Thủ tướng chỉ đạo sớm mở cửa trường học, du lịch
Sáng 27/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19 bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; chuẩn bị mở cửa trường học trở lại và mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cuộc họp nhằm rà soát, nắm tình hình dịch bệnh, nhất là xem xét về những vấn đề phát sinh, đáng lưu ý để có giải pháp chủ động xử lý kịp thời. Qua đó góp phần để nhân dân được đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh.
Đặc biệt việc hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân năm 2022, phấn đấu đến hết tháng 1/2022 tiêm đủ 2 mũi vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi; đến hết quý 1/2022 tiêm xong mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên; tiếp tục nghiên cứu tính khoa học, hoàn thiện thủ tục pháp lý, xem xét, nghiên cứu nhập vaccine để tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đợt dịch thứ 4 đến ngày 26/1, cả nước đã ghi nhận trên 2,1 triệu ca mắc, hơn 1,9 triệu người đã khỏi bệnh, số ca tử vong giảm mạnh. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 166 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 6 trường hợp phát hiện trong nước. Đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước.
Trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron, thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron.
Thảo luận tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho biết, trong dịp Tết, cùng với thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông; chăm lo an sinh xã hội, các địa phương kiểm soát chặt chẽ và sẵn sàng các điều kiện ứng phó với dịch COVID-19 để mọi người dân đều được vui Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn việc sử dụng vaccine Moderna tiêm mũi 3 cho người dân và đẩy nhanh quá trình xem xét tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi; hướng dẫn thống nhất mở cửa trường học và đón khách du lịch.
Các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành thảo luận, thống nhất về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; chuẩn bị sẵn sàng mở cửa trường học trở lại và mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế - xã hội; chuẩn bị cho người dân đón Tết... Các bộ, ngành cũng đề nghị cùng với phòng, chống dịch, các địa phương tạo mọi điều kiện để mọi người dân đều được về quê ăn Tết; chuẩn bị phương án để đưa học sinh, sinh viên đến trường bắt đầu từ ngày 7 đến 14/2.
Tự tin mở cửa nhưng không lơ là, chủ quan
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Số ca mắc mới tại miền Tây Nam Bộ giảm mạnh; số ca nặng, số ca tử vong đã giảm sâu so cùng kỳ tháng 12/2021 ngày càng chứng tỏ sự phù hợp của chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt chứng tỏ vắc xin đã bước đầu phát huy hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh, không được lơ là, chủ quan, không vì nghỉ Tết mà chậm lại, giãn ra, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Càng Tết lại càng phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch và phải bảo đảm cho nhân dân có một Tết Nguyên đán an toàn ở mức độ cao nhất. Dự báo tốt nhất để có nhiệm vụ mục tiêu cho phù hợp, và có phương án ứng phó khoa học hợp lý, phù hợp, tích cực chủ động.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch. Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho chủ trương tại Nghị quyết số 12/2021/QH15. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung hướng dẫn về xác định cấp độ dịch cho phù hợp tình hình mới trong điều kiện đã bao phủ vaccine. Cần thực hiện khẩn trương việc này vì đây là vấn đề nền tảng, là cơ sở để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên từng địa bàn cụ thể.
Về tiêm vaccine, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương tiếp tục đẩy nhanh, “thần tốc” tiêm chủng vaccine, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ Y tế chịu trách nhiệm bảo đảm cung ứng đủ vaccine; các địa phương chịu trách nhiệm về việc tổ chức tiêm trên địa bàn.
Về thuốc, Thủ tướng giao Bộ Y tế tập trung chỉ đạo việc bảo đảm nguồn, phân bổ kịp thời thuốc điều trị; đối với các loại thuốc thiết yếu, phải có cơ số dự phòng phù hợp cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các tổ chức, đơn vị khẩn trương nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị COVID-19 khoa học, hiệu quả, đúng quy định pháp luật; thúc đẩy thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 trong nước.
Tinh thần là điều trị giảm tử vong vẫn là ưu tiên hàng đầu; các biện pháp đều đã được quy định. Yêu cầu đặt ra là tiếp tục thực hiện quyết liệt để tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất, tại chỗ để giảm mạnh các trường hợp bệnh trở nặng. Hết sức quan tâm các bệnh nhân có bệnh lý nền, người già, người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine.
