Thời sự trong nước

Thủ tướng thăm Singapore và Brunei, thúc đẩy “Ngoại giao cây tre" độc lập, linh hoạt

16:25 06/02/2023 GMT+7
Chuyến thăm chính thức Singapore và Brunei của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 8-11/2 tới nằm trong tổng thể đường lối “ngoại giao cây tre” độc lập và linh hoạt của Việt Nam, góp phần củng cố và đưa mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Singapore và Brunei lên tầm cao mới.

Nhận định này được học giả, chuyên gia quan hệ quốc tế kỳ cựu của Thái Lan, ông Kavi Chongkittavorn đưa ra trong một bài viết mới đây đăng trên trang báo ThaiPBS.

Thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore

Theo học giả Kavi, sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Singapore không ngừng được củng cố và trở thành một trong những mối quan hệ Đối tác Chiến lược hiệu quả nhất trong khu vực. Hai nước đều là thành viên chủ chốt của ASEAN, cùng chia sẻ triển vọng hợp tác an ninh cả trong khu vực và quốc tế. Theo đó, chuyến thăm Singapore sắp tới của Thủ tướng Việt Nam nằm trong chuỗi các sự kiện nhằm kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Singapore là thời điểm thích hợp để lãnh đạo hai nước gặp gỡ, tái khẳng định cam kết lâu dài đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Quan trọng nhất, thông qua chuyến thăm, Việt Nam muốn chuyển tải thông điệp về một nền kinh tế ổn định, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thời kỳ hậu đại dịch Coivd-19.

thu tuong tham singapore va brunei, thuc day ngoai giao cay tre doc lap, linh hoat hinh anh 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Singapore hiện là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại ASEAN và là nhà đầu tư lớn thứ hai trong số 140 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 5/2022, Singapore có hơn 3.000 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng giá trị khoảng 70 tỷ USD. Các khoản đầu tư này trải rộng trên 51 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tập trung trong các lĩnh vực sản xuất chế biến, năng lượng và bất động sản. Một trong những dự án mang tính biểu tượng cho quan hệ hợp tác giữa hai nước là Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore, hiện thu hút gần 1.000 doanh nghiệp đầu tư phát triển, trực tiếp tạo ra gần 300.000 việc làm.

Tuy nhiên, học giả Kavi cho rằng, điều làm cho mối quan hệ Việt Nam-Singapore trở nên độc đáo là mối quan hệ hợp tác của hai nước trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, với việc duy trì các hoạt động thăm viếng cấp cao và tổ chức đối thoại chiến lược. Trong ASEAN, Việt Nam và Singapore đều chia sẻ quan điểm chung về hoạt động cạnh tranh nước lớn và những hệ lụy đối với khu vực. Hai nước đều ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN, kêu gọi tất cả các đối tác đối thoại của ASEAN can dự tích cực, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.

Khẳng định vai trò, vị thế ở khu vực, quốc tế

Trong bài viết, học giả Kavi cho rằng, là quốc gia đầu tiên ở Đông Dương gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã khá thành công trong việc hợp tác và hội nhập khu vực, tạo hình mẫu để các quốc gia còn lại noi theo. Sau 28 năm gia nhập, Việt Nam đang đóng vai trò tích cực trong việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên cũ và mới. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã khẳng định vai trò dẫn dắt khu vực trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực do đại dịch gây ra.

thu tuong tham singapore va brunei, thuc day ngoai giao cay tre doc lap, linh hoat hinh anh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan mô hình xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP III) tại tỉnh Bình Dương vào tháng 3/2022.

Nhìn rộng ra trường quốc tế, Việt Nam đến nay đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 thành viên Liên hợp quốc, trong đó thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các quốc gia thuộc nhóm G7 và 17/20 nền kinh tế thuộc nhóm G20.

Dù Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, song đường lối và chính sách kinh tế rất cởi mở trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong số các quốc gia Đông Nam Á lục địa, Việt Nam đã ký kết và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do, trong khi một nền kinh tế năng động khác là Thái Lan hiện mới chỉ tham gia 7 hiệp định thương mại tự do. Trong năm 2022, Việt Nam đã thu hút khoảng 22,40 tỷ USD nguồn vốn đầu tư, gấp đôi lượng đầu tư vào Thái Lan.

Cuối bài viết, học giả Kavi cho biết trong báo cáo Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời của Mỹ, cả Việt Nam và Singapore đều được nhấn mạnh là đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Với quan điểm tương đồng về thương mại tự do và hợp tác đa phương,Việt Nam và Singapore đã và đang hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN tại các diễn đàn khu vực và quốc tế./.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác