Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp "đồng cam cộng khổ", lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ
Sáng 21/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề “Phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”.
Chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính Quốc tế và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức.
Với chủ đề “Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”, diễn đàn là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam; thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2021 với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng: Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% với gần 670 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Thu hút vốn FDI năm 2021 tăng cao (9,2%). Từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao trên thế giới, và từ tháng 10/2021 đã chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy, Việt Nam đã không bỏ lỡ mà bắt kịp và tích cực tham gia vào các xu thế lớn trên thế giới như xu thế thích ứng an toàn; xu thế mở cửa; xu thế phục hồi, phát triển; xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 cùng với các đợt phong tỏa, giãn cách liên tiếp và nghiêm ngặt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm lắng nghe và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện bằng hàng loạt các cuộc hội nghị, đối thoại, gặp mặt trong thời gian qua. Chính phủ cũng triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhìn chung, việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, góp phần giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.
Tại Diễn đàn VBF, đại diện các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đã trình bày các tham luận về đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phục hồi của nền kinh tế; vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Trong đó tập trung vào nâng cao năng lực sản xuất, công nghiệp hỗ trợ trong nước và phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, tăng liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam.
Đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã phát biểu phản hồi trước các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất, thông suốt, đồng bộ trong việc giải thích và áp dụng pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và các pháp luật liên quan khác và các hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục đầu tư... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới, trong đó tập trung xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với 3 nội dung chính là xóa bỏ quan liêu bao cấp, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, hội nhập kinh tế quốc tế. Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu có tính chất lịch sử; chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ta hiện nay.
Năm 2021, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao trên thế giới, và từ tháng 10/2021 đã chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đã không bỏ lỡ mà bắt kịp và tích cực tham gia vào các xu thế lớn trên thế giới như xu thế thích ứng an toàn; xu thế mở cửa; xu thế phục hồi, phát triển; xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò và những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời cũng thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam, tạo đà để thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược đến năm 2030. Việt Nam đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ dựa trên nền tảng sức mạnh tổng hợp quốc gia, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước sau 35 năm Đổi mới. Đây cũng là thời điểm thử thách bản lĩnh, sự sáng tạo và năng lực thích ứng của cả Chính phủ và doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn trên tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Trước mắt thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với Chương trình tổng thể phòng chống dịch COVID-19, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine. Tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam tập trung các giải pháp nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hoá, ổn định nguồn nhiên liệu; hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới; trọng tâm là ưu tiên các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng, nhân lực, hạ tầng, logistic… Đặc biệt là phát triển thị trường các nhân tố sản xuất như thị trường vốn, thị trường đất đai, thị trường tài nguyên, thị trường khoa học công nghệ, trí tuệ theo hướng thị trường hơn, cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn.
Chính phủ Việt Nam tạo môi trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đầu tư vào công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp thông minh; bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phục vụ an sinh xã hội.
Dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việt Nam tận dụng cơ hội của các hiệp định FTA thế hệ mới như các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP... để mở rộng thị trường, đa dạng hóa quan hệ đầu tư kinh doanh, cân bằng hài hòa với phát triển thị trường trong nước; có biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa...
Cũng tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ giao bộ, ngành, đơn vị liên quan tổng hợp các ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phân công các Bộ ngành nghiên cứu, xử lý và tham mưu hoàn thiện về thể chế, chính sách, pháp luật; đặc biệt là hướng dẫn và giám sát khâu thực thi chính sách ở các cấp.
Thủ tướng giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương có phản hồi đối với kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn này. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hoặc trình các cấp có thẩm quyền.
Tăng cường tổ chức đối thoại chính sách với các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; để thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét tiếp thu, lồng ghép các đề xuất, kiến nghị hợp lý của các đại biểu tại Diễn đàn vào các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ mình trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; đồng thời phục vụ trong công tác tham mưu, xây dựng chính sách, pháp luật trong thời gian tới.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định, với chủ đề điều hành của năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", Chính phủ Việt Nam sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, quyết liệt, sáng tạo, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính; mong muốn cộng đồng doanh nghiệp cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam./.
Theo VOV