Bộ Y tế tiếp tục cập nhật, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy trình, phác đồ, theo dõi y tế, chăm sóc, điều trị tại nhà đối với các trường hợp F0, các ca bệnh nhẹ; các trường hợp tiếp xúc gần. Ngành y tế phải bảo đảm đồng thời công việc khám, chữa bệnh, cấp cứu các bệnh khác trong dịp Tết.
Về mở cửa trường học, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế tập trung chỉ đạo, chuẩn bị thật chu đáo cho việc mở cửa trường học. Nguyên tắc là thực hiện sớm nhất có thể, song không phải ồ ạt mà phải bảo đảm chắc chắn, an toàn, phải căn cứ vào cấp độ dịch, bảo đảm quyền lợi của học sinh. Theo đó mở ngay sau Tết tại các địa phương cấp độ 1, 2; có lộ trình phù hợp với diễn biến dịch tại các địa phương cấp độ 3, 4; Việc tổ chức cho trẻ em, học sinh trong độ tuổi từ 5 - 11 trở lại trường không phụ thuộc vào việc tiêm vaccine.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương tổ chức diễn tập các phương án xử lý khi có ca nhiễm COVID-19 trong trường học, lớp học.
Về mở cửa du lịch, Thủ tướng chỉ rõ, cùng với việc mở lại các đường bay thương mại cần tổ chức các chuyến bay đón người Việt Nam ở nước ngoài về, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định như cách ly, xét nghiệm, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho những người chưa tiêm. Việc mở lại hoạt động du lịch, đón khách quốc tế phải đồng bộ cả đường bộ, đường biển, đường hàng không.
Bộ Y tế hướng dẫn việc xét nghiệm khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam, với điều kiện tiên quyết là tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19. Du khách quốc tế được di chuyển đến các điểm du lịch trong cấp độ dịch cho phép, tuân thủ đầy đủ việc khai báo thông tin tại các cơ sơ lưu trú và trên phần mềm giám sát y tế.
Mở lại du lịch, chậm nhất vào dịp 30/4
Về lộ trình mở lại toàn bộ hoạt động du lịch, Thủ tướng chỉ rõ, chậm nhất là 30/4 – 1/5 phải mở cửa lại trên tinh thần an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tích cực mở rộng hoạt động thí điểm đón khách quốc tế thời gian qua, nếu điều kiện chín muồi có thể đẩy sớm hơn. Những điểm du lịch đã hoàn thành tiêm vaccine mũi bổ sung trong độ tuổi thì có thể đón khách quốc tế. Các tour du lịch có thể thay đổi lộ trình, thời gian tham quan với điều kiện thông tin đầy đủ cho cơ quan quản lý.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt, kịp thời chế độ, chính sách, động viên cả về vật chất, tinh thần, đối với lực lượng tuyến đầu.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh; đề cao ý thức người dân tự giác thực hiện 5K (nhất là sử dụng khẩu trang, không tụ tập), bảo vệ sức khỏe của mình, gia đình mình và cộng đồng. Tăng cường truyền thông về phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Bộ Y tế hướng dẫn việc xét nghiệm khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam, với điều kiện tiên quyết là tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19. Du khách quốc tế được di chuyển đến các điểm du lịch trong cấp độ dịch cho phép, tuân thủ đầy đủ việc khai báo thông tin tại các cơ sơ lưu trú và trên phần mềm giám sát y tế.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, bảo đảm công tác an sinh xã hội, tinh thần không để ai không có tết, bỏ lại, an toàn, nghĩa tình, tri ân, vui vẻ, tiết kiệm;
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phải bảo đảm ổn định chính trị, an ninh, an toàn, an dân; các bộ, cơ quan phối hợp với các địa phương tổ chức cho người dân về quê đón Tết an toàn và trở lại nơi làm việc kịp thời./.
Theo VOV
- Quốc hội thông qua Luật Dược sửa đổi với 7 nhóm điểm mới cơ bản
- Từ ngày 20/11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 thông qua nhiều dự án luật quan trọng
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Triển khai công việc theo tinh thần 'vừa chạy vừa xếp hàng'
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11