không có nguồn thu khiến người dân địa phương hết sức khó khăn”, ông Tuân cho hay.
Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho hay, thấy cây quế có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, cùng với đó là theo chủ trương đưa huyện Cam Lộ phát triển thành “thủ phủ” cây dược liệu của tỉnh. Huyện đã cho nông dân trong xã được đi tham quan tại tỉnh Yên Bái, đưa mẫu đất đi kiểm tra và cho kết quả rất phù hợp nên đã lên phương án trồng thử nghiệm cây quế. Tuy nhiên, thực tế cây quế lại không thể trồng trên vùng đất này vì có thể do nắng nóng kèm gió Lào nên cây không chịu được.
Huyện Cam Lộ đã trồng được 127,8ha cây quế, cây giống chủ yếu lấy từ tỉnh Yên Bái và Kon Tum. Tính đến hiện tại huyện này chỉ còn khoảng hơn 8ha quế đang còn sống, số còn lại tỉ lệ chết trên 70%. Với những diện tích trồng thí điểm cây quế thất bại, địa phương sẽ hỗ trợ người dân chuyển đổi sang cây rừng gỗ lớn để phù hợp với điều kiện khí hậu.