Thu tiền tỉ nhờ được hỗ trợ vay vốn sản xuất
Từ bàn tay lao động cần mẫn cùng với nguồn vốn hỗ trợ tạo đà, nông dân Trần Văn Dương (SN 1973) hội viên nông dân khối 2 thị trấn Hưng Nguyên (Nghệ An) làm ăn ngày một khấm khá nhờ chăn nuôi vịt, nuôi cá và cây ăn quả.
Nguồn vốn vay ưu đãi tạo đòn bẩy làm giàu
Muốn phát triển kinh tế hộ gia đình ngoài các yêu cầu cơ bản trong sản xuất nông nghiệp còn đòi hỏi phải có nguồn tài chính để hỗ trợ cho hoạt động đầu tư cơ sở vật chất ban đầu cũng như con giống, cây trồng. Vì thế, khi được quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền cũng như các tổ chức càng tạo thêm động lực cho người dân yên tâm để sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.
Hàng năm, các cấp Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên rất quan tâm đến nguồn vốn vay cho hội viên, nông dân để đầu tư phát triển sản xuất. Ngoài nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân được bổ sung hàng năm thì việc phối hợp và nhận ủy thác từ các tổ chức ngân hàng cũng được chú trọng. Điển hình như việc người dân tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội thông qua con số vay tăng hàng năm. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm doanh thu cho vay từ nguồn vốn ủy thác qua Hội Nông dân là gần 19 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến hết tháng 6 năm 2021 là hơn 90 tỷ đồng chiếm 25,46% tăng gần 4,3 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó một số đơn vị có mức tăng lớn như Hưng Phúc, Hưng Đạo, Hưng Yên Bắc.
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ ban đầu mà hội viên Trần Văn Dương có thêm động lực để bắt tay vào xây dựng trang trại cùng với sự giúp đỡ từ địa phương và gia đình. Ông Dương cho biết: “Thời gian trước, tôi đi vào miền Nam làm ăn với hi vọng kiếm được của ăn của để nhưng đất khách khó khăn đủ thứ, không đủ trang trải cuộc sống mà cũng cực lắm nên tôi quyết định về quê. Đúng dịp địa phương có chủ trương xanh hóa ruộng đồng nên tạo điều kiện cho tôi ra cải tạo đất hoang hóa để làm ăn. Lúc đó, vốn không có để đầu tư và được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay thông qua ủy thác của Hội Nông dân mà gia đình tôi có thêm niềm tin để bắt tay vào xây dựng kinh tế gia đình”.
Dù có những vất vả khi bắt đầu xây dựng trang trại nhưng bằng nghị lực, sự cần mẫn và được hỗ trợ tích cực từ chính quyền, các đoàn thể ông đã thành công với trang trại tổng hợp quy mô hơn 1,5 ha nuôi vịt, đào ao thả cá . Đồng thời, ông còn tận dụng được đất rộng trồng thêm cây ăn quả như ổi, đu đủ nhập cho các tiểu thương chợ Vinh. Ở những vùng đất trũng, dễ bị ngập nước gia đình tiến hành trồng rau muống, lúa để lấy đó làm nguồn thức ăn bổ sung cho vịt. Một chu trình nuôi trồng khép kín đảm bảo lượng thức ăn đủ cho đàn vịt, cỏ cho cá.
“Ông Dương không chỉ cần cù, chịu khó làm ăn mà ông còn là một người có sáng tạo trong phát triển kinh tế và tham gia rất nhiều hoạt động của phong trào Hội. Dịp vừa rồi dịch bệnh bùng phát ở Nghệ An, vịt ấp của người dân bí đầu ra ông đã hỗ trợ mua 2.000 con giống giúp giải quyết khó khăn trước mắt và ủng hộ trứng cho các điểm cách ly”, ông Hà Huy Thọ – Chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn Hưng Nguyên chia sẻ.
Phát huy giá trị đất hoang, nâng cao thu nhập
Vùng đất Cồn Chạ thuộc đất 5% của xã, ngày trước đất được người dân sản xuất nhưng do trồng lúa không phù hợp nên không phát huy hiệu quả cây trồng. Do đó, họ hết mặn mà canh tác rồi bỏ hoang một thời gian dài, cây cỏ dại mọc um tùm. Ông Dương chia sẻ: “Cả một vùng đất rộng mênh mông không một cây trồng có giá trị, tiếc đất mà người thì nhàn rỗi nên tôi trăn trở mãi nên làm gì cho phù hợp với “vùng đất chết” bấy lâu. Và rồi tôi có thêm động lực để khai hoang, phục hóa đất khi chính quyền có chủ trương mới về phủ xanh đất, phát huy giá trị kinh tế từ nguồn lợi đất sẵn có trên địa bàn”.
Năm 2012 do mới bắt tay vào xây dựng trang trại nên mọi việc còn nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh nghiệm trong chăn nuôi còn bở ngỡ nên gia đình ông chỉ nuôi mỗi lứa khoảng 500 con, mỗi năm xuất 5 – 6 lứa dao động khoảng 3.000 con vịt. Sau nhiều năm gắn bó với nghề chăn thả vịt, hiện tại ông nuôi mỗi lứa khoảng 3.000 đến 3.500 con, mỗi năm xuất ra thị trường vịt thương phẩm từ 4 đến 5 lứa biến động từ 14.000 đến 16.000 con vịt.
Với đàn vịt thương phẩm 3.000 con nếu nuôi nhốt thì mỗi ngày mất khoảng hơn 3 triệu tiền thức ăn nhưng nhờ tận dụng được cánh đồng lớn và người dân mới thu hoạch vụ lúa vừa rồi nên vịt nuôi chủ yếu thả đồng, tiền thức ăn mỗi ngày chỉ hết khoảng 1,5 triệu đồng. Nhờ đó giảm thiểu được rất lớn về lượng tiền phải bỏ ra hàng ngày. Giá vịt thương lái đến thu mua hiện tại được 41.000 đồng/kg, đợt trước không có xuất hiện dịch bệnh và phía Bắc khan hiếm thì giá vịt lên tới 47.000 đồng/kg. Bình quân thu nhập từ vịt thương phẩm khoảng 700 triệu/năm chưa kể chi phí.
Bên cạnh vịt thương phẩm ông còn nuôi khoảng 1.000 con vịt đẻ trứng, đêm nào ít thì 600 quả, còn nhiều thì tùy vào điều kiện chăm sóc. Giá bán hiện tại 3.000 đồng/quả và được thương lái vào tận trại thu mua. Riêng với trứng thị trường ổn định hơn, ngày nào cũng có tiểu thương ở Vinh lên mua cố định. Mỗi ngày thu khoảng 1,8 đến 2 triệu đồng. Còn với cá, ổi và đu đủ mỗi năm thu hoạch cũng đủ để trang trải mọi thứ trong cuộc sống của cả gia đình.
Theo ông Dương thì vịt nuôi đẻ trứng kỳ công hơn so với vịt thương phẩm, vịt thịt có thể đói hơn một tí cũng được nhưng với vịt đẻ trứng phải cho ăn đều, đủ chất như thế mới đẻ trứng đều và to được. Ngoài việc cho ăn cám thì gia đình ông con cho ăn thêm lúa, rau, chuối cây để giảm bớt tiền mua cám hàng tháng.
“Chăn nuôi trong giai đoạn này cũng có nhiều khó khăn do dịch bệnh tràn lan nên giá cả có biến động. Đặc biệt là khi hàng hóa không lưu thông được thì tồn ứ lắm. Nhìn chung sản xuất nông nghiệp giá cả không mấy khi ổn định cả giai đoạn nên người chăn nuôi như chúng tôi thường phải tính toán khả năng đầu ra cho sản phẩm của mình. Nghề nông nghiệp vất vả lắm, chăn nuôi lại càng vất vả hơn, tay chân hoạt động thường xuyên không bao giờ được nghỉ ngơi”, ông Dương cho biết thêm.
Bùi Ánh