Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện các chương trình MTQG, các ngành chức năng, chính quyền địa phương tích cực vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS miền núi.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ba chương trình mục tiêu quốc gia
Tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện các chương trình MTQG. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì hội nghị, cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành .
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) gồm: Xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2021- 2025, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG của Trung ương và cấp tỉnh được kiện toàn, thành lập, đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo, điều hành. Các thể chế, chính sách quản lý được ban hành đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện các chương trình.
Từ năm 2021-2023, tổng vốn nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ, giao các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện 3 chương trình là 83.616,619 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư công là 48.216,812 tỷ đồng (bằng 47,24% kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021- 2025); kinh phí sự nghiệp là 35.379,807 tỷ đồng. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 của các chương trình (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) ước thực hiện đến ngày 31/8/2023 đạt khoảng 16.365,331 tỷ đồng (đạt 47,81% kế hoạch).
Từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ giảm nghèo bình quân vùng đồng bào DTTS trong cả nước đạt 3,4% (cao hơn so với mục tiêu 3% kế hoạch giao); ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đến năm 2023 còn 2,93%, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 17,82%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Cả nước có 6.022/8.177 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020); 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp liên quan việc phân bổ vốn sự nghiệp; nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục trong thực hiện các chương trình...
Các địa phương nỗ lực nâng chất đời sống đồng bào
Tại Hà Giang, Chương trình xây dựng NTM từ năm 2011-2020 đã giúp nhiều vùng quê thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế nhưng vẫn có sự chênh lệch và giai đoạn 2021-2025 chương trình xây dựng NTM tiếp tục được triển khai mạnh mẽ dựa trên lợi thế tiềm năng của từng địa phương những vùng khó khăn của tỉnh cũng đang lồng ghép chương trình để phát triển nhanh hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện cho người dân phát triển.
Các địa phương đang dần hoàn thiện những tiêu chí còn thiếu, còn yếu. Nguồn vốn bao gồm vốn đầu tư và cả vốn sự nghiệp sẽ không đủ để đạt được mục tiêu vừa có chiều rộng, chiều sâu, vừa xây dựng được kết cấu hạ tầng. Vì vậy, các xã đang thực hiện xây dựng NTM của Hà Giang cũng linh hoạt lồng ghép nguồn vốn và kêu gọi vốn xã hội hóa để phát triển hạ tầng nông thôn.
Đối với sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc CTMT quốc gia GNBV giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, toàn xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có 19 hộ làm mới và 10 hộ tiến hành sửa chữa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1 tỷ đồng, địa phương đã ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để thực hiện hỗ trợ, khuyến khích các hộ xây dựng nhà ở phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc. Những gia đình được hỗ trợ đều tích cực thực hiện theo các yêu cầu của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Xã Giàng Chu Phìn luôn tăng cường tuyên truyền cho nhân dân về chế độ chính sách của chương trình. Xã cũng đã rà soát thực trạng kinh tế xã hội vùng DTTS trên địa bàn làm cơ sở tổ chức thực hiện chương trình gắn với xây dựng NTM, GNBV những nguồn lực được tăng cường để sử dụng hiệu quả. Các nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, người dân được thụ hưởng nhiều chế độ chính sách, từ những chương trình nhà ở đến các công trình công cộng đều đang hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân ở vùng nông thôn.
Đa dạng hóa sinh kế, nâng cao thu nhập cho nông dân cũng là một giải pháp quan trọng để nâng cao đời sống người dân. Tính đến hết năm 2022, mức thu nhập của huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang đạt gần 30 triệu đồng/người/năm, thu nhập tăng, việc làm ổn định đời sống của nhân dân được cải thiện. Những mô hình sinh tế được tạo dựng đã giúp cho người dân có thêm một nghề để sống, từ đó hạn chế vào sự trông chờ ỉ lại hỗ trợ của Nhà nước. Đây là đòn bẩy quan trọng để động viên khích lệ người dân chung sức đồng lòng giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Thực hiện CTMT quốc gia GNBV giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Lào Cai đã đạt nhiều kết quả, tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 4,36% (vượt 0,36% so với mức giảm bình quân. Kết quả này có được là nhờ các cấp, các ngành địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các mô hình giảm nghèo nhằm đa dạng hoá sinh kế tạo việc làm, tạo thu nhập bền vững cho người dân, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Xã Pa Cheo, huyện Bát Xát trước đây nằm trong top đầu xã có số hộ nghèo cao nhất tỉnh Lào Cai, với tỉ lệ hộ nghèo lên tới gần 70%. Bài toán giảm nghèo luôn là cản trở lớn với cấp ủy chính quyền địa phương nơi đây. Ngay từ đầu năm 2023, với quyết tâm tạo sức bật để đưa Pa Cheo vượt khó đi lên đã được lan tỏa đến từng cán bộ, đảng viên, người dân, được cụ thể hóa bằng những mô hình cụ thể, có định hướng rõ ràng. Đơn cử như mô hình trồng lê tai nung tại xã đã bước sang năm thứ 4. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ phân bón, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật để chăm sóc cây.
Ngoài những sinh kế được hỗ trợ, các hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh tế mới đạt hiệu quả như nuôi cá tầm, cá hồi. Nhờ vậy năm 2022, Pa Cheo là xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu nhất trong 10 xã nghèo nhất tỉnh, đạt 14,45% (tương đương giảm 167 hộ nghèo/ năm), thu nhập bình quân đạt 19,2 triệu đồng/người (tăng 5,2 triệu đồng/người) so với năm 2020.
Thống kê của Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho thấy, hưởng ứng Phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết và giúp nhau giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh có 9732 hộ DTTS kinh doanh giỏi, trong đó có 62% hộ sản xuất kinh doanh giỏi là người DTTS. Con số này cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của đồng bào trong thay đổi nếp nghĩ cách làm trong nỗ lực vươn lên làm giàu. Hai năm đầu của nhiệm kỳ 2021-2025, Lào Cai đã giảm được hơn 19.000 hộ nghèo và gần 6400 hộ cận nghèo. Con số đó chắc chắn sẽ còn tăng thêm trong những năm tới bởi hệ thống giải pháp đồng bộ linh hoạt giúp phát huy hiệu quả của các chương trình mục tiêu cũng như các chính sách liên quan đến giảm nghèo mà tỉnh đã ban hành.
Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết: Nhờ các nguồn lực này, 100% xã và 98% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm cơ bản được cứng hóa; 100% xã có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 100% thôn có điện lưới quốc gia với 96,7% số hộ được sử dụng điện; hơn 95% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Đời sống của đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên, xuất hiện nhiều điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi .