Thùng ngâm rượu gỗ sồi ở làng nghề trống Đọi Tam hút hàng dịp Tết
Tết đến, xuân về là thời khắc mà người người, nhà nhà nô nức, tất bật chuẩn bị để sửa sang, làm đẹp lại mái ấm của mình. Ngoài những mặt hàng truyền thống như: cây cảnh, câu đối, bình phong,... bình rượu gỗ sồi là một trong những sản phẩm đang được săn lùng nhất hiện nay.
Làng Đọi Tam, thuộc xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam nổi tiếng với nghề làm trống truyền thống với hơn 1.000 năm tuổi. Bên cạnh sản phẩm trống truyền thống, làng trống Đọi Tam cũng bắt kịp hướng đi mới của thị trường để ngày càng đa dạng mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Những năm gần đây, một trong những sản phẩm được thị trường hết sức ưa chuộng là thùng ngâm rượu gỗ sồi.
Anh Lê Ngọc Tố - một nghệ nhân nổi tiếng ở làng trống Đọi Tam cho biết: “Tôi đã theo nghề làm trống được gần 30 năm nay, và đây là nghề truyền thống của gia đình. Nhận thấy, nghề thủ công mỹ nghệ có tiềm năng phát triển nên những năm gần đây ngoài sản phẩm trống, chúng tôi cũng đưa ra thị trường nhiều mặt hàng khác như: thùng ngâm rượu, bồn tắm, chậu ngâm chân, bình gạo phong thủy… Một trong những sản phẩm tôi nhận thấy được quan tâm nhiều nhất là thùng rượu gỗ sồi”.
Ấp ủ ý tưởng từ Nga mang về Việt Nam
Theo nghệ nhân Lê Ngọc Tố, bình rượu gỗ sồi được lấy nguồn cảm hứng từ đất nước Nga, nơi ông sinh sống những năm về trước. “Trong một lần đi hội chợ, tôi thấy người dân bên đó bày bán những sản phẩm bình rượu được làm bằng nhiều chất liệu gỗ khác nhau, tôi ghé xem và ấn tượng nhất với bình rượu gỗ sồi. Từ đó, tôi đã tìm tòi và học hỏi thêm với mong muốn đem sản phẩm này về làm ở quê hương mình bởi nghề làm trống ở làng tôi có nhiều kĩ năng liên quan đến quy trình sản xuất bình rượu gỗ sồi”, anh Tố tâm sự.
Nghệ nhân Lê Ngọc Tố cho biết: “Gỗ nhà tôi được nhập hoàn toàn từ nước ngoài, đặc biệt là 2 nước Mỹ và Nga. Việc lựa chọn loại gỗ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc tạo ra sản phẩm chất lượng. Trống được làm bằng gỗ mít, còn bình rượu thì tôi làm bằng gỗ sồi đã được chọn lọc kỹ”.
Để làm ra một chiếc bình rượu gỗ sồi hoàn chỉnh, các nghệ nhân thường áp dụng công thức ghép tang trống truyền thống thành những bình rượu sồi độc đáo. Bên cạnh đó, những bước làm khác cũng vô cùng tỉ mỉ, công phu.
Sau khi gỗ sồi được nhập khẩu nguyên cây từ nước ngoài về, lựa chọn những cây gỗ đạt tiêu chí bao gồm cả hình dáng, điều kiện phát triển và tuổi tác của cây (thông thường cây phải từ 80 năm đến 120 năm tuổi) làm thùng gỗ sồi với nhiều kích thước đa dạng. Gỗ sồi là loại gỗ được sử dụng rộng rãi nhờ vẻ đẹp thẩm mỹ nổi trội, nhưng chúng không chỉ có tác dụng làm đồ thẩm mỹ cao cấp mà còn được ưa thích bởi khả năng tạo hương vị cho rượu. Sau đó sẽ được xẻ nhỏ từng thanh gỗ với kích thước độ dài và độ dày khác nhau đã được tính toán để phù hợp với các loại thùng rượu. Gỗ sau khi được xẻ nhỏ sẽ được xếp cao thành từng hàng và có khe hở để các thanh gỗ được phơi khô tự nhiên, tiếp xúc các yếu tố tự nhiên như ánh nắng, gió, không khí… Đây là quá trình “lão hóa” gỗ tự nhiên, quá trình này kéo dài ít nhất từ 6 tháng đến 2 năm tùy thuộc vào yêu cầu và mục đích sử dụng.
“Các thanh gỗ được lựa chọn kĩ càng từ màu gỗ, vân gỗ phải đẹp và đều. Lựa chọn một cách tỉ mỉ thì mới làm ra những chiếc bình đựng rượu gỗ sồi đẹp, chất lượng. Dựng các thanh gỗ lại với nhau sao cho các thanh gỗ không bị cong vênh, giữ được hình dáng của thùng”, nghệ nhân Lê Ngọc Tố chia sẻ.
Sau khi dựng khung thành bình rượu, việc đốt cháy nhám mặt đen trong thùng gỗ rất quan trọng. Nó giúp cho việc ngâm ủ ượu trong thùng rượu gỗ sồi được thơm hơn và sự trao đổi giữa rượu và thùng diễn ra nhanh hơn. Ngoài ra, khi đốt lửa phải luôn tưới nước xung quanh thùng, để thùng không bị cháy gỗ, nếu không chú ý sẽ làm giảm chất lượng của thùng gỗ sồi.
Hoàn thiện thùng gỗ sồi để xuất xưởng là bước làm cuối cùng. Ghép mặt thùng vào thân thùng và nén đai cố định bằng inox hoặc thép không gỉ để cố định thùng cho chắc chắn. Thiết kế thêm phần chân thùng và trang trí nghệ thuật để thùng gỗ sồi được đẹp mắt hơn. Cuối cũng là tiến hành khoan vòi chiết rượu và bắt đầu kiểm tra chất lượng đầu ra của sản phẩm.
Cung không đủ cầu
Sản phẩm bình rượu có nhiều loại và giá thành khác nhau, tùy vào chất liệu và kích thước. Giá sản phẩm dao động từ hơn 1 triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Tuỳ theo nhu cầu của khách hàng mà các nghệ nhân trong làng sẽ làm ra những loại bình với giá thành khác nhau. Thậm chí, người mua cũng có thể đặt hàng với những kích thước và hình dạng tự thiết kế.
Bình rượu gỗ sồi không chỉ dùng để đựng rượu mà nó còn được sử dụng như vật trang trí trong nhà. Hiện nay, sản phẩm này đang phổ biến và được rất nhiều người ưa chuộng. Cứ mỗi dịp Tết đến, các xưởng làm bình rượu trong làng luôn phải hoạt động hết công suất để kịp hoàn thành những đơn hàng cho khách.
Nghệ nhân Lê Ngọc Tố cho rằng, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định "níu chân" khách hàng. Hiện các sản phẩm của gia đình anh luôn trong tình trạng "cháy hàng". Hàng sản xuất ra đến đâu đều bán hết sạch đến đấy, thậm chí đã có đơn hàng đặt tận đến giữa năm nay. "Mặt hàng thùng rượu gỗ sồi phải sản xuất thủ công, không dùng hóa chất vì ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hiện cung đang vượt quá cầu mà năng lực sản xuất của chúng tôi chưa đáp ứng hêt được nên việc đảm bảo chất lượng, uy tín chúng tôi luôn đặt hàng đầu. Sau này thị trường mở rộng, quy mô sản xuất tăng lên chúng tôi sẽ tính đến cả xuất khẩu", anh Tố bày tỏ.
Ngoài sản phẩm trống truyền thống, các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ nói chung và bình rượu gỗ sồi nói riêng mang lại cho người dân làng trống Đọi Tam nguồn thu nhập ổn định để người dân yên tâm sản xuất, say mê công việc và giữ được ngọn lửa yêu nghề truyền thống quê hương./.
Theo VOV