Thị trường nông sản ngày 12/8: Giá gạo xuất khẩu bật tăng, giá trong nước ổn định
Gạo xuất khẩu của Việt Nam “ngược chiều” tăng cao
Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, nhiều mặt hàng gạo xuất khẩu ghi nhận điều chỉnh tăng. Cụ thể, gạo 100% tấm ở mức 435 USD/tấn; gạo tiêu chuẩn 5% tấm giữ vững ở mức 562 USD/tấn tăng 3 USD; gạo 25% tấm ở mức 525 USD/tấn, tăng 5 USD.
Như vậy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang đi “ngược chiều” với xu thế giảm chung của một số nước. Cụ thể, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, được báo giá ở mức 539-545 USD/tấn, giảm so với mức 543 - 551 USD/tấn của tuần trước. Tại Thái Lan, gạo 5% tấm được báo giá ở mức 565 USD/tấn, giảm so với mức 570 - 575 USD/tấn của tuần trước.
Tại thị trường trong nước, giá gạo ghi nhận không có điều chỉnh so với ngày hôm qua. Cụ thể, gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu giữ ở mức 11.400 - 11.550 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 giữ ở mức 13.550 - 13.650 đồng/kg/.
Tại các chợ lẻ, giá gạo ghi nhận không có sự điều chỉnh với các mặt hàng gạo lẻ. Hiện gạo Nàng Nhen có giá niêm yết cao nhất 30.000 đồng/kg; gạo Jasmine 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Nàng hoa 20.000 đồng/kg; gạo tẻ thường dao động quanh mốc 15.000 - 16.000 đồng/kg; thơm Thái hạt dài 20.000 - 21.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 20.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 18.500 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 20.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg.
Giá cà phê “tuột dốc”, hồ tiêu “nhích” nhẹ
Hiện tại, giá cà phê trên thị trường thế giới đang được ghi nhận xu thế giảm đồng loạt. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 9/2024 được ghi nhận tại mức 4.326 USD/tấn, giảm 2,48%; giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 tại New York ở mức 234,05 UScent/pound sau khi giảm 4,59%.
Trước đó, giá mặt hàng cà phê các loại liên tục tăng mạnh do nguồn cung toàn cầu sụt giảm. Qua đó, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới đã phần nào được hưởng lợi từ xu hướng này.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 cũng giúp ngành Cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU. Đặc biệt, đối với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm cà phê khác, khi mức thuế đã được đưa về 0%, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế biến và nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam, từ đó tăng cường kim ngạch xuất khẩu vào EU.
Việt Nam hiện đã vượt qua nhiều nước sản xuất hàng đầu khác như Ấn Độ, Thụy Sỹ, Brazil… để trở thành nhà cung cấp cà phê chế biến (cà phê hòa tan, hỗn hợp cà phê) hàng đầu vào EU chỉ sau thị trường Anh.
Cũng trong ngày 12/8, giá hồ tiêu tại một số địa phương ghi nhận mức tăng nhẹ khoảng 500 đồng/kg. Qua đó, giá mặt hàng nông sản này tại một số địa phương như Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước dao động từ 141.000 - 142.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá giao dịch tiêu đen Lampung (Indonesia), giá thu mua tiêu đen Brazil ASTA 570 và giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA duy trì ổn định so với ngày 9/8; giá thu mua tiêu trắng Muntok và giá tiêu trắng Malaysia ASTA không có thay đổi mới.