Thị trường nông sản ngày 3/7: Giá hồ tiêu bất ngờ tăng vọt
Thị trường hồ tiêu tiếp tục “nóng”
Hai tỉnh Đắk Lắk và Bình Phước, giá hồ tiêu tăng 2.000 đồng/kg lên mức 157.000 đồng/kg. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu sau khi tăng 3.000 đồng/kg cũng neo cùng mức giá hai địa phương trên.
Ngoài ra, hồ tiêu giao dịch ở tỉnh Gia Lai tăng 3.000 đồng/kg lên mức 156.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá mặt hàng này tại Đắk Nông không ghi nhận sự điều chỉnh giữ nguyên ở mức 157.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá giao dịch tiêu đen Lampung (Indonesia) giảm 0,18%, trong khi giá thu mua tiêu đen Brazil ASTA 570 và giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA duy trì ổn định so với ngày 1/7; giá thu mua tiêu trắng Muntok giảm 0,18% và giá tiêu trắng Malaysia ASTA không có thay đổi mới.
Dữ liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, diện tích và sản lượng tiêu ngày càng giảm, năm 2020 diện tích hơn 130.000ha, năm 2023 chỉ còn 120.000ha, sản lượng đạt 190.000 tấn. Ước tính sản lượng tiêu năm nay tiếp tục giảm xuống chỉ còn khoảng 170.000 tấn, mức thấp nhất 5 năm gần đây.
Theo nhận định từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) nguyên nhân diễn biến thị trường hồ tiêu thất thường là do vài năm trở lại đây giá tiêu duy trì mức thấp kéo dài khiến diện tích sụt giảm.
Bên cạnh đó, năm nay tình hình thời tiết nắng nóng và khô hạn bất thường khiến sản lượng tiếp tục giảm mạnh. Sản lượng năm nay dự kiến chỉ khoảng 170.000 tấn, giảm 10% so với năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. Nguồn cung giảm khiến giá hồ tiêu liên tục có biến động trong thời gian qua, xu thế chung là tăng.
Giá gạo, cà phê xu hướng giảm
Thị trường gạo tại các địa phương Sa Đéc (Đồng Tháp), An Cư (Cái Bè, Tiền Giang), Lấp Vò (Đồng Tháp) tiếp tục ghi nhận không khí trầm lắng, nguồn cung về chậm, giá giảm nhẹ.
Số liệu cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho thấy, giá gạo hôm nay có điều chỉnh so với ngày hôm qua. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 10.700 - 10.800 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 giữ nguyên ở mức 12.600 - 12.800 đồng/kg.
Tại các chợ lẻ, giá gạo không có điều chỉnh. Hiện gạo Nàng Nhen có giá niêm yết cao nhất 30.000 đồng/kg; gạo Jasmine 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Nàng hoa 20.000 đồng/kg; gạo tẻ thường dao động quanh mốc 15.000 - 16.000 đồng/kg; thơm thái hạt dài 20.000 - 21.000 đồng/kg; gạo Hương lài 20.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 18.500 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 20.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg.
Về mặt hàng cà phê, xu thế chung trên thị trường thế giới đều ghi nhận giảm giá. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 9/2024 được ghi nhận tại mức 4.020 USD/tấn, giảm 1,16%; Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 tại New York ở mức 224,5 UScent/pound sau khi giảm 0,16%.
Tuy nhiên, theo dự báo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) giá cà phê sẽ tăng trở lại, chủ yếu đến từ việc giới đầu tư gia tăng lo ngại đối với triển vọng nguồn cung từ Việt Nam.
Hiện các quỹ đầu cơ đã gia tăng vị thế mua ròng với dự báo nguồn cung Robusta từ Việt Nam sẽ còn tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới. Thông tin từ nhà giao dịch Volcafe, sản lượng cà phê Robusta niên vụ 2024/2025 của Việt Nam ước đạt 24 triệu bao, mức thấp nhất trong vòng 13 năm, do thời tiết không thuận lợi.
Còn theo báo cáo của Cơ quan thường trú nước ngoài Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post), sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2024 - 2025 dự báo vào khoảng 29 triệu bao (loại 60 kg/bao), giảm nhẹ so với ước tính 29,1 triệu bao của niên vụ 2023 - 2024.
Trong đó, sản lượng cà phê robusta đạt 27,85 triệu bao, thấp hơn so với mức 28 triệu bao của niên vụ trước. Trong khi sản lượng arabica sẽ tăng nhẹ lên 1,15 triệu bao.
Ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 của Việt Nam được điều chỉnh tăng 6% so với dự báo trước lên 29,1 triệu bao. Giá cà phê cao hơn trong niên vụ 2023 - 2024 khuyến khích nông dân tăng cường đầu tư vào sản xuất để giảm tổn thất thu hoạch cũng như các đầu vào khác